UBND tỉnh Hà Tĩnh sẽ thành lập các đoàn công tác tiến hành kiểm tra các dự án, gói thầu trên địa bàn tỉnh; qua đó rà soát, đánh giá năng lực nhà thầu, chủ đầu tư và đôn đốc đẩy nhanh tiến độ giải ngân.
“Gắn tiến độ thực hiện, giải ngân và hiệu quả dự án với trách nhiệm người đứng đầu, người được giao nhiệm vụ thực hiện, coi đây là tiêu chí đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ năm 2023. Nếu địa phương, đơn vị nào kết quả đạt thấp, không giải ngân hết nguồn vốn đầu tư công trong năm theo đúng cam kết thì người đứng đầu phải chịu trách nhiệm”. Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh - Võ Trọng Hải nhấn mạnh.
Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh cho biết thêm: Kết quả giải ngân vốn đầu tư công 8 tháng cho thấy nhiều địa phương, đơn vị tiến độ đạt thấp, ảnh hưởng đến kết quả chung của cả tỉnh. Vì vậy, thời gian tới cần tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong giải ngân vốn đầu tư công, đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu.
Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh đề nghị các đơn vị liên quan tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai các dự án. Đặc biệt, Sở Tài chính tiếp tục chủ trì, phối hợp định kỳ hằng tháng có văn bản đôn đốc các cơ quan, đơn vị, địa phương và các ban quản lý dự án, chủ đầu tư có tỷ lệ giải ngân thấp; tham mưu, đề xuất UBND tỉnh giải pháp đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công.
Nguyên nhân khiến các đơn vị, địa phương có tỷ lệ giải ngân thấp là do thủ tục đầu tư dự án kéo dài, quá trình thực hiện khó khăn trong GPMB... nên chưa đủ điều kiện để tạm ứng vốn (theo hợp đồng) hoặc khối lượng hoàn thành để thanh toán.
Một số dự án chậm giải ngân vốn do chờ điều chỉnh thời gian thực hiện dự án; một số dự án chưa triển khai xây lắp do chưa có vốn chi trả GPMB; một số địa phương, đơn vị chưa thực sự vào cuộc chỉ đạo quyết liệt, vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu chưa cao.
Đối với các dự án ODA, ngoài thực hiện theo đúng các quy định của pháp luật trong nước, còn phải hoàn thiện thêm các hồ sơ thủ tục đầu tư, rút vốn, giải ngân… theo các cam kết với nhà tài trợ dẫn đến quá trình hoàn thiện thủ tục mất rất nhiều thời gian, công đoạn.
Trước mắt, UBND tỉnh sẽ thành lập các đoàn công tác tiến hành kiểm tra các dự án, gói thầu trên địa bàn tỉnh; qua đó rà soát, đánh giá năng lực nhà thầu, chủ đầu tư và đôn đốc đẩy nhanh tiến độ giải ngân.
Năm 2023, tổng kế hoạch vốn đầu tư công năm 2023 của tỉnh Hà Tĩnh đã được giao cho các địa phương, đơn vị là 9.569 tỷ đồng (chưa cập nhật kế hoạch vốn được giao từ nguồn tăng thu, tiết kiệm chi theo Quyết định số 1916/QĐ-UBND ngày 11/8/2023 của UBND tỉnh).
Tính đến hết tháng 8/2023, Hà Tĩnh đã giải ngân hơn 4.800 tỷ đồng, bằng 55% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, cao hơn tỷ lệ giải ngân chung cả nước. Trong đó, 24 địa phương, đơn vị có tỷ lệ giải ngân đạt trên 50% kế hoạch vốn như các huyện: Đức Thọ 91%, Can Lộc 76%, Hương Sơn 68%, thị xã Hồng Lĩnh 67%; Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng Khu vực khu kinh tế tỉnh 62%...
Có 20 đơn vị, địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới 50%, đặc biệt nhóm nguồn vốn ODA (giải ngân đạt 11,8% kế hoạch), vốn ngân sách địa phương cấp tỉnh quản lý (giải ngân đạt 30,4% kế hoạch)...
Hoài Thanh
Theo KT&ĐU