Những năm qua trên bản đồ du lịch, Hải Dương mới chỉ được biết đến khiêm tốn với bánh đậu xanh, Côn Sơn-Kiếp Bạc hay gốm Chu Đậu… còn những điểm du lịch sinh thái như đảo Cò…; du lịch tâm linh như đền Nguyễn Trãi, đền Chu Văn An, đền Tranh…; du lịch làng nghề như bánh gai, múa rối nước… vẫn chưa thực sự được nhiều người biết đến.
Những năm qua trên bản đồ du lịch, Hải Dương mới chỉ được biết đến khiêm tốn với bánh đậu xanh, Côn Sơn-Kiếp Bạc hay gốm Chu Đậu… còn những điểm du lịch sinh thái như đảo Cò…; du lịch tâm linh như đền Nguyễn Trãi, đền Chu Văn An, đền Tranh…; du lịch làng nghề như bánh gai, múa rối nước… vẫn chưa thực sự được nhiều người biết đến.
Đảo Cò ở Chí Linh, Hải Dương (Ảnh: ChiLê/Vietnam+)
Nhiều “vốn” mà Hải Dương vẫn… thua bạn kém bè và chưa khẳng định được vị thế trong lòng du khách. Chính vì ý thức được điều đó nên địa phương này đang gấp rút học hỏi kinh nghiệm những người bạn láng giềng để phát huy thế mạnh cũng như tạo thương hiệu và sức hấp dẫn cho điểm đến của mình. Nhiệm vụ đó đang được các cấp quản lý ở Hải Dương đặt ra cấp thiết.
Phóng viên đã có cuộc trao đổi nhanh với Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hải Dương Lương Văn Cầu về kế hoạch phát triển du lịch của tỉnh trong thời gian tới.
- Gần đây lãnh đạo Tổng cục Du lịch cũng như rất nhiều doanh nghiệp lữ hành đã đến Hải Dương khảo sát các tuyến điểm du lịch và đã có nhiều phản hồi. Vậy chiến lược phát triển du lịch Hải Dương tới đây sẽ thế nào, thưa ông?
Ông Lương Văn Cầu: Dưới góc độ của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch chúng tôi sẽ tham mưu tích cực hơn nữa với tỉnh ủy, hội đồng nhân dân, ủy ban nhân dân tỉnh trong việc triển khai thực hiện các đề án mà ủy ban nhân dân tỉnh đã quyết định cũng như tạo lập những cơ chế ưu đãi và thuận lợi hơn nữa cho các doanh nghiệp đầu tư về du lịch trên địa bàn.
Mặt khác chúng tôi sẽ phối hợp tốt hơn với Hiệp hội du lịch, các doanh nghiệp du lịch, các cơ quan thông tấn báo chí nhằm tuyên truyền, quảng bá tốt hơn cho hình ảnh, điểm đến du lịch của Hải Dương.
Đặc biệt, chúng tôi sẽ quan tâm sâu sắc hơn tới vấn đề đào tạo nguồn nhân lực cho du lịch để khẳng định bên cạnh những tiềm năng, thế mạnh về di tích, làng nghề… thì nhân tố con người, nhất là đội ngũ thuyết minh của chúng tôi cũng có chất lượng cao.
- Ông có nhận định thế nào về vị trí của du lịch Hải Dương so với các tỉnh lân cận?
Ông Lương Văn Cầu: Tôi cho rằng, việc so sánh có thể sẽ rất khập khiễng.
Tuy công bằng mà nói là du lịch Hải Dương có xuất phát điểm rất thấp, mới có quá trình phát triển tương đối đều đặn những năm gần đây thôi. Chúng tôi cũng đang rất phấn khởi vì nhịp độ tăng trưởng du lịch mỗi năm đều tăng, từ lượng khách đến tỷ lệ doanh thu.
Vì thế việc chọn phát triển du lịch là một trong những loại hình kinh tế quan trọng của tỉnh Hải Dương trong bối cảnh hiện nay là rất đúng hướng.
Nhưng tôi tin rằng với những tiềm năng, thế mạnh của mình, với quyết tâm của tỉnh ủy, ủy ban cũng như của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch và với lòng yêu mến quê hương cùng những ý kiến đóng góp của các doanh nghiệp lữ hành thì chúng tôi sẽ có thể làm rõ nét hơn nữa những giải pháp cần tập trung vào làm trong thời gian tới.
Và, tôi tin du lịch Hải Dương trong thời gian tới sẽ có bước phát triển mạnh mẽ cả về số lượng và chất lượng.
- Nhưng vấn đề là các tỉnh trong khu vực Đồng bằng sông Hồng đâu đâu cũng có du lịch tâm linh, di tích văn hóa, làng nghề…Vậy Hải Dương sẽ làm gì để tạo điểm nhấn và sự khác biệt so với những "anh em hàng xóm" của mình, thưa ông?
Ông Lương Văn Cầu: Tôi thì nghĩ khác. Tôi nghĩ rằng chúng tôi có thể kết nối. Một ví dụ điển hình là chúng tôi có thể kết nối giữa du lịch tâm linh của Hải Dương với du lịch tâm linh của Yên Tử (Quảng Ninh), vì cùng trong trường phái tam tổ Trúc Lâm.
Chúng tôi cũng có thể kết nối với Thái Bình, Nam Định về văn hóa đời Trần vì văn hóa đời Trần vẫn in đậm dấu ấn trên vùng đất của chúng tôi.
Tôi cho rằng, bên cạnh những yếu tố so sánh thì chúng tôi coi trọng hơn cả là yếu tố kết hợp, liên kết để tạo ra những sản phẩm tour du lịch hấp dẫn.
Vâng, xin cảm ơn ông về những chia sẻ./.
Theo TTXVN