Đây là kết quả đáng chú ý của công tác kiểm tra sau thông quan (KTSTQ), góp phần quan trọng vào thực hiện nhiệm vụ chống thất thu ngân sách của ngành Hải quan.
Công cụ chống thất thu
Theo Tổng cục Hải quan, tháng 7 vừa qua, toàn lực lượng KTSTQ đã thực hiện 886 cuộc kiểm tra, trong đó 115 cuộc kiểm tra tại trụ sở người khai Hải quan, 771 cuộc tại cơ quan Hải quan. Từ kết quả kiểm tra, cơ quan Hải quan đã ấn định thuế và phạt vi phạm hành chính tổng số tiền 160 tỷ đồng; thực thu vào ngân sách nhà nước 170 tỷ đồng (có cả số thu từ kết quả kiểm tra trước đây chuyển sang).
Như vậy, hết tháng 7, toàn lực lượng KTSTQ đã thực hiện 4.991 cuộc kiểm tra, trong đó có 4.365 cuộc tại trụ sở cơ quan Hải quan, 626 cuộc tại trụ sở người khai hải quan (đạt 49% chỉ tiêu). Tổng số tiền thuế ấn định và phạt vi phạm hành chính là 1.165,3 tỷ đồng, thực thu vào ngân sách nhà nước 1.034,3 tỷ đồng, đạt 49% chỉ tiêu được giao.
Hoạt động nghiệp vụ tại Hải quan TP.HCM.
Trong đó nổi bật một số đơn vị có số thu lớn như: Cục KTSTQ hơn 335 tỷ đồng, Hải quan Hải Phòng đạt 211 tỷ đồng, Hải quan Hà Nội đạt 69,9 tỷ đồng. Đáng chú ý, Cục Hải quan Bắc Ninh thu nộp 45,4 tỷ đồng, đạt 454% chỉ tiêu…
Tổng cục Hải quan xác định, công tác KTSTQ; phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả; thanh, kiểm tra; kiểm định, phân tích, phân loại hàng hóa… là những công cụ quan trọng trong thực hiện nhiệm vụ chống thất thu ngân sách.
Đối với công tác KTSTQ, để đảm bảo thực hiện được các chỉ tiêu đề ra, thời gian qua, Tổng cục Hải quan đã có văn bản chấn chỉnh về việc kiểm tra sau thông quan các doanh nghiệp trọng điểm đối với một số cục hải quan địa phương lớn, đồng thời, tiếp tục xây dựng kế hoạch kiểm tra tại các cục hải quan: TP.HCM, Hải Phòng, Bình Dương, Đồng Nai, Long An…
Vì sao TP.HCM đạt thấp?
Riêng Cục Hải quan TP.HCM kết quả thu nộp ngân sách từ công tác KTSTQ còn thấp so với chỉ tiêu.
Ngày 4/8, trao đổi với phóng viên Báo Hải quan lãnh đạo Chi cục KTSTQ (Cục Hải quan TP.HCM) cho biết, hết tháng 7 toàn lực lượng mới thu nộp ngân sách được 181,3 tỷ đồng. Trong đó, Chi cục KTSTQ thu nộp ngân sách 67,6 tỷ đồng, bộ phận KTSTQ ở các chi cục thu nộp 113,7 tỷ đồng.
Như vậy, so với chỉ tiêu được giao cả năm 2017 là 680 tỷ đồng, Cục Hải quan TP.HCM mới đạt xấp xỉ 26,7%.
Lý giải về nguyên nhân thu thấp so với chỉ tiêu, lãnh đạo Chi cục KTSTQ cho biết, thực trạng này xuất phát từ nhiều nguyên ngân khách quan và chủ quan. Trong đó có việc từ đầu năm 2017, thực hiện công văn 905/TCHQ-TXNK ngày 17/2/2017 của Tổng cục Hải quan, Cục Hải quan TP.HCM giao nhiệm vụ kiểm tra trị giá hải quan trong vòng 60 ngày từ bộ phận KTSTQ sang bộ phận tham vấn giá. Trong khi đó, hoạt động nghiệp vụ này đóng góp số thu lớn nhất vào kết quả KTSTQ của toàn Cục. Đơn cử như từ đầu năm 2017 đến hết tháng 7, số thu từ tham vấn giá của các chi cục đạt 341 tỷ đồng (trong khi năm 2016 lĩnh vực này do bộ phận KTSTQ thực hiện).
Mặt khác, theo lãnh đạo Chi cục KTSTQ, thông thường số thu trong những tháng đầu năm từ công tác KTSTQ trên địa bàn thấp hơn những tháng cuối năm.
“Dù còn có những khó khăn khách quan, chủ quan, nhưng từ nay đến cuối năm, lực lượng KTSTQ Cục Hải quan TP.HCM sẽ triển khai quyết liệt các giải pháp để đạt kết quả thu cao nhất. Trong đó, đặc biệt chú trọng kiểm tra các DN, mặt hàng có rủi ro cao”- lãnh đạo Chi cục KTSTQ chia sẻ.
Thái Bình
Theo Báo Hải Quan