Đánh vào tâm lý ham đồ rẻ
Những ngày sau Tết, nhiều con phố bán quần áo ở Hà Nội: Dọc đường Nguyễn Trãi, Chùa Bộc, Cầu Giấy, Phùng Khoang... trưng đủ loại biển hấp dẫn: “Xả hàng Tết giá sốc”, “mua 1 tặng 1”, “giảm giá 70%”, “hàng thanh lý bán chịu lỗ”…
Để tìm hiểu các sản phẩm khuyến mại, tôi đã tới hàng loạt cửa hàng treo biển “xả hàng dịp đầu Xuân” trên đường Nguyễn Trãi, Chùa Bộc. Chưa đặt chân vào cửa hàng quần áo những nhân viên đã mời: “Mua hàng giảm giá đầu năm em, hàng đẹp giá lại rẻ về mặc đi chơi hội. Chị xả hàng chịu lỗ để lấy hàng mới, không nhanh chân là hết hàng đó”.
Quan sát, điều vô lý nhất mà tôi thấy được là có nhiều cửa hàng bên cạnh những băng rôn có dòng chữ “thanh lý”, “xả hàng”, thì còn có bảng ghi to chữ “hàng mới về”. Chẳng lẽ người ta lấy hàng mới về để bán hạ giá chịu lỗ? Có những cửa hàng vừa khai trương đã treo biển “xả hàng”, “bán lỗ thu hồi vốn”...
Khách mua hàng giảm giá trong các cửa hàng có rất đông sinh viên. Bạn Nguyễn Thị Hằng, sinh viên Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội vừa cầm chiếc áo sơ mi trên tay vừa cho biết: “Mình quê Nghệ An, ra đây học tập. Về quê ăn Tết ra đang còn tiền, thấy đồ hạ giá nên muốn mua về cho đứa em gái ở nhà. Thấy ngoài cửa hàng viết giảm giá 70% nhưng khi vào đây thì chủ cửa chỉ cho 1 góc đồ hàng tồn rất xấu mới giảm giá, còn hàng đẹp thì vẫn giá cũ”.
Bà Nguyễn Thị Oanh, chủ 1 cửa hàng chăn ga gối đệm ở gần ngã tư Khuất Duy Tiến trên tuyến đường Nguyễn Trãi cho biết: “Cửa hàng giảm giá đã được 2 tháng nay, từ khi cửa hàng giảm giá lượng khách mua tăng cao. Trung bình mỗi ngày cửa hàng bán 50 đến 60 triệu tiền hàng, trước đó mỗi ngày chỉ 20 đến 25 triệu thôi. Hàng giảm giá nhưng cửa hàng vẫn có lãi vì ăn phần trăm chiết khấu”.
“Treo đầu dê, bán thịt chó”
Vào dịp đầu Xuân, Phùng Khoang là một trong những khu phố có quần áo giảm giá nhiều. Nhiều cửa hàng bày sản phẩm giảm giá la liệt trên vỉa hè. Tôi cùng chị Nguyễn Thị Thảo, một người quen bán quần áo đi vào các cửa hàng giảm giá. Ở mỗi mặt hàng đều được viết giá cũ, sau đó, gạch chéo viết giá mới bên dưới để lấy niềm tin từ khách hàng. Những chiếc áo dạ chúng tôi xem có giá cũ hơn 1 triệu đồng, sau khi giảm giá chỉ còn 400.000 đồng. Tuy nhiên, nếu nhìn kỹ, đây là loại lỗi mốt, kiểu dáng xấu, đường chỉ may lệch. Người bán còn tư vấn cho người mua: “Hàng đó là hàng mới về, nhiều người mua lắm. Đợt trước chị bán tiền triệu nhưng giờ còn mấy cái cuối cùng bán lỗ luôn để lấy hàng mới về. Em không mua thì đợt sau có tiền triệu cũng không mua được với giá này”.
Tôi theo chị Thảo về cửa hàng quần áo của chị ở Hà Đông. Chị lấy ngay chiếc áo dạ lúc nãy tôi xem ở cửa hàng giảm giá. Chiếc áo có giá là 250.000 đồng, chị bảo: “Áo này nếu mua buôn ở chợ đầu mối quần áo Ninh Hiệp, huyện Gia Lâm, Hà Nội với giá chỉ từ 150.000 đồng, chị nhập về bán lấy lãi. Cửa hàng giảm giá lúc chiều viết giảm giá nhưng chỉ độn giá lên và bán giá gốc. Có thể chi phí thuê cửa hàng ở đấy cao nên có thể họ bán đắt hơn cửa hàng chị”.
Chị Thảo còn cho biết thêm: “Hiện nay, tâm lý người Việt Nam không mặn mà với các sản phẩm có xuất xứ từ Trung Quốc, vì vậy, nhiều mặt hàng có nguồn gốc từ nước này được gắn mác Việt Nam. Nhiều người thấy hàng Việt Nam sẵn sàng bỏ tiền đắt hơn để mua nhưng lại mua phải hàng “đội lốt””.
Chị Phan Thị Hạnh, người Hà Đông từng là nạn nhân của hàng giảm giá chia sẻ: “Đợt trước, lúc đi làm về thấy mọi người xúm lại cửa hàng chăn ga gối đệm mua hàng thanh lý giá rẻ. Tôi cũng mua một cái chăn về dùng, nhưng mới dùng được mấy hôm thì chăn ra lông khắp người nên phải bỏ đi”.
Trong những ngày đầu năm, nhiều cửa hàng giảm giá chào Xuân, không phủ nhận đây cũng là dịp cho các cửa hàng buôn bán phát đạt trong năm giảm giá tri ân khách hàng. Nhưng người tiêu dùng nên thận trọng bởi hàng rẻ đôi khi đi liền với hàng kém chất lượng.
Phan Quang
theo Thanh tra