Là cây trồng chủ lực của địa phương, thời điểm này những người dân huyện Hương Sơn đang phấn khởi thu hái chè vụ xuân để cung ứng ra thị trường.
Theo thống kê, toàn tỉnh Hà Tĩnh hiện có hơn 850 ha chè trồng liên kết giữa người dân và doanh nghiệp, tập trung chủ yếu ở các huyện Hương Sơn, Hương Khê, Kỳ Anh. Riêng tại vựa chè huyện Hương Sơn, năm 2022 sản lượng chè búp tươi đạt hơn 4.380 tấn, trị giá hàng chục tỷ đồng.
Các địa phương trồng nhiều như Sơn Kim 2, Sơn Tây, Sơn Kim 1, Sơn Lâm... diện tích trồng chè đang ngày một tăng lên, địa bàn cũng mở rộng thêm do cây trồng này phù hợp điều kiện thổ nhưỡng, sản phẩm dễ tiêu thụ, lợi nhuận cao.
Những ngày này tại các đồi chè đầy ắp tiếng nói cười của những hộ dân thu hoạch. Mỗi ngày người dân thu hoạch chè làm việc 8 tiếng (sáng từ 6 giờ - 10 giờ, chiều từ 13 giờ - 17 giờ). Trung bình mỗi người hái được khoảng 50 - 70kg chè búp/ngày, thu nhập bình quân của người dân trồng chè đạt 7 triệu đồng/tháng.
Chị Lê Thị Mỹ (xã Sơn Tây, huyện Hương Sơn) nhận giao khoán hơn 10 sào chè nguyên liệu liên kết với Xí nghiệp chè Tây Sơn cho biết: “Với sự đồng hành, hỗ trợ của Xí nghiệp Chè, từ giống, kỹ thuật trồng, chăm sóc đến bao tiêu sản phẩm... và sự quan tâm của chính quyền, chúng tôi rất yên tâm để phát triển cây chè bền vững. Năm nay chè phát triển tốt, tán rộng, búp dày, đều và cho thu hoạch với năng suất khá cao”.
Gia đình chị Nguyễn Thị Thúy ở xã Sơn Kim 2 (huyện Hương Sơn) với 7 năm gắn bó với chè cũng háo hức không kém bởi năng suất, sản lượng chè, giá bán năm nay tăng đáng kể. Năm 2022 chỉ 5,5 - 5,8 nghìn đồng/kg nhưng năm nay giá thu mua là 6,5 nghìn đồng. Nhà chị hiện có 15 sào chè, dự kiến sẽ cho thu nhập khoảng hơn 150 triệu đồng.
Giám đốc Xí nghiệp chè Tây Sơn Nguyễn Hồng Sánh cho biết: “Năm nay thời tiết rất thuận lợi cho cây chè sinh trưởng và phát triển, quý I/2023 sản lượng chè búp tươi của người dân trồng liên kết với Xí nghiệp đạt trên 290 tấn. Đây được cho là một trong những vụ chè bội thu nhất từ trước đến nay. Đến thời điểm hiện tại, lượng chè thu mua từ đầu năm đến nay đã được xuất khẩu hết”.
“Năm 2023, sau những khó khăn người trồng chè từng gặp phải do dịch bệnh, chịu ảnh hưởng của thời tiết và nhiều khi giá vật tư, phân bón tăng cao song kết quả đem lại đã khiến người dân phấn khởi, vui mừng. Với nhiều giải pháp trong đầu tư, phát triển, những năm qua sản phẩm chè VietGap ở tỉnh Hà Tĩnh đã chiếm lĩnh thị trường các nước Trung Đông. Hiện nay, chè Hà Tĩnh đang tiếp tục chinh phục các rào cản kỹ thuật khắt khe, tạo ra sản phẩm chè sạch, an toàn, đạt chuẩn thương hiệu chè quốc tế RA để vươn ra thị trường EU”, ông Nguyễn Hồng Sánh nhấn mạnh.
Cũng theo ông Sánh, tiếp tục cho cải tạo 6 ha chè trồng lâu năm đạt sản lượng thấp. Đặc biệt liên kết với Sơn Kim 1 và Sơn Tây trồng mới thêm 10 ha theo kế hoạch đề ra để tăng diện tích trồng chè.
Nhờ được chăm sóc tốt, tích cực ứng dụng các tiến bộ KHKT, chú trọng sản xuất theo quy trình chè an toàn VietGAP nên các đồi chè ở huyện Hương Sơn đã cho năng suất ngày một cao, đưa đời sống nhân dân ngày càng phát triển.
“Việc mang sản phẩm an toàn tiêu thụ tại các thị trường khó tính luôn được đặt lên hàng đầu. Xí nghiệp chè Tây Sơn được cấp chứng nhận tiêu chuẩn VietGap cho toàn bộ phần diện tích sản xuất và đạt chuẩn 3 sao OCOP. Để vào EU, cần nhanh chóng xây dựng thương hiệu chè quốc tế RA. Tiêu chuẩn này yêu cầu sản phẩm phải đảm bảo an toàn thực phẩm tuyệt đối; bảo vệ môi trường nước, đất, không khí, hệ sinh thái trong vùng sản xuất… nghiêm ngặt”. Ông Lê Hồng Phong - Chủ tịch UBND xã Sơn Kim 2 cho biết.
Đặc biệt, hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) được đánh giá là cơ hội, triển vọng lớn cho các doanh nghiệp xuất khẩu nói chung, doanh nghiệp xuất khẩu nông sản nói riêng, trong đó có sản xuất chè.
Hoài Thanh – Diễm Phước
Theo KT&ĐU