Hơi mặn của muối, vị chát của mồ hôi, cái nóng như rang áp vào đôi bàn chân, phả vào mặt mũi nhưng diêm dân vẫn cần mẫn, dầm gót chân trần dưới nại (cánh đồng muối) để làm muối. Vất vả, khó nhọc của mỗi diêm dân làm muối ở xã Kỳ Hà, thị xã Kỳ Anh như thu nhận cả vào mình những mặn chát, lo âu.
Làng nghề muốn truyền thống Kỳ Hà từng có khoảng 100 ha ruộng muối nhưng những năm gần đây diện tích này giảm chỉ còn khoảng 50 ha. Nghề làm muối của những diêm dân nơi đây kéo dài từ tháng 3 tới tháng 8 hàng năm. Công việc này phụ thuộc nhiều vào thời tiết, nắng càng to thì mới có được muối. Để làm ra những mẻ muối, diêm dân phải bắt đầu công việc từ sáng sớm, khi những tia nắng đầu tiên còn chưa bắt đầu. Nếu có cơ hội được trải nghiệm thì mới thấy được sự khó khăn, vất vả đến nhường nào để tạo nên hạt muối trắng ngần.
Giai đoạn đầu tiên để sản xuất ra hạt muối là ngâm cát cùng nước biển và làm đất. Trên những nại muối, rất nhiều ô đất được khoanh lại theo hình chữ nhật sao cho đất mịn bề mặt, sau đó đổ cát ngấm nước phơi lên trên. Sau khoảng thời gian dài được phơi, cát khô, trên bề mặt từng hạt cát sẽ kết tinh thành những hạt muối nhỏ.
Giữa tiết trời nắng nóng, từ 12h trưa đến 1h chiều là khoảng thời gian lý tưởng để các diêm dân ra vựa muối tiếp tục công việc của mình, thu gom những bãi cát đã kết tinh muối. Khác với những ngành nghề khác, nắng càng to càng gắt, muối càng nhanh tạo hình...
Chiều đến, các thành viên trong gia đình lại gọi nhau đi cào muối, gom muối. Những đụn muối nhỏ trắng tinh được cào trong ruộng, lấp lánh phản chiếu dưới ánh mặt trời. Mùa hè oi ả, nắng chiều chẳng dịu đi là bao, quyện thêm gió lào càng nóng, hình bóng của diêm dân in trên từng ruộng muối trắng.
Đối với diêm dân nghề sản xuất muối luôn là một thứ nghề vất vả, nhọc nhằn. Cái nghề mà quanh năm ai cũng cầu sao ngày nắng thật lớn chỉ vì lo mỗi trận mưa dông ập về càng thêm phần khó khăn, cực khổ. Cái nghề mà ngày ngày vẫn phải oằn lưng “cõng nắng, cõng gió”, dưới thời tiết nóng oi bức mặc cái hương vị mặn mòi kia ám trên từng gương mặt đen sạm theo thời gian.
Theo những diêm dân làm muối nơi đây cho biết: “Ngày trước, 100 hộ ở xã Kỳ Hà làm nghề muối giờ thì còn chưa tới nửa. Nhiều thửa ruộng bỏ hoang không làm nữa vì thu nhập thấp, công việc thì khó khăn, vất vả. Mấy năm nay, muối làm ra chủ yếu là để bán cho chăn nuôi, hoặc để ướp hải sản… Vậy nhưng, đầu ra cũng “phập phù”, giá muối xuống thấp lại thường xuyên bị thương lái ép giá nên nhà ai có nhân lực thì chở đi bán rong khắp nơi, còn không thì thu hoạch về đành chất trong kho...”.
Đời sống của người làm muối rất khó khăn vì có năm bán được năm không, phụ thuộc vào thị trường… Bà con chỉ mong, hạt muối làm ra nếu được Nhà nước hỗ trợ giá, hoặc có công ty bao tiêu sản phẩm thì diêm dân mới kiên định giữ nghề.
Nỗi buồn của những diêm dân cũng là nỗi lo của chính quyền địa phương. Chủ tịch UBND xã Kỳ Hà cho biết: Nhiều người rất cố gắng để giữ nghề, chỉ mong nghề nuôi mình nhưng thực tế những năm gần đây thu nhập từ đồng muối bấp bênh nên diện tích cứ dần thu hẹp lại. Làm thế nào để hỗ trợ bà con làm muối yên tâm gắn bó với nghề vẫn đang là bài toán khó không chỉ với những hộ diêm dân mà còn với cả chính quyền địa phương.
Mong ước của diêm dân làm muối ở Kỳ Hà làm sao chính quyền cần có chính sách hỗ trợ diêm dân ứng dụng tiến bộ khoa học kỷ thuật trong sản xuất muối, hỗ trợ hình thành các hợp tác xã chuyên sản xuất muối. Qua đó, tăng cường mở rộng quảng bá sản phẩm, xây dựng thương hiệu cho muối Kỳ Hà. Đồng thời cũng tìm ra cách chuyển đổi hình thức sản xuất cho các nại bỏ hoang. Để những diêm dân làm muối nơi đây găn bó với nghề truyền thống.
Nguyễn Nghị
Theo KT&ĐU