UBND tỉnh Hà Tĩnh vừa quyết định chi gần 2 tỷ đồng để xây dựng sản phẩm nhung hươu Hương Sơn thành sản phẩm OCOP theo chương trình phân bổ chi tiết kế hoạch vốn đầu tư phát triển năm 2023 nguồn ngân sách Trung ương thực hiện Chương trình OCOP.
Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Võ Trọng Hải vừa ký ban hành quyết định về việc phân bổ chi tiết kế hoạch vốn đầu tư phát triển năm 2023 nguồn ngân sách Trung ương thực hiện Chương trình OCOP. Theo đó, tỉnh phân bổ 1,940 tỷ đồng cho UBND xã Sơn Giang, huyện Hương Sơn để thực hiện mô hình thí điểm thuộc Chương trình OCOP giai đoạn 2021-2025 theo Quyết định số 1528/QĐ-BNN-VPĐP ngày 14/4/2023 của Bộ NN&PTNT.
UBND tỉnh Hà Tĩnh giao cho UBND xã Sơn Giang khẩn trương hoàn các thủ tục, hồ sơ để triển khai mô hình theo hướng dẫn của Bộ NN&PTNT. Xã Sơn Giang phải bố trí nguồn vốn cũng như huy động các nguồn vốn khác để triển khai, thực hiện dự án.
Đồng thời, tỉnh cũng giao cho UBND huyện Hương Sơn bố trí nguồn vốn đối ứng từ ngân sách huyện và huy động các nguồn hợp pháp khác để lồng ghép thực hiện mô hình cũng như chỉ đạo, hướng dẫn UBND xã Sơn Giang thực hiện mô hình.
Trao đổi với phóng viên ông Nguyễn Kiều Hưng- Phó Chủ tịch UBND huyện Hương Sơn cho biết, đây được xem là mô hình thí điểm của trung ương về phát triển các mô hình chủ lực đặc thù của tỉnh Hà Tĩnh. Hương Sơn chọn phát triển các sản phẩm OCOP từ nhung hươu.
Tuy nhiên, theo ông Hưng thì mô hình này cũng yêu cầu và đòi hỏi rất cao khi ngoài là sản phẩm sạch thì còn yêu cầu phát triển sản phẩm thân thiện với môi trường, từ chăn nuôi đến sản xuất phải tuần hoàn, các sản phẩm gắn với chế biến sâu thành các sản phẩm OCOP đưa ra thị trường trong nước và hướng đến xuất khẩu sang các nước.
Theo vị Phó Chủ tịch huyện thì để chọn xã tham gia vào mô hình này cũng phải hội tụ nhiều yếu tố để có thể thực hiện được dự án. Sơn Giang được xem là xã có tổng đàn hươu lớn nhất toàn huyện Hương Sơn, là một trong những địa phương có kinh nghiệm về nuôi hươu từ lâu đời; ngoài ra trên địa bàn xã còn có những mô hình nuôi hươu tuần hoàn lớn nhất toàn huyện, đó được xem là một trong những điều kiện thuận lợi để giúp liên kết, nhân rộng ra các hộ khác.
Được biết, toàn huyện Hương Sơn hiện có hơn hơn 41.000 con hươu, chủ yếu tập trung tại các xã Quang Diệm, Sơn Giang, Sơn Trung, Sơn Tây, Tây Sơn… Những năm gần đây, sản lượng nhung hươu của huyện khoảng 14 tấn/năm, hươu giống hàng năm thêm khoảng 20 000 con, doanh thu do đàn hươu mang lại cho người dân khoảng 300 tỷ đồng/năm. Hươu đang được xem là vật nuôi chủ lực trong phát triển kinh tế của huyện Hương Sơn.
Nhìn vào tổng đàn hươu tăng lên mỗi năm thì việc chế biến sâu và đa dạng hóa sản phẩm đang tạo nên những lợi thế khác biệt trong việc tiêu thụ nhung hươu, đặc biệt là nâng cao giá trị sản phẩm, không chỉ là giá thành cao hơn, ổn định hơn mà còn khẳng định được thương hiệu, vị thế của sản phẩm nhung hươu mà Hương Sơn có thế mạnh nổi trội.
Diễm Phước
Theo KT&DU