Không ít doanh nghiệp, hàng hóa Việt Nam đã có những chiến lược “đả bại” hàng ngoại nhập kém chất lượng trên thị trường.
Bánh kẹo cao cấp nội địa đang thắng thế hàng ngoại nhập nhờ mẫu mã đẹp, hương vị phù hợp và giá rẻ. Ảnh: M.H
Một trong những mặt hàng có bước đi bài bản là bia. Những năm 80 - 90 của thế kỷ trước, hai nhãn hiệu bia Trung Quốc là Vạn Lực và Thanh Đảo hoàn toàn áp đảo thị trường Việt Nam vì giá siêu rẻ dù chất lượng kém, uống bị đắng và chua, đầu đau như búa bổ. Lúc đó, bia nội ngon hơn, chất lượng tốt hơn nhưng giá cả quá cao nên gần như “chết” ngay trên đất nhà.
Nhưng chỉ một thời gian ngắn sau đó, những người dùng bia đã quay lại với Habeco. Bia nội đã nhanh chóng đánh bật bia Trung Quốc ra khỏi thị trường nội địa bởi chất lượng và giá thành. Đến ngày nay, tên bia Vạn Lực, Thanh Đảo hoàn toàn không còn được nhắc đến trên thị trường.
Ngoài bia, thị trường dệt may cũng đang khiến những mặt hàng ngoại nhập phải “kiềng” mặt. Đặc biệt, các sản phẩm cho nam giới như quần tây, áo sơ mi hàng nội địa đang thống lĩnh thị trường nội địa, thậm chí còn xuất khẩu với số lượng lớn. Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) đã thu nạp các công ty thành viên, không ngừng cải tiến mẫu mã, củng cố và phát triển thương hiệu, mở rộng kênh phân phối để chiếm lĩnh thị trường trong nước. Đến nay Vinatexmart đang sở hữu 82 siêu thị tại 28 tỉnh, thành phố trên cả nước. Ngoài ra, các đơn vị thành viên của Vinatex cũng tích cực mở rộng hệ thống cửa hàng giới thiệu sản phẩm, đại lý về khắp các tỉnh, thành phố với khoảng 4.000 điểm bán hàng. Kênh phân phối này đã góp phần đưa hàng dệt may chất lượng tốt, giá cả hợp lý đến người tiêu dùng.
Tiếp đến phải kể đến thị trường bánh kẹo. Một khảo sát của Nielsen Việt Nam cho thấy, sự cạnh tranh giữa bánh kẹo nội - ngoại đang diễn ra khá khốc liệt, phần hơn đang thiên về bánh kẹo nội. Sản phẩm doanh nghiệp trong nước đang thắng thế hàng ngoại nhờ đa dạng chủng loại, mẫu mã và giá rẻ. Những năm gần đây, các doanh nghiệp bánh kẹo trong nước đang đầu tư mạnh phân khúc cao cấp mà trước đó chủ yếu nhập từ nước ngoài
TS Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu và quản lý kinh tế Trung ương cho rằng, khi đối diện với áp lực cạnh tranh từ hàng nhập ngoại giá rẻ chất lượng thấp thì ngoài các chính sách ưu đãi, chỉ có phát huy nội lực doanh nghiệp trong nước mới có thể tự cứu được mình. Đồng thời, người Việt Nam cần dùng hàng Việt trước hết để bảo vệ sức khỏe của mình, sau là bảo vệ doanh nghiệp Việt Nam.
Mai Hạnh
theo GĐ&XH