Thời tiết thuận lợi khiến cho năng suất, sản lượng chè búp đạt chất lượng cao, chỉ mới 9 tháng đầu năm chè búp đã tăng giá đến 3 lần khiến cho người dân xã Sơn Kim2, Sơn Tây (Hương Sơn) vô cùng phấn khởi.
Không khí vui tươi phấn khởi của bà con nhân dân xã Sơn Tây, huyện Hương Sơn, Hà Tĩnh đã làm cho cánh đồng chè trở nên sôi động hơn hẳn.
Theo bà Hiền, một hộ dân trồng chè ở thôn Hà Chua, xã Sơn Tây (huyện Hương Sơn, Hà Tĩnh) cho biết: hái chè từ sáng sớm vừa tránh được cái nắng gay gắt của mùa hè, chè búp hái về lại ngon, sương sớm lại dễ hái hơn, đồng thời cân nặng của chè cũng có vẻ trội hơn khi hái vào buổi trưa. Vì vậy chị em chúng tôi cứ phải tranh thủ đi khi trời chưa sáng.
Năm nay thời tiết thuận lợi, nắng nóng không quá gay gắt bằng các năm trước nên chè cho sản lượng tốt hơn, đặc biệt giá cả năm nay lại cao hơn so với năm ngoái nên chúng tôi rất mừng. Giá chè búp năm nay được xem cao nhất từ trước đến nay, bà Hiền chia sẻ.
Mỗi ngày người dân thu hoạch chè làm việc khoảng 8 – 9 tiếng (sáng từ 5 giờ - 10 giờ, buổi chiều từ 3 giờ đến 6 giờ). Trung bình mỗi người hái được khoảng 50 - 70kg chè búp/ngày, có những người hái nhanh có thể lên đến cả 100kg/ngày.
Chị Xuân một hộ trồng chè khác cho hay, nhờ cây chè mà đời sống của bà con chúng tôi đỡ vất vả hơn, trước đây trên mảnh đất này cứ mùa nào thức ấy, ngô, sắn, khoai, lạc cứ thay phiên nhau trồng. Nhưng những cây công nghiệp ngắn ngày đó lại không mang lại hiệu quả kinh tế cao, năm nào được mùa lại mất giá, trong khi được giá lại mất mùa khiến cho đời sống bà con nhân dân chúng tôi nơi đây gặp rất nhiều khó khăn.
Sau khi chuyển đổi sang trồng chè vừa mang lại hiệu quả kinh tế cao, giá cả ổn định không phải lo lắng đầu ra của sản phẩm. Đặc biệt, năm nay giá chè cao hơn mọi năm. Hiện giá thu mua của Xí nghiệp chè Tây Sơn thu mua là 6.900- 7.100 đồng/kg chè búp, trong khi năm 2022 chỉ 5,5 - 5,8 nghìn đồng/kg, chị Xuân vui mừng chia sẻ.
Trao đổi với phóng viên ông Nguyễn Hồng Sánh- Giám đốc Xí nghiệp chè Tây Sơn cho hay: Sản lượng chè năm nay so với mọi năm tăng 150 tấn. Đến thời điểm hiện tại xí nghiệp đã thu mua được 4558 tấn, vượt kế hoạch đề ra 250 tấn.
Dù chè của đơn vị vẫn xuất khẩu sang các thị trường truyền thống là các nước Đông Âu nhưng năm nay chất lượng sản phẩm lại yêu cầu khắt khe hơn. Hiện tại, đơn vị sản xuất chè phải phân thành 7 loại, khác với những năm trước chỉ phân thành 4 loại (Chè sợi, chè vờm, chè mảnh, chè cám).
Tuy nhiên, sau mấy năm chịu ảnh hưởng của chiến tranh Nga – Ucraina, và dịch bệnh Covid-19 thì năm nay giá cả chè đã tăng trở lại. Từ đầu năm lại nay đơn vị đã 3 lần tăng giá cho bà con nông dân. Từ 5.800 đồng lên 6.100 đồng/kg, đến nay đơn vị đã thu mua lên đến 6.900 đồng/kg, thậm chí có những hộ ở xa xí nghiệp, đơn vị còn hỗ trợ thêm chi phí vận chuyển nên thu mua đến 7.100 đồng/kg.
Ngoài ra, để phòng chống nắng hạn cho cây chè đợt nắng nóng vừa rồi, đơn vị cũng hỗ trợ bà con nhân dân thêm mỗi 1ha chè 1,5 triệu đồng để bà con đầu tư chống hạn. Tổng số tiền mà Xí nghiệp chè Tây Sơn bỏ ra gần 100 triệu đồng.
Theo ông Sánh, diện tích hiện tại của xí nghiệp có 330 ha chè, tập trung chủ yếu ở hai xã Sơn Kim 2 và Sơn Tây. Dự kiến trong tháng 10 đơn vị sẽ thu mua được 320 tấn, tháng 11 là 250 tấn và tháng 12 là 50 tấn. Phấn đấu trồng mới thêm 4ha để thay thế những diện tích chè đã cằn cỗi không đạt năng suất cao.
Vị giám đốc cho hay, dù cây chè đang mang lại hiệu quả kinh tế khá cao cho bà con nơi đây nhưng để mở rộng diện tích cũng đang một vấn đề rất khó khăn. Khi diện tích đất khan hiếm, trong khi để chuyển đổi đất trồng rừng sang trồng chè hiện nay cũng đang rất khó, hiện tại chè trồng mới không được nhà nước hỗ trợ như trước đây, nhưng đơn vị cũng sẽ có gắng có những chính sách để hỗ trợ bà con nhằm mở rộng thêm vùng nguyên liệu.
Ông Cao Văn Đức- Chủ tịch UBND xã Sơn Tây cho biết, diện tích chè trên địa bàn xã nhiều nhất trên toàn tỉnh, với diện tích hơn 300 ha. Đây được xem là cây phát triển chủ lực của xã. Là vùng nguyên liệu cung cấp cho 4 cơ sở sản xuất gồm Tổng đội Thanh niên xung phong - Xây dựng vùng kinh tế mới Tây Sơn, Xí nghiệp chè Tây Sơn, hộ sản xuất anh Cường ở Sơn Lĩnh, hộ sản xuất anh Khoa ở xã Sơn Kim 2.
Cây chè không những giúp bà con trong xã có cuộc sống ổn định mà còn mang lại thu nhập cao. Thu nhập bình quân của người dân trồng chè đạt 7 triệu – 8 triệu đồng/tháng. Nhận thấy hiệu quả kinh tế từ cây chè nên chúng tôi muốn mở rộng thêm diện tích nhưng tiếc là quỹ đất không còn nhiều. Theo dự kiến, năm nay và những năm tới bà con sẽ tiếp tục trồng tại những vùng đất còn bỏ trống hoặc trồng xen dắm ở các thôn nhưng diện tích ước tính chỉ khoảng dưới 10 ha, vị Chủ tịch xã chia sẻ thêm.
Trăn trở lớn nhất của địa phương để mở rộng và phát triển cây chè đó là vấn đề lao động. khác với chè ở các tỉnh khác có thể thu hái bằng máy nhưng chè ở đây yêu cầu phải hái bằng thủ công để đảm bảo chất lượng, kích thước; lúc đó mới đưa ra được sản phẩm chất lượng, trong khi lực lượng trong độ tuổi lao động lại đi làm công nhân, hoặc có việc làm ở các thành phố lớn, một số khác lại đi xuất khẩu lao động.
Được biết, Xí nghiệp chè Tây Sơn được xem là đơn vị có vùng nguyên liệu lớn nhất tỉnh Hà Tĩnh hiện nay.
Diễm Phước
Theo KT&ĐU