Sự kiện hot
7 tháng trước

Hà Tĩnh: Thực hiện tốt biện pháp phòng bệnh đau mắt đỏ trong trường học

Thông tin từ Sở Y tế tỉnh Hà Tĩnh cho biết, toàn tỉnh đã ghi nhận 30.116 trường hợp bị đau mắt đỏ (viêm kết mạc cấp) và dịch bệnh này vẫn đang có xu hướng gia tăng.

Hạn chế tình trạng lây lan bệnh đau mắt đỏ trong trường học.

Toàn tỉnh này đến nay ghi nhận trên 30.000 trường hợp bị đau mắt đỏ, trong đó các địa phương có số ca bệnh nhiều như huyện Hương Khê, huyện Kỳ Anh và huyện Lộc Hà. Trong số này có trên 12.000 ca đã khỏi bệnh, những người mắc bệnh còn lại đang được điều trị theo hướng dẫn của bác sĩ.

Được biết, Hương Khê là địa phương có số ca mắc lớn nhất với trên 15.000 ca, huyện Kỳ Anh với trên 4.800 ca, Can Lộc 2.202 ca, Đức Thọ 1.356 ca, thành phố Hà Tĩnh 1.175 ca...

Riêng tại huyện Lộc Hà chỉ trong một tuần, ghi nhận trên 4.300 học sinh đau mắt đỏ phải nghỉ học. Ngành giáo dục huyện này nhanh chóng ban hành công văn để hướng dẫn các trường tổ chức các biện pháp phòng tránh dịch bệnh.

Để hạn chế tình trạng lây lan trong trường học, mới đây, Sở Y tế tỉnh Hà Tĩnh cũng đã yêu cầu Sở GD&ĐT tăng cường chỉ đạo các trường học trên địa bàn tỉnh thực hiện tốt biện pháp phòng bệnh đau mắt đỏ trong trường học. Đẩy mạnh truyền thông phòng bệnh đau mắt đỏ cho giáo viên, học sinh, phụ huynh và không để học sinh mắc bệnh đau mắt đỏ đã được chỉ định nghỉ học đến trường…

Tại các trường học khi phát hiện học sinh bị bệnh đau mắt đỏ phải thông báo và phối hợp với cơ sở y tế để xử lý ổ dịch kịp thời, triệt để. Các trường học thường xuyên vệ sinh bàn ghế học sinh, đồ chơi, đồ dùng học tập bằng xà phòng hoặc chất tẩy rửa thông thường; cung cấp đủ xà phòng, nước sạch, dung dịch sát khuẩn tay cho học sinh, giáo viên.

Ngành y tế ở Hà Tĩnh cũng khuyến cáo người dân nên thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, sử dụng nước sạch, không đưa tay lên dụi mắt, mũi, miệng; không dùng chung lọ thuốc nhỏ mắt, khăn mặt, kính mắt, khẩu trang… để phòng tránh bệnh lây lan. Người bệnh, người nghi bị bệnh đau mắt đỏ cần hạn chế tiếp xúc với người khác. Chủ động đến cơ sở y tế khám, tư vấn, điều trị kịp thời, không tự ý điều trị khi chưa có hướng dẫn của cán bộ y tế để tránh biến chứng nặng.

Theo ông Nguyễn Chí Thanh, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Hà Tĩnh cho biết: “Để phòng bệnh tốt nhất là thực hiện triệt để các biện pháp vệ sinh và cách ly với người bệnh, bên cạnh đó người bệnh nên đến cơ sở y tế để được khám, tư vấn, điều trị kịp thời, không tự ý điều trị để tránh các biến chứng nặng. Mầm bệnh đau mắt đỏ có khả năng sống ở môi trường bình thường trong vài ngày và người bệnh vẫn có thể là nguồn lây bệnh sau khi đã khỏi bệnh một tuần”.

Theo tìm hiểu được biết, đau mắt đỏ là bệnh lành tính, ít để lại di chứng, nhưng dễ lây lan và ảnh hưởng nhiều đến sinh hoạt, học tập và lao động của người bệnh. Nếu phát hiện, điều trị kịp thời thì khoảng từ 7 - 10 ngày là khỏi bệnh hoàn toàn. Tuy nhiên, nếu chủ quan thì bệnh có thể gây biến chứng viêm loét giác mạc, làm ảnh hưởng rất lớn đến thị lực, nhất là ở trẻ em.

Bác sĩ Lê Văn Tịnh, phó giám đốc bệnh viện Mắt Hà Tĩnh đang khám mắt cho bệnh nhân.

Tại bệnh viện Mắt Hà Tĩnh thời gian gần đây bình quân mỗi ngày tiếp nhận khoảng 30 trường hợp bệnh nhân đau mắt đỏ. Các bệnh nhân bị đau mắt đỏ chủ yếu tập trung ở lứa tuổi học sinh và người già, với các triệu chứng là đỏ mắt, chảy nước mắt, mắt có nhiều ghèn rỉ, sưng phù kết mạc, xuất huyết nhẹ dưới kết mạc.

Ngày 20/9, Bác sĩ Lê Văn Tịnh - Phó Giám đốc bệnh viện Mắt Hà Tĩnh cho biết: Bệnh đau mắt đỏ thường xảy ra khi thời tiết chuyển mùa, dễ lây lan thành dịch. Bệnh do vi rút hoặc vi khuẩn gây ra, nhưng phổ biến nhất là vi rút có tên Adenovirus. Phát hiện bị đau mắt đỏ, hầu hết mọi người đều đã đến khám, điều trị kịp thời, nhưng cũng có một số trường hợp phát hiện muộn hoặc có thể do biến thể của vi rút nên đã bị biến chứng viêm loét giác mạc, khiến cho thời gian điều trị kéo dài hơn.

Hoài Thanh

Theo KT&ĐU

Từ khóa: