Thời gian qua, nhờ việc tận dụng tốt lợi thế riêng, nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh đã giúp Hà Tĩnh lọt vào danh sách một trong 10 địa phương thu hút vốn đầu tư nước ngoài lớn nhất cả nước.
Với tinh thần đồng hành, kịp thời tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp; chú trọng cải cách thủ tục hành chính gắn với thông thoáng môi trường đầu tư, nhiều năm qua, Hà Tĩnh đã trở thành một trong những tỉnh, thành dẫn đầu cả nước về thu hút đầu tư.
Đến nay, Hà Tĩnh có gần 1.500 dự án đầu tư với tổng số vốn đăng ký hơn 454.000 tỷ đồng, tương đương hơn 18 tỷ đô la. Trong đó, trong nước có 1.400 dự án với tổng vốn đăng ký hơn 137.000 tỷ đồng; 68 dự án FDI với tổng vốn đăng ký 16 tỷ USD (tương đương 317.000 tỷ đồng).
UBND tỉnh Hà Tĩnh khẳng định, từ nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh đã giúp Hà Tĩnh lọt vào danh sách một trong 10 địa phương thu hút vốn đầu tư nước ngoài lớn nhất cả nước. Hà Tĩnh công bố quy hoạch tỉnh gắn với xúc tiến đầu tư rất thành công, theo đó tất cả các doanh nghiệp, nhà đầu tư cùng đồng hành với tỉnh.
Hà Tĩnh là vùng có nhiều lợi thế mà lâu nay chưa khai thác, việc công bố quy hoạch là cơ sở để khai thác, phát huy hiệu quả các tiềm năng, thế mạnh là cơ sổ để thu hút dồi dào nguồn đầu tư. Để đảm bảo tính hiệu quả cao, tỉnh Hà Tĩnh thường xuyên làm việc với các nhà đầu tư triển khai các nội dung đã ký kết tại Hội nghị công bố quy hoạch và xúc tiến đầu tư vào Hà Tĩnh cuối tháng 5 vừa qua.
Tại Hội nghị công bố quy hoạch và xúc tiến đầu tư, tỉnh Hà Tĩnh đã trao biên bản ghi nhớ hợp tác đầu tư cho 25 nhà đầu tư về các dự án trong lĩnh vực bất động sản, du lịch nghỉ dưỡng, hạ tầng khu/cụm công nghiệp, thương mại dịch vụ… với tổng vốn đăng ký đầu tư gần 220.000 tỷ đồng.
Từ đầu năm đến hết tháng 7/2023, Hà Tĩnh đã chấp thuận chủ trương đầu tư 10 dự án đầu tư trong nước với tổng mức gần 1.300 tỷ đồng. Trong đó, có thể kể đến Dự án Nhà máy sợi nồi cọc Nam Hồng Lĩnh tại Cụm công nghiệp Nam Hồng (597 tỷ đồng); Dự án Thủy điện Vũ Quang (150 tỷ đồng) và Dự án Trang trại chăn nuôi lợn siêu nạc tại huyện Thạch Hà…
Trên cơ sở định hướng Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, tỉnh Hà Tĩnh sẽ tập trung thu hút đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp là các dự án hậu thép, cơ khí chế tạo; công nghiệp hỗ trợ; hạ tầng các khu - cụm công nghiệp; sản xuất điện; chế biến nông sản; dệt may...
Lĩnh vực dịch vụ - du lịch là các dự án dịch vụ du lịch biển, du lịch sinh thái, tâm linh, dịch vụ cảng biển nước sâu và logistics… Để các nhà đầu tư làm ăn lâu dài, hiệu quả tại địa phương, Hà Tĩnh sẽ tăng cường cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.
Với mục tiêu thu hút trên 100 dự án có tổng mức vốn khoảng 2.500 triệu USD trong năm nay, Hà Tĩnh mời gọi đầu tư hạ tầng khu công nghiệp, đô thị, du lịch, dịch vụ, phát triển nông nghiệp hữu cơ…
Bên cạnh đó, không ngừng đổi mới, đa dạng hóa cách thức tổ chức các hoạt động xúc tiến và hỗ trợ đầu tư; đẩy mạnh xúc tiến đầu tư với các đối tác chiến lược là các tập đoàn lớn trong nước (Vingroup, T&T, TH…) và các đối tác tiềm năng nước ngoài mạnh về vốn, công nghệ (Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc…). Đặc biệt, Tỉnh cần có chính sách ưu đãi nhằm thu hút vốn FDI vào những dự án lớn với công nghệ hiện đại để làm chuyển dịch mạnh cơ cấu kinh tế của địa phương; Đẩy nhanh tiến độ các dự án, giải quyết triệt để những vướng mắc của doanh nghiệp.
Hoài Thanh
Theo kT&ĐU