Sự kiện hot
9 tháng trước

Hà Tĩnh: Ứng dụng công nghệ giúp nâng cao sản lượng của cây chè

Hương Sơn vùng đất được thiên nhiên ưu đãi với điều kiện thổ nhưỡng và khí hậu rất thích hợp cho cây chè phát triển. Là cây trồng lâu đời, trải qua những thăng trầm, nhưng chè nơi đây vẫn giữ được vị thế và ngày càng phát triển, góp phần quan trọng đời sống của người dân.

Ứng dụng công nghệ vào sản xuất

Đối với người dân Hương Sơn, chăn nuôi và trồng trọt vẫn đang là nguồn thu nhập chính của người dân nơi đây. Nhiều người cũng vươn lên thoát nghèo làm giàu từ chính mảnh đất này.

Nhờ áp dụng công nghệ vào sản xuất nên năng suất và sản lượng của chè Hương Sơn đạt chất lượng cao

Được xác định là một trong những cây kinh tế chủ lực của vùng núi phía Tây Hương Sơn, những năm qua, chính quyền và bà con các xã Sơn Kim 2, Sơn Tây… đã tập trung phát triển cây chè, tạo thành một vùng nguyên liệu lớn. Nơi đây được xem là thủ phủ chè phía Tây của Hà Tĩnh, mỗi đồi chè sở hữu nét đẹp xanh mướt, hấp dẫn góp phần làm đổi thay đời sống và diện mạo của một xã biên giới.

Để cụ thể hóa chủ trương xây dựng vùng chè sản xuất hàng hóa tập trung gắn với chế biến, tiêu thụ sản phẩm và hướng đến nền sản xuất nông nghiệp bền vững, hiện đại mang lại giá trị cao, Xí nghiệp sản xuất chè Tây Sơn đã thực hiện mô hình sản xuất chè theo chuỗi giá trị. Các khâu từ trồng, chăm sóc, thu hái đến thu gom, chế biến, phân phối, tiêu thụ đều được kiểm soát theo hợp đồng nhằm tạo ra các sản phẩm an toàn và người tiêu dùng cũng có thể truy xuất nguồn gốc dễ dàng.

Những đồi chè mang lại thu nhập khá cao cho bà con nhân dân

Các hộ làm chè đều ký hợp đồng và tham gia chuỗi liên kết sản xuất chè với trồng theo mô hình VietGap. Hiện 100% diện tích chè được sử dụng máy làm đất và toàn bộ từ các khâu trồng đến thu hái đều theo quy trình.

Vươn lên thoát nghèo

Nhiều đoàn từ các tỉnh bạn đến tham quan, học hỏi cũng như trải nghiệm những đồi chè ở đây

Chị Xuân, một hộ trồng chè lâu năm ở xã Sơn Kim 2 cho hay, trước đây trồng, hay sản xuất đều làm bằng thủ công, dựa vào sức lao động của con người, nhưng sau này, nhờ khoa học kỹ thuật phát triển, hầu như mọi việc đều được thay thế bằng máy móc. Giờ chỉ còn ít khâu phải dùng đến sức lao động nữa.

Trước đây, để ra được một mẻ trà ngon, chúng tôi phải tốn bao nhiêu công sức, từ trồng, thu hái, đến ủ, sấy, tất thảy đều làm bằng thủ công, trong khi đó, năng suất chất lượng lại không cao, giờ thì ngược lại. Chính cây chè đang giúp người dân nơi đây có của ăn của để, tạo ra nguồn thu nhập chính cho gia đình.

Đây trở thành nơi check -in lý tưởng của nhiều du khách khi đến với Hương Sơn

Ông Hoàng Văn Sơn, một hộ dân trồng chè ở thôn Khí Tượng, xã Sơn Tây cho hay, lúc đầu chúng tôi trồng chè cũng chỉ nghĩ đến thay đổi giống cây trồng để phù hợp với điều kiện khí hậu nơi đây, cũng như tránh tình trạng mất mùa, sâu bệnh như các giống cây trồng khác mà thôi. Nhưng được sự quan tâm đầu tư của Xí nghiệp bằng việc hỗ trợ giống, phân bón, bao tiêu sản phẩm... Ðối với chúng tôi chè là cây đã làm thay đổi cuộc sống của người dân nơi đây.

Nhờ vậy, tại xã Sơn Kim 2, sản lượng chè búp tươi năm 2023 đạt 4.816,38 tấn/KH 4.100 tấn, vượt KH 117,5%, vượt so với KH 716,3 tấn. So với năm 2022 tăng 433,3 tấn (9,88 %). Chất lượng chè búp tươi đảm bảo tiêu chuẩn, giá chè búp tươi ổn định tăng, chè C chiếm 90,03 %. Năng sất đồng BQ đạt 15,8 tấn/ha, nhiều vùng đạt 24-27 tấn/ha. Chế biến được 1.100 tấn chè TP; chất lượng chè  ổn định, đạt chất lượng cả nội chất, ngoại hình được khách hàng tin dùng.

Trải nghiệm hái chè trực tiếp tại đồng

Trồng mới 1,5 ha/KH 4 ha, chủ yếu chỉ thực hiện ngoại vùng ở Sơn Tây, Sơn Hồng và dặm 9.600 bầu, tương đương dặm 4,69 ha.

Chè không chỉ là cây giảm nghèo, làm giàu đối với các hộ dân mà chính quyền và người dân địa phương đang quyết tâm xây dựng một số vùng trồng chè thành sản phẩm du lịch trải nghiệm, du lịch sinh thái cộng đồng. Theo kịch bản tour, tuyến du lịch của địa phương, khách đến Sơn Kim 2 sẽ qua các thôn có đồi chè đẹp, địa hình thuận lợi như Tiền Phong, Thanh Dũng, Làng Chè… để tham quan, trải nghiệm trồng, thu hái chè, chụp ảnh lưu niệm.

Trước đây chè chủ yếu tập trung diện tích lớn trên địa bàn Sơn Kim2 sau này mở rộng thêm Sơn Tây, Sơn Hồng và Sơn Lĩnh. Hiện tại qua quá trình cải tạo và mở rộng đã lên đến hơn 700ha. Huyện đã có chính sách và vận động nhân dân tận dụng để trồng chè trên diện tích bãi bồi cát bỏ hoang.

Theo ông Lê Hồng Phong- Phó Chủ tịch UBND xã Sơn Kim 2 cho biết, 1 năm xã đón khoảng hơn 20 đoàn từ khắp nơi đến tham quan, học hỏi, cũng như trải nghiệm mô hình trồng chè của địa phương. Những đồi chè ở đây không những mang lại nguồn thu nhập cho bà con nhân dân, mà còn trở thành một điểm du lịch lý tưởng để du khách đến check in, trải nghiệm.

Đây cũng chính là cơ hội để quảng bá nét đẹp của Hương Sơn đến với du khách

Năm 2024, Hà Tĩnh phấn đấu nâng diện tích chè toàn tỉnh lên 1.215 ha, diện tích đưa vào kinh doanh đạt 1.126 ha và sản lượng búp tươi đạt 14 ngàn tấn.

Để đạt mục tiêu đề ra ngành nông nghiệp và các đơn vị, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh chè khuyến khích người dân tiếp tục mở rộng diện tích, đầu tư hệ thống tưới tiêu hiện đại và chăm sóc theo tiêu chuẩn VietGAP, tiêu chuẩn RA nhằm đáp ứng được các yêu cầu khắt khe của thị trường xuất khẩu.

Diễm Phước

KT&ĐU

Từ khóa: