Cửa vào hang hơi hẹp, nằm cách dòng suối 50 mét, có nhiều bậc thang dẫn xuống một không gian rộng mát lạnh, khác hẳn với cái nắng đang gay gắt bên ngoài. Chúng tôi tận mắt chứng kiến những nhũ đá đủ các hình khối, màu sắc khác nhau, sinh động, lấp lánh dưới ánh điện huyền ảo. Qua vệt đèn pin của người dẫn đường lia trên vách hang, khi thì chúng tôi nhìn thấy hình tượng Phật tọa trên đài sen, ông già đang câu cá, lúc lại thấy chim đại bàng, gà chọi nhau, búp măng hay những ruộng lúa, nương ngô, suối tóc mượt mà duyên dáng của cô gái, có khi là một cung điện nguy nga lấp lánh…
|
|
Càng đi sâu, hang càng dài hun hút, rộng mênh mông, ông Thức bảo chiều dài hang khoảng gần hai cây số, chiều rộng tầm 20 - 50 mét. Hang có nhiều ngách nhỏ, người địa phương còn chưa có dịp khám phá hết, nếu đi sâu vào phải đi theo đoàn kẻo bị lạc. Chúng tôi đi qua nhiều vũng nước trong vắt, nhìn thấy cả tôm cá đang tung tăng bơi lội. Thấy động, những con tôm, con cá suối thoắt ẩn, thoắt hiện nhanh nhảu lạ thường. Dưới nền hang, dọc lối đi, xuất hiện những bãi cát nhỏ, phẳng mịn như trên bãi biển, đi thêm một đoạn lại thấy bãi đá nhỏ với những viên đá tròn xoe như bi hay bãi toàn đá hình số 8 to nhỏ khác nhau như một đĩa lạc luộc khổng lồ, có khu đá tạo vân trông giống cánh đồng toàn ruộng bậc thang của người Thái… Tuyệt vời ở chỗ, bãi đá nào cũng tập trung những viên đá cùng hình dáng sắp xếp từ to đến nhỏ dần…
Chúng tôi đi mãi và mải mê ngắm nghía mà hang vẫn cứ thăm thẳm lạ kì, dường như không có đáy. Sau gần hai tiếng đồng hồ khám phá, chúng tôi ra về trong nuối tiếc, vì nghe ông Thức giục "ở ngoài huyện các cụ đang chờ"...
Dọc suối Xia đến giáp biên giới còn nhiều hang động đẹp không kém như: Pha Bái, Co Láy, Pha Khua… tạo thành một quần thể hang động hấp dẫn du khách trong khu vực này. Theo tuyến Quốc lộ 217, du khách còn có thể tham quan cầu Phà Lò - nơi dân quân địa phương bắn rơi máy bay Mỹ ngày 16-7-1966; thăm hang Nang Non, cửa khẩu Quốc tế Na Mèo - Nậm Xôi; dâng hương tưởng niệm Tư Mã Hai Đào, vị tướng tài thế kỉ XVIII có công trấn giữ, bảo vệ vùng biên cương phía Tây Thanh Hóa. Đến đây, du khách còn được thưởng thức những điệu múa, điệu khặp, khua luống, cồng chiêng và các món ăn đặc sản mang hương vị núi rừng của đồng bào dân tộc Thái địa phương.
Hang Bo Cúng đúng là một kì công mà tạo hóa ban tặng ở huyện Quan Sơn, tỉnh Thanh Hóa, đã được công nhận danh lam - thắng cảnh cấp tỉnh, là một trong những điểm đến du lịch sinh thái hấp dẫn của xứ Thanh, hằng năm thu hút hàng chục nghìn lượt du khách đến tham quan. Cùng với suối nước nóng, hang động tự nhiên kì thú, chắc chắn hang Bo Cúng ở vùng biên giới phía Tây tỉnh Thanh sẽ là sự lựa chọn lí tưởng để du khách dừng chân thưởng ngoạn.
Ông Lò Đình Múi, Chủ tịch UBND huyện Quan Sơn cho biết: UBND huyện Quan Sơn đã mở rộng cửa hang Bo Cúng, xây dựng đường giao thông, lắp đặt hệ thống điện phục vụ du khách, đồng thời kêu gọi và có cơ chế thu hút các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh đầu tư phát triển dịch vụ du lịch.
Thanh Hà
Theo Nguoi cao tuoi