Tính đến cuối tháng 3/2020, có hàng trăm nghìn tỉ đồng lãi, phí dự thu tại các ngân hàng và phần lớn trong số khảo sát đều ghi nhận con số lãi dự thu hàng nghìn tỉ đồng.
Hàng nghìn tỉ đồng lãi dự thu tại các ngân hàng tiếp tục tăng
Lãi, phí dự thu là tài khoản ghi nhận những khoản lãi, phí ngân hàng dự kiến thu được trong tương lai nhưng chưa chính thức thu được bằng tiền. Tuy nhiên, khoản này vẫn được ghi nhận vào báo cáo thu nhập của ngân hàng và từ đó tạo ra lợi nhuận, do đó nhận được sự chú ý của giới phân tích tài chính.
Theo số liệu khảo sát từ 28 ngân hàng đã công bố báo cáo tài chính quí I, tổng lãi, phí dự thu các ngân hàng đã tăng 8,4% trong 3 tháng đầu năm lên 177.233 tỉ đồng. Và có tới 18 ngân hàng ghi nhận tăng trưởng về lãi dự thu.
Mức tăng trưởng cao nhất của khoản mục này đến từ Nam A Bank, tăng từ 1.315 tỉ đồng lên 1.802 tỉ đồng, tương đương 37% sau 3 tháng đầu năm. Những ngân hàng có mức tăng trưởng trên 20% gồm: TPBank, VietBank, VIB.
Xét về số dư tuyệt đối, ba ngân hàng có số dư lãi, phí dự thu lớn nhất, chiếm gần 54% trong tổng số dư của các ngân hàng.
Hai ngân hàng có số dư lãi dự thu lớn nhất hiện nay đều là những ngân hàng đang trong quá trình tái cơ cấu sau khi sáp nhập với một ngân hàng khác. Việc sáp nhập với những ngân hàng yếu hơn là một trong những nguyên nhân khiến lãi dự thu của các tổ chức tín dụng này cao hơn so với mặt bằng chung của các ngân hàng.
Quá trình tái cơ cấu được Ngân hàng Nhà nước phê duyệt cũng đã cho phép các ngân hàng có thể trích lập dần các khoản lãi dự thu khó đòi trong thời gian kéo dài tới 10 năm.
Trong số những "ông lớn" ngân hàng có vốn lớn Nhà nước, BIDV là ngân hàng có số dư lãi dự thu cao nhất, gần gấp đôi so với hai ngân hàng còn lại là Vietcombank và VietinBank (Agribank chưa công bố BCTC).
Cách đây hơn 1 năm, vào cuối năm 2018, VietinBank đã phải chấp nhận hi sinh lợi nhuận (giảm 27,3%) để đổi lại việc giảm lãi dự thu từ 14.500 tỉ đồng xuống còn gần 6.600 tỉ đồng vào cuối năm 2018 và số dư vào cuối năm 2019 là 6.676 tỉ đồng. Ngân hàng cho biết đã thực hiện lại việc phân loại nhóm nợ, xử lí các khoản lãi dự thu nhằm nâng cao chất lượng tài sản, hướng tới đáp ứng chuẩn mực quốc tế Basel II.
Trong khi đó tại BIDV, số dư lãi dự thu vẫn tiếp tục tăng dần lãi dự thu, trong quí I năm nay, con số tăng trưởng là gần 13% trong khi tăng trưởng tín dụng của ngân hàng lại giảm 1%.
Biến động lãi phí dự thu các ngân hàng trong 3 tháng đầu năm 2020
Diệp Bình
Theo Kinh tế & Tiêu dùng