Với những mô hình kinh tế nuôi hươu, trồng chè, trồng rừng,… thời gian qua của người dân đã đưa xã miền núi Sơn Tây, huyện Hương Sơn - Hà Tĩnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế rõ rệt, giúp xóa đói giảm nghèo, nâng cao thu nhập cho người dân.
Những năm qua, nhiều hộ nông dân ở xã miền núi Sơn Tây, huyện Hương Sơn (Hà Tĩnh) đã vươn lên trở thành tỷ phú từ chính đất đồi quê hương.
Nuôi hươu lấy lộc nhung mang lại thu nhập cao
Là địa bàn có nhiều lợi thế để phát triển nghề nuôi hươu sao, những năm qua xã Sơn Tây, huyện Hương Sơn đã liên tục phát triển đàn, mang lại nguồn lợi kinh tế lớn cho nông dân.
Mới đầu chỉ những hộ gia đình khá giả mới có điều kiện để nuôi. Nuôi hươu chỉ với mục đích lấy lộc nhungsử dụng bồi bổ sức khỏe. Nhưng sau này giá trị của nhung hươu ngày càng cao, nhu cầu sử dụng ngày càng nhiều, hươu trở thành vật nuôi phổ biến của người dân Hương Sơn.
Hươu là động vật dễ chăm sóc vì có sức đề kháng cao và ít bị bệnh, thức ăn chủ yếu là các loại lá, cây cỏ, phù hợp với địa hình miền núi.
Nhiều hộ chăn nuôi từ chỗ nuôi một vài con nay đã đầu tư nuôi hàng chục, thậm chí hàng trăm con. Chất lượng, sản lượng hươu và nhung hươu cũng ngày càng được nâng cao. Từ các mô hình chăn nuôi hươu, nhiều hộ dân không chỉ thoát nghèo mà còn vươn lên khá giả, giàu.
Tuy không phải là xã nuôi nhiều hươu sao nhất huyện Hương Sơn, nhưng với số lượng hươu đực chiếm 80% tổng đàn, Sơn Tây là một trong những xã có nguồn thu lớn nhất từ nhung hươu. Mỗi năm, mỗi con hươu đực cho 1-2 lứa nhung, bình quân mỗi con hươu cũng cho thu nhập bình quân 20- 30 triệu đồng. Ngoài lấy nhung thì bán hươu giống cũng mang lại nguồn thu nhập lớn. Một con hươu con 3 tháng tuổi giá dao động từ 20 triệu – 50 triệu tùy vào giống hươu.
Hiện nay, xã Sơn Tây đang tích cực hỗ trợ các hộ dân tiến hành thực hiện truy xuất nguồn gốc, tiến tới xây dựng thương hiệu nhung hươu Hương Sơn trên thị trường.
Đưa cây chè làm cây phát triển chủ lực
Ngoài nuôi hươu, xã Sơn Tây còn tập trung đầu tư trồng chè, trồng rừng nhằm nâng cao thu nhập cho người dân. Bằng việc chọn cây chè làm chủ lực để thay đổi hướng sản xuất, những năm gần đây, trên mảnh đất cằn cỗi các xã vùng biên trên đã được phủ màu xanh ngút ngàn của những đồi chè.
Theo các hộ dân trồng chè, bên cạnh sự đầu tư, hỗ trợ của nhà nước về giống, phân bón theo chương trình, dự án phát triển nông nghiệp, nông thôn; nhiều hộ gia đình còn chủ động đầu tư thêm vốn, tận dụng những đồi đất còn bỏ trống để trồng bổ sung, mở rộng diện tích.
Ông Cao Văn Đức - Chủ tịch UBND xã Sơn Tây cho biết, chuyển đổi cơ cấu phát triển chăn nuôi, giống cây trồng để phù hợp với khí hậu thổ nhưỡng nơi đây giúp người dân nâng cao thu nhập, làm giàu từ chính quê hương. Giúp cho bộ mặt nông thôn ngày càng đổi mới.
Nhờ những chính sách đúng đắn, hỗ trợ kịp thời mà trên địa bàn xã đã có những mô hình chăn nuôi, phát triển sản xuất trở thành mô hình điểm của huyện Hương Sơn.
● Nuôi hươu vừa mang lại hiệu quả kinh tế cao lại ổn định, nhất là sau khi dịch Covid-19 bùng phát, nhu cầu bồi bổ sức khỏe của người dân tăng, giá thành cao bà con nhân dân rất phấn khởi, nên trong những năm gần đây, tổng lượng đàn hươu của huyện Hương Sơn cũng tăng lên, ông Đức cho biết.
Cùng với nuôi hươu, trồng chè ở đây những năm qua cũng mang lại hiệu quả kinh tế cao, là hướng đi chủ lực cho xã và huyện trong phát triển kinh tế những năm tới. Từ năm 2002 cây chè đã được người dân trồng rải rác trên đất ven đồi (6ha - 10ha) nhưng do một thời gian quá trình liên kết với Xí nghiệp chè Tây Sơn có một chút trục trặc nên người dân không liên kết nữa. Cho đến năm 2014, khi việc liên kết đã ổn định, người dân bắt đầu trồng chè trở lại và mở rộng diện tích.
Được xí nghiệp hỗ trợ về giống, phân bón, cũng như kỹ thuật nên việc trồng chè của người dân trở nên dễ dàng hơn. Sau khi nhìn thấy hướng đi đúng đắn và mang lại hiệu quả kinh tế, người dân bắt đầu chuyển đổi từ các vùng đất kém phát triển sang trồng chè, thậm chí có những vùng đất màu mỡ cũng chuyển đổi để cho sản lượng chè cao hơn.
Để giúp người dân phát triển ổn định vùng nguyên liệu chè, UBND tỉnh Hà Tĩnh, huyện Hương Sơn, xí nghiệp cũng có những chính sách để hỗ trợ như: Hỗ trợ 10 triệu đồng/ha để làm đất, 700 đồng/cây giống, kỹ thuật…
Hiện tại, xã Sơn Tây có gần 350 hộ tham gia trồng chè, với tổng diện tích gần 290ha, sản lượng đạt 8.200 tấn/năm. Với giá bán hiện tại, đối với chè búp là 6.000 đồng/1kg, trong khi đó cho thu hoạch 9 tháng liên tục, nên so với việc trồng lúa cũng như các hoa màu ngắn ngày thì cây chè mang lại hiệu quả gấp 5 lần.
Cùng với phát triển kinh tế trang trại dựa trên hai loại sản phẩm chủ lực, mang thương hiệu của huyện Hương Sơn thì xã Sơn Tây cũng đang chú trọng đầu tư các mô hình sản xuất trang trại có liên kết, hỗ trợ như nuôi lợn, nuôi dê, trồng rừng. Chính nhờ những hướng đi đúng đắn mà bộ mặt nông thôn ngày càng khởi sắc.
Diễm Phước – Hoài Thanh
Theo KT&ĐU