Sau khi Hãng phim truyện Việt Nam chính thức tiến hành cổ phần hóa từ tháng 7-2017, nội bộ hãng bắt đầu lục đục, nhiều người đã không nhận được lương...
Đạo cụ của Hãng phim truyện Việt Nam một thời đang được chuyển đi - Ảnh: NS cung cấp
Khi Ban lãnh đạo mời phòng Biên kịch, Biên tập lên làm việc, chúng tôi tưởng có thay đổi gì, nhưng ban lãnh đạo nói bây giờ không có việc, các bạn có thể ở nhà. Cơ quan có thể tạo điều kiện cho các bạn bằng cách cho thuê lại chính cái phòng các bạn đang làm việc để tổ chức bán bún, bán phở kiếm thêm thu nhập.
Bà Trần Thị Thu - phó phòng Biên kịch - Biên tập
Sau 2 tháng bước vào thời kì cổ phần hóa, nhiều cán bộ, công nhân viên đã rất bất bình với chính sách của Công ty cổ phần.
Họ cho rằng Công ty cổ phần đã không trả lương đầy đủ cho nhân viên, cũng như không thực hiện đầu tư cho sản xuất phim như cam kết ban đầu.
Một nhóm nghệ sĩ, cán bộ, công nhân viên của hãng đã phản ứng rất mạnh về đồng lương họ nhận được trong 2 tháng đầu tiên cổ phần hóa.
Họ thất vọng về lương là một phần, còn chủ yếu bất bình vì cho rằng cổ đông chiến lược đã không thực hiện đúng cam kết với hãng phim.
Năm 2016, Công ty TNHH MTV Hãng phim truyện Việt Nam tiến hành cổ phần hóa. Quy trình tiến hành cổ phần hóa bị dư luận cho là thiếu minh bạch.
Dư luận cho rằng định giá hãng phim 32 tỷ đồng là quá thấp và việc chọn cổ đông chiến lược là đơn vị không liên quan đến sản xuất phim là cách nhanh nhất để xóa sổ Hãng phim truyện Việt Nam.
Sau nhiều tranh cãi, tới tháng 7/2017, Công ty TNHH MTV Hãng phim truyện Việt Nam đã chính thức cổ phần hóa, được đổi tên thành Công ty Cổ phần đầu tư và phát triển phim truyện Việt Nam.
Phó phòng Quay phim, ông Vũ Quốc Tuấn cho biết: "Chúng tôi đã nghĩ rằng sau khi cổ phần hóa, công ty cổ phần sẽ phải thực hiện đúng cam kết của họ với Bộ văn hóa, thể thao và du lịch, với Hãng phim.
Ngay tháng lương đầu tiên chúng tôi đã yêu cầu ban lãnh đạo mới giải thích rõ về mức lương. Phòng tôi chỉ có 2 người được nhận đủ lương cơ bản là 4 triệu đồng, một số người nhận lương 540.000 đồng, những người còn lại không có đồng lương nào.
Ban lãnh đạo trả lời, vì mới tiếp quản, nên các anh ấy trả lương theo cách cũ của hãng trước kia. Chúng tôi chấp nhận chờ đến tháng thứ hai.
Hãng phim truyện Việt Nam gần như bỏ hoang - Ảnh: NGỌC DIỆP
Hết tháng 8 vẫn chưa thấy có lương, mùng 5-9-2017 chúng tôi lên hỏi ban lãnh đạo. Sau đó họ làm tạm ứng lương. Tôi được nhận 2 triệu đồng, 2 người quay phim sau tôi nhận một triệu đồng, 3 người còn lại không lương.
Nhà quay phim Vũ Quốc Tuấn
Tôi đã hỏi Chủ tịch Hội đồng quản trị của Công ty là anh Nguyễn Danh Thắng, anh ấy nói công ty không sắp xếp được công việc cho chúng tôi. Nếu ai mang được công việc về thì sẽ có lương.
Bọn tôi đều nói điều đó là rất vô lý. Trước khi mua hãng, các anh ấy đã biết tình hình hãng, đã cam kết 3 năm đầu trả lương tối thiểu cho mọi người là 4.857.000 đồng.
Nhưng ngay từ tháng đầu tiên đã không trả rồi. Ban lãnh đạo Công ty cổ phần đã đưa chúng tôi vào tình thế không cam kết, gây mâu thuẫn giữa hai bên".
Bà Trần Thị Thu, phó phòng Biên kịch, Biên tập cho biết: "Trong phòng tôi, trước khi tôi nghỉ sinh, chỉ có tôi vẫn được 100% lương do vẫn làm việc, có kịch bản gửi lên Cục (dù không được duyệt), còn lại mọi người đều không có lương.
Khi tôi hỏi về đường hướng phát triển công ty, lãnh đạo nói: một năm vẫn sẽ làm một phim điện ảnh do nhà nước đặt hàng.
Như vậy có nghĩa là xóa sổ hãng phim rồi còn gì?"
Theo quan sát của phóng viên Tuổi Trẻ online, Công ty cổ phần đầu tư và phát triển Hãng phim truyện Việt Nam đang tiến hành sắp xếp, sửa sang lại nhà xưởng. Tuy nhiên, cách làm của ban lãnh đạo mới không nhận được sự ủng hộ của cán bộ, công nhân viên.
Ông Vũ Quốc Tuấn cho biết cán bộ, công nhân viên cảm thấy không yên tâm vì kho đạo cụ đã được chuyển sang một kho mới, do 3 người bảo vệ không được trả lương trông coi.
"Không thể đảm bảo các ông bảo vệ đó có bán bớt đạo cụ đi không. Trong đó có những đồ đạc tuy cũ, như ca, cốc thời bao cấp chẳng hạn, giờ ít ai làm lại nữa", ông Tuấn nói.
Đặc biệt là tủ kịch bản có bút tích của những biên kịch, đạo diễn nổi tiếng thời kì đầu của hãng phim truyện đã được chuyển đi khá đột ngột.
Bà Trần Thị Thu, Phó phòng Biên kịch, Biên tập cho biết: "Hôm đó chúng tôi được lãnh đạo gọi lên. Tới nơi mới biết lãnh đạo sẽ chuyển tủ kịch bản cũ lên Viện phim để lưu trữ. Lúc đó lãnh đạo yêu cầu chúng tôi cử một người xuống bàn giao luôn,
Việc đưa kịch bản sang Viện phim Việt Nam để lưu trữ là một việc làm tốt thôi. Tuy nhiên, cách làm của lãnh đạo khiến anh em cảm thấy khá đột ngột nên dễ gây phản ứng".
Qua trao đổi với phóng viên Tuổi Trẻ online, các cán bộ, nhân viên của Hãng phim cho biết dù họ đã biết trước quá trình cổ phần hóa sẽ rất khó khăn, nhưng khi chính thức thực hiện, họ đã rất hoang mang với đường hướng của ban lãnh đạo Công ty cổ phần.
Đạo diễn Nguyễn Đức Việt cho biết: "Thực tế anh em trong hãng cũng ra làm ngoài từ lâu rồi. Khi hãng cổ phần hóa, chúng tôi cũng chờ xem cổ đông chiến lược thực hiện cam kết với Bộ Văn hoá, thể thao và du lịch cũng như Hãng như thế nào.
Khoản lương vài triệu đồng của hãng trả không đủ nuôi để nuôi sống ai đâu. Chúng tôi sẵn sàng không nhận cả năm lương cũng được.
Nhưng vấn đề là cách ứng xử của ban lãnh đạo Công ty sau khi cổ phần với anh em thiếu sự tôn trọng.
Tôi chỉ muốn nói cách thức cổ phần hóa Hãng phim là một sai lầm khủng khiếp, đã xóa sổ thành tựu của nền điện ảnh cách mạng.
Nhà quay phim Nguyễn Đức Việt
Hãng phim truyện Việt Nam gần như bỏ hoang. Phần hoạt động sôi nổi nhất là những hàng quán thuê đất của hãng để kinh doanh - Ảnh: NGỌC DIỆP
Đạo diễn Thanh Vân, người theo sát tiến trình cổ phần hóa cho biết cho đến giờ anh cảm thấy rất thất vọng vì quy trình này.
"Sau khi Thủ tướng có ý kiến cần xác định lại giá trị của Hãng phim truyện, trong đó phải tính tới yếu tố lịch sử, truyền thống, thương hiệu của Hãng, thì họ lại đưa đội ngũ công ty kiểm toán cũ, hội đồng giúp việc cổ phần hóa vẫn là người cũ thực hiện nhiệm vụ này.
Khi làm xong, họ không hề công bố kết quả.
Tôi cho rằng khi chưa có kết luận về việc định giá giá trị hãng phim một cách rõ ràng thì chưa được cổ phần, chưa được tiến hành đại hội cổ đông. Đại hội cổ đông lần thứ nhất là đại hội "lậu".
Đạo diễn Nguyễn Thanh Vân
Về nguyên tắc phải có sự đồng ý của Bộ văn hóa, thể thao và du lịch thì mới được phát giấy mời. Đằng này giám đốc của Hãng lúc đó là ông Vương Đức đã phát giấy mời trước đó cả tuần.
Sau khi thấy mọi người phản đối quá, sáng thứ 7 đại hội, thì chiều thứ 6 mới có văn bản của Bộ văn hóa, thể thao và du lịch đồng ý cho tổ chức đại hội", đạo diễn Thanh Vân cho biết.
Bài 2: Hãng phim truyện Việt Nam: 80 người, chỉ có 20 người làm việc
Xem ảnh dọn dẹp kho đạo cụ tại hãng chuyển sang kho mới và thu dọn kho kịch bản gửi sang Viện phim Việt Nam - Ảnh: NS cung cấp
Ngọc Diệp
Theo Tuổi trẻ Online