Theo Bộ Tài chính Hàn Quốc, nước này đang cân nhắc ngân sách bổ sung để thúc đẩy nền kinh tế khi sự lây lan của Hội chứng hô hấp vùng Trung Đông (MERS) ảnh hưởng đến nhu cầu trong nước, trong lúc xuất khẩu cũng đang gặp khó khăn.
Người dân Hàn Quốc đeo khẩu trang để phòng tránh lây nhiễm MERS tại thủ đô Seoul. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Chính phủ Hàn Quốc có thể chờ đến cuối tháng này mới quyết định liệu nền kinh tế có cần ngân sách bổ sung hay không.
Cũng vào cuối tháng Sáu này, Bộ Tài chính xứ Kim chi sẽ công bố chiến lược chính sách nửa cuối năm cũng như các dự báo kinh tế một năm hai lần.
Phát biểu trước Quốc hội, Bộ trưởng Tài chính Choi Kyung-hwan nói nếu ngân sách bổ sung được cấp thì quy mô phải đáng kể và cho rằng vào lúc này, thanh khoản trên thị trường dồi dào nên tác động tiêu cực từ việc huy động tài chính cho ngân sách bổ sung sẽ không lớn.
Ông Choi khẳng định chính sách kích thích sẽ vẫn được tiếp tục cho đến khi nền kinh tế phục hồi vững chắc; tình hình hiện nay chưa đáp ứng yêu cầu về mặt luật pháp để phải ban hành ngân sách bổ sung và cần theo dõi thêm tác động về kinh tế của dịch MERS.
Theo ông, ngay cả khi những tác động của dịch bệnh được chặn đứng, thì chắc chắn có những hoạt động kinh tế bị ảnh hưởng. Khi dịch bệnh lây lan nhanh chóng, các nghị sỹ, trong đó có Chủ tịch đảng Saenuri cầm quyền Kim Moo-sung, đã kêu gọi chính phủ soạn thảo ngân sách bổ sung để giảm thiểu những thiệt hại kinh tế do dịch bệnh gây ra cũng như đảm bảo an toàn cho người dân.
Theo Bộ Tài chính Hàn Quốc, mặc dù tác động của MERS lên nền kinh tế là hạn chế, song có những lo ngại rằng nguy cơ suy giảm sẽ tăng lên nếu dịch bệnh kéo dài.
Ngày 16/6, Bộ Y tế Hàn Quốc đã ghi nhận thêm 4 trường hợp nhiễm MERS, nâng tổng số ca nhiễm lên thành 154 trong đợt bùng phát MERS lớn nhất bên ngoài Saudi Arabia.
Theo bộ này, có thêm 3 bệnh nhân nhiễm virus MERS đã tử vong, nâng tổng số người thiệt mạng kể từ khi dịch bệnh bắt đầu hồi tháng Năm vừa qua lên thành 19 người.
Tuần trước, Ngân hàng trung ương Hàn Quốc đã hạ lãi suất xuống mức thấp kỷ lục 1,5% và nguyên nhân chính cho lần hạ lãi suất thứ tư kể từ tháng 8/2014 là những rủi ro đối với nhu cầu gia tăng do dịch MERS.
Lê Minh
theo Vietnam+