Sự kiện hot
10 năm trước

Hàng giả, hàng nhái vẫn “nhởn nhơ” trên thị trường

ĐS&TD- Mặc dù lực lượng chức năng đã mở các đợt truy quét, nhưng hàng giả, hàng nhái đang vẫn tiếp tục “nhởn nhơ” trên thị trường…


Ảnh minh họa

Hàng giả chen chân vào thị trường

Hiện nay, trên thị trường hầu như tất cả các mặt hàng đều có thể làm giả, làm nhái. Từ mỹ phẩm, quần áo, hàng tiêu dùng tới thực phẩm, dược phẩm… trong đó chủ yếu giả, nhái những mặt hàng cao cấp. Nhiều nhà kinh doanh vì sự cạnh tranh đã dẫn đến việc đưa ra các sản phẩm kém chất lượng để hạ uy ín lẫn nhau, lôi kéo khách hàng, đánh lừa người tiêu dùng.

Tình trạng hàng Trung Quốc giả xuất xứ Việt Nam, Hàn Quốc, Nhật Bản có biểu hiện ngày càng tăng nhiều. Hàng giả xâm phạm sở hữu trí tuệ không chỉ được sản xuất trong nước mà còn được sản xuất ở nước ngoài, sau đó đưa vào trong nước tiêu thụ bằng nhiều đường khác nhau cả tiểu ngạch và chính ngạch.

Theo tổng kết năm 2014, quản lý thị trường đã phát hiện xử lý 17.396 vụ sản xuất kinh doanh hàng giả. Trong đó, số vụ phát hiện vi phạm đã tăng lên 24,2% (tăng 3.388 vụ) và giá trị vi phạm cũng tăng thêm 12,1% tương đương 3,9 tỷ đồng. Điển hình, Chi cục quản lí thị trường Hà Nội bắt giữ 7,8 tấn vỏ bao bì nilon giả nhãn hiệu Ajinomoto, Miwon, Knorr, Vedan… Chi cục quản lý thị trường thành phố Hồ Chí Minh bắt giữ trên 3.200 nồi cơm điện và ấm điện giả nhãn hiệu Panasonic.

Bên cạnh đó, việc gian lận thương mại, vi phạm an toàn thực phẩm vẫn diễn ra phức tạp, chủ yếu xảy ra ở các cơ sở sản xuất thủ công, các doanh nghiệp với quy mô vừa và nhỏ, với công nghệ đơn giản, lạc hậu, không có giấy cấp phép sử dụng, cho ra sản phẩm kém chất lượng ảnh hưởng đến khách hàng.

Thực trạng hàng giả, hàng nhái ở nước ta trong năm qua đang là vấn đề nhức nhối. những số liệu thống kê của các cơ quan chức năng chỉ mới là những vụ vi phạm được phát hiện xử lý, trên thực tế những vi phạm về hàng giả, hàng nhái và gian lận thương mại chắc chắn còn lớn hơn nhiều về số lượng lẫn quy mô.

Với đà phát triển này, nền kinh tế của nước ta đang bị đe doạ nghiêm trọng cũng như là uy tín đến người tiêu dùng và các nước ngoại quốc khác.

Cơ quan chức năng cần lên tiếng

Người tiêu dùng nhiều khi vô tình tiếp tay cho sự “sống khoẻ”của hàng giả, hàng nhái trong thị trường hiện nay. Chính vì vậy, việc can thiệp của chính quyền cơ quan chức năng hiện nay là điều cần thiết.

Theo Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng, “hoạt động quản lý thị trường ngày càng phức tạp, lượng hàng hoá lưu thông ngày càng nhiều cùng với sự hội nhập ngày càng sâu với kinh tế thế giới và khu vực trong khả năng của lực lượng quản lý thị trường chậm được nâng lên để đáp ứng tình hình mới về chất lượng, số lượng, con người và trang thiết bị để làm việc”.

Cụ thể, do chính sách của Nhà nước chưa rõ ràng, thể hiện ở việc các cơ quan chức năng đùn đẩy cho nhau về trách nhiệm và mặc dù đã có Luật bảo vệ người tiêu dùng nhưng chúng ta không phát huy được, chưa thực sự hướng đến người tiêu dùng, kể cả doanh nghiệp.

Các doanh nghiệp làm ăn chụp giật, đối phó, vẫn có những kỹ xảo trong kinh doanh cho nên khi người dân mua phải hàng giả thì vẫn phải nhận thiệt thòi.

Các cán bộ công chức quản lý cần có tinh thần trách nhiệm, chống tiêu cực đồng thời phải đưa ra mục tiêu đẩy mạnh hướng giải quyết cho nhân dân.

Cần có những biện pháp khuôn khổ phòng chống gian lận thương mại nói chung trong hoạt động quản lí thị trường nói riêng. Bên cạnh đó, cần phải phối hợp với các lực lượng chức năng như bộ đội biên phòng, cơ quan thuế, cảnh sát biển,… như vậy hàng giả, hàng nhái không còn đất sống trên thị trường.

Khôi Nguyên

Từ khóa: