Nhiều ngân hàng đã phát đi cảnh báo khách hàng đề phòng trước những hình thức lừa đảo, giả mạo nhằm mục đích đánh cắp thông tin và chiếm đoạt tài sản.
Nhiều thủ đoạn lừa đảo tinh vi, lợi dụng uy tín ngân hàng
Cùng với sự phát triển nhanh chóng của các trang mạng xã hội, các hình thức lừa đảo qua mạng, tội phạm công nghệ cao có xu hướng ngày càng gia tăng. Bằng những thủ đoạn tinh vi, lợi dụng uy tín của ngân hàng, các đối tượng đã đánh trúng tâm lí cả tin của khách hàng để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của khách hàng.
Những đối tượng này có thể giả mạo nhân viên ngân hàng bằng cách lợi dụng những hình ảnh hội thảo, biển tên và các hoạt động chung có logo của ngân hàng, gửi cho khách hàng qua Zalo, Facebook…
Khi khách hàng đã tin tưởng, đối tượng hứa hẹn có thể cho họ vay vốn với khoản vay không lớn (dưới 100 triệu đồng) và yêu cầu nộp khoản tiền là "phí bảo hiểm rủi ro" từ 1-2 triệu đồng với mục đích lừa đảo chiếm đoạt số tiền trên.
Ngay sau khi nhận được số tiền trên, khách hàng không thể liên lạc với đối tượng giả mạo này nữa.
Không những thế, đối tượng lừa đảo còn tạo các tài khoản ảo có gắn với tên của các ngân hàng bao gồm: Fanpage ngân hàng chuyên mở thẻ/ tài khoản Facebook cá nhân/ email (VD [tên ngân hàng].thebank@gmail.com) nhằm mạo danh là nhân viên ngân hàng, lấy niềm tin của Khách hàng. Sau đó, đối tượng dùng các kênh này để tư vấn và lừa đảo khách hàng chuyển một khoản phí để được mở thẻ tín dụng.
Bên cạnh đó, đối tượng giả mạo người thân, bạn bè nhờ chuyển tiền hộ, mua thẻ điện thoại.
Đối tượng còn giả danh điều tra viên, cán bộ cơ quan công an, viện kiểm sát, tòa án... gọi điện, gửi bưu phẩm hoặc giấy triệu tập để khởi kiện khách hàng do sử dụng thẻ tín dụng mở tại ngân hàng hoặc vay nợ nhưng quá hạn chưa trả nợ.
Khách hàng cần làm gì trước các thủ đoạn lừa đảo tinh vi?
Trước muôn vàn thủ đoạn tinh vi, không ít khách hàng đã dễ dàng bị "mắc bẫy", tài khoản mất tiền mà không hề hay biết.
Để đảm bảo an toàn tài khoản của khách hàng, nhiều ngân hàng đã phát đi thông cáo cảnh báo về những hình thức lừa đảo cũng như cung cấp nguyên tắc bảo mật thông tin tài khoản.
Mới đây, Vietcombank khuyến cáo khách hàng tuyệt đối giữ bí mật thông tin các dịch vụ ngân hàng điện tử như tên truy cập, mật khẩu, mã xác thực giao dịch một lần (OTP) và các thông tin trên thẻ.
Đồng thời, khách hàng tuyệt đối không cung cấp các thông tin trên cho bất kỳ ai thông qua bất kỳ phương thức giao tiếp nào (email, tin nhắn, trao đổi miệng...).
Vietcombank cũng khuyến cáo khách hàng không nên lưu thông tin bảo mật ngân hàng điện tử và thẻ trên các thiết bị điện tử và các website cũng như dưới bất kỳ hình thức nào. Ngoài ra, khách hàng nên hạn chế truy cập tài khoản ngân hàng và thực hiện giao dịch tài chính trên các thiết bị lạ.
Ngoài ra, khi có người đề nghị giao dịch, các ngân hàng đều lưu ý khách hàng cần xác định thông tin bởi đối tượng lừa đảo thường mạo danh người quen của khách hàng (do đối tượng đã tìm hiểu thông tin qua mạng xã hội hoặc nguồn thông tin khác), gợi ý khách hàng cho vay hoặc chuyển tiền tới tài khoản của của đối tượng lừa đảo.
Các ngân hàng cũng đề nghị khách hàng không thực hiện nộp bất cứ loại phí nào khi chưa kiểm tra tính phù hợp với biểu phí và không chuyển tiền phí qua một tổ chức/cá nhân nào khác.
Bên cạnh các biện pháp giữ bí mật thông tin dịch vụ ngân hàng, trong thông cáo gửi đi cuối tháng 9, Agribank còn khuyến cáo khách hàng thận trọng khi thực hiện giao dịch thẻ tại ATM, POS.
Khi giao dịch tại máy ATM/POS, khách cần quan sát khe thẻ trên máy bảo đảm không có thiết bị lạ gắn trên khe và che bàn phím khi nhập số PIN. Khách hàng cũng nên hạn chế sử dụng mạng WiFi công cộng tại quán café… để giao dịch trực tuyến.
Ngoài ra, một số ngân hàng khác như Vietinbank, VPBank, VIB, BacABank, LienVietPostBank, OceanBank… đã đưa ra lời cảnh báo tới khách hàng về những thủ đoạn lừa đảo tương tự nhằm đánh cắp thông tin và chiếm đoạt tiền trong tài khoản.
TH
Theo Kinh tế & Tiêu dùng, Vietnambiz