Thực trạng Hãng phim truyện Việt Nam cổ phần hóa đã gặp phải những phản ứng gay gắt của nghệ sĩ và những tiết lộ về giá trị của 4 khu 'đất vàng'.
Giá trị thực bị co nhỏ và định giá 0 đồng
Trong cuộc họp mặt báo chí của Hội Điện Ảnh Việt Nam cùng các nghệ sĩ tổ chức liên quan đến vấn đề bức xúc tại Hãng phim truyện Việt Nam thời gian qua. Trong cuộc họp, nhiều nghệ sĩ đã chia sẻ việc cổ phần hóa với giá mua lại hãng phim quá rẻ so với giá trị thực ước tính trên thị trường. Doanh nghiệp mua lại hãng không hề hiểu về điện ảnh. Chính bởi vậy, ngay khi công cuộc cổ phần diễn ra, phía chủ đầu tư đã thể hiện rõ ý đồ kinh doanh trên khu đất vàng và đối xử tàn tệ với các giá trị điện ảnh.
Nghệ sĩ Quốc Tuấn tỏ ra rất bức xúc và gọi sự vụ này là "kinh khủng". Nam nghệ sĩ cho biết Bộ Văn hóa Thể thao Du lịch là người chủ trì việc cổ phần hóa hãng phim, nhưng đến giờ mới biết mọi chuyện.
Nghệ sĩ Quốc Tuấn
Không những vậy, nghệ sĩ Quốc Tuấn còn chia sẻ: "Một mảnh đất 5.000 m2 thuê giá ưu đãi nhà nước, vị trí đắc địa, 7.000 m2 ở Cổ Loa, chưa kể đạo cụ, máy quay phim... mà định giá 19,7 tỷ đồng. Đó là điều nực cười, khiến bạn tôi là đại gia cũng phải bật cười, không bằng một căn biệt thự Vinhomes".
NSND Thế Anh nói thẳng: “Họ mua đất, chứ mua gì điện ảnh”.
NSND Thanh Vân - Nguyên Phó giám đốc Nghệ thuật, Hãng phim truyện Việt Nam trình bày tâm thư với nội dung "Suy nghĩ về sự dối trá trong tiến trình cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam" .
Nội dung văn bản có đoạn tường thuật lại: "Từ năm 2015, ông Vương Đức Tuấn - Chủ tịch hội đồng thành viên kiêm Tổng giám đốc Hãng phim thành lập Tổ giúp việc cho Ban cổ phần hóa - Bộ VHTT&DL gồm 7 người, trong đó lại không có các ông: ông Lý Thái Dũng - NSND, Phó giám đốc phụ trách kỹ thuật, ủy viên Hội đồng thành viên Hãng phim truyện Việt Nam, ông Nguyễn Thanh Vân - NSND, phó giám đốc phụ trách nghệ thuật, ủy viên Hội đồng thành viên Hãng phim truyện Việt Nam. Thay vào đó là bà Hồ Lan - nhân viên phòng tổ chức và một phó phòng tài vụ".
NSND Thanh Vân - Nguyên Phó giám đốc Nghệ thuật, Hãng phim truyện Việt Nam.
NSND Thanh Vân nói thêm: "Tổng công ty vận tải thủy với chỉ 32,5 tỷ đồng đã chiếm 65% tổng giá trị doanh nghiệp, trở thành cổ đông chính, nhà cổ đông chiến lược sau khi Hãng trở thành Công ty cổ phần. Ước tính giá trị đất đai và lợi thế vị trí đất đai của Hãng PTVN theo giá trị trường khoảng 2.000 tỷ đồng, chưa kể giá trị thương hiệu với trên 400 bộ phim truyện có từ gần 60 năm thành lập".
Thế nhưng, điều lạ Vivaso trở thành đơn vị chủ quản tại VFS chỉ với cái giá hơn 33 tỷ đồng. Nắm trong tay VFS đồng nghĩa, Vivaso sẽ trở thành chủ mới của 4 mảnh "đất vàng" này.
Một trong những mảnh đất vàng được chú ý nhất là khu đất số 4 Thụy Khuê, với gần 5.450m2 thuộc quận Tây Hồ, Hà Nội. Dù đây chỉ là khu đất thuê và thực tế đã hết hiệu lực hợp đồng từ năm 2003, nhưng hiện công ty vẫn đang sử dụng làm trụ sở và cho thuê. Khu đất này nếu tính theo mức giá 150 triệu đồng/m2 đất mặt đường Thụy Khuê, thì khu đất này có giá trị lên tới hơn 820 tỷ đồng.
Một khu đất khác cũng là đất thuê là 1,2 nghìn m2 tại quận 1 (TP.HCM). Khu đất này hiện cũng đang được công ty cho thuê lại. 2 khu đất thuộc sở hữu của VFS là khu đất rộng hơn 900m2 tại 151 Hoàng Hoa Thám dùng làm khu chứa đạo cụ, đoàn xe và khu đất gần 6.400m2 tại Đông Anh làm nơi để vật liệu nổ, đạo cụ, trường quay phim.
Khu đất tại Hoàng Hoa Thám, nếu tính theo giá thị trường hiện tại rẻ nhất là 135 triệu đồng/m2 thì khu đất này có giá lên tới 121 tỷ đồng. Còn khu đất tại Đông Anh có giá trị ít nhất là 160 tỷ đồng.
Hãng phim truyện Việt Nam tại số 4 Thụy Khuê.
Như vậy, việc Vivaso chỉ cần chi 32,5 tỷ đồng để sở hữu 65% VFS đặt ra rất nhiều nghi vấn vì việc xác định giá trị doanh nghiệp khi cổ phần hóa như vậy là quá rẻ mạt, không đúng với giá trị thực tế. Hơn nữa, theo những ý kiến của nhiều nghệ sĩ bày tỏ việc cổ phần này thiếu minh bạch, rõ ràng và có mục đích
Cách ứng xử "chủ mới nhưng người làm cũ"
Sau khi cổ phần hóa, cơ sở vật chất tại Hãng phim truyện Việt Nam có nhiều thay đổi. Sáp nhập phòng biên kịch, đạo diễn, quay phim, thiết kế mỹ thuật vào một phòng gọi tên là phòng nghệ thuật để có diện tích cho thuê. 24 người bị dồn vào một phòng chưa đầy 20 m2. Đời sống cán bộ nhân viên bị xáo trộn, không có công việc, yêu cầu đi làm theo giờ hành chính để chấm công, cắt giảm lương, trả lương ít ỏi với số thực lĩnh vài trăm nghìn đồng... đó là những bức xúc của rất nhiều nghệ sĩ đang công tác tại hãng.
Ngày 19/9. phát biểu tại cuộc họp đối chất giữa lãnh đạo công ty Vận tải thủy Vivaso cùng các nghệ sĩ của hãng Phim với sự chứng kiến của nhiều, diễn viên Quốc Tuấn (cán bộ làm việc tại Hãng phim truyện Việt Nam) bức xúc: "Chúng tôi lên tiếng không phải vì tiền lương mà vì công việc, cách đối xử của lãnh đạo công ty dành cho nghệ sĩ". Nam nghệ sĩ cũng chia sẻ với báo chí rằng: "Thậm chí lãnh đạo công ty cổ phần còn gợi ý cho các nghệ sỹ thuê kiot trên chính mảnh đất chúng tôi gắn bó nhiều năm với hãng để bán bún phở, cháo lòng. Điều đó đã thực sự xúc phạm chúng tôi".
Bà Nguyễn Thị Hồng Ngát - Phó Chủ tịch thường trực hội Điện Ảnh Việt Nam - đã rơi nước mắt khi nhắc lại việc cổ phần hóa không minh bạch Hãng phim truyện Việt Nam. Bà cho rằng, một nền điện ảnh truyền thống hơn 60 năm gây dựng. Thế mà nay sắp thành con số không và có nguy cơ bị xóa sổ.
Cũng chia sẻ về việc bị đối xử và thiếu tôn trọng của lãnh đạo mới, NSƯT Vũ Tuấn (phó phòng quay phim – hãng phim truyện Việt Nam) cho biết: “Tất cả những hi sinh của chúng tôi với các thế hệ để tạo nên thương hiệu của Hãng phim truyện Việt Nam mà bây giờ người ta định giá là 0 đồng, điều này làm chúng tôi rất buồn”.
NSND Trà Giang, NSND Thế Anh, NSƯT Minh Đức thể hiện sự bất bình với thực trạng hãng cổ phần hóa.
Các ý kiến khác như của NSND Trà Giang, NSND Thế Anh, NSƯT Minh Đức được gửi qua một video từ miền Nam ra cũng thể hiện sự bất bình với biện pháp cổ phẩn hóa Hãng phim Truyện Việt Nam, trong đó đã đánh giá giá trị thương hiệu của Hãng phim Truyện VN bằng 0 – đây là sự xúc phạm nghiêm trọng giá trị điện ảnh Việt Nam, đi ngược lại chủ trương của Đảng về sự định hướng chính trị, xã hội. NSND Trà Giang đã không giấu nổi xúc động khi cho rằng, việc cổ phần hóa không minh bạch đã khiến cho bà và anh em nghệ sĩ bị tổn thương. NSƯT Minh Đức cho rằng, việc làm của các đơn vị liên quan là đang “vắt chanh bỏ vỏ, đem con bỏ chợ”.
Nghệ sĩ Kim Cương coi việc làm của Vivaso là một sự xúc phạm. Không những xúc phạm đến người đang sống mà đến với cả những người đã chết.
Ông Đặng Xuân Hải - Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam
Ông Đặng Xuân Hải - Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam chia sẻ việc ứng xử của nhà đầu tư với các nghệ sĩ trong hãng phim là không thể chấp nhận được. Ở đây là nhận thức của người có trọng trách và ban chỉ đạo cổ phần hóa. Cần phải xem xét lại nhận thức của những người này. Họ đã qua quy trình thực hiện cổ phần hóa. Hơn nữa, cần nên xem xét lại tư cách chính trị của họ.
Chính phủ đã phải vào cuộc
Trước những bưc xúc và phản ứng của nghệ sĩ, tại cuộc họp về cổ phần hóa Hãng Phim truyện Việt Nam (VFS), chiều 21/9, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã chỉ đạo nội dung cuộc họp về việc cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam.
Phó Thủ tướng nhấn mạnh, chủ trương cổ phần hoá, sắp xếp lại các đơn vị nghệ thuật không chỉ đơn thuần mang ý nghĩa kinh tế mà mục tiêu lớn nhất là phải tạo được động lực phát triển cho văn hoá nghệ thuật nước nhà. Vì vậy, việc cổ phần hoá các đơn vị văn hoá, nghệ thuật nhận được sự quan tâm không chỉ của các văn nghệ sĩ mà cả cộng đồng, xã hội.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã chỉ đạo nội dung cuộc họp về việc cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu đại diện Bộ VHTT&DL, Bộ Tài chính, Bộ KH&CN… trả lời rõ từng kiến nghị, nhất là vấn đề định giá thương hiệu và giá trị các khu đất của Hãng Phim truyện Việt Nam.
"Không được để tình trạng văn nghệ sĩ và cả nhân dân nghi ngờ 'Cái gì Nhà nước bán thì định giá thấp, cái gì Nhà nước mua thì định giá cao'. Tinh thần là phải minh bạch thì mọi người sẽ đồng tâm để VFS và nền điện ảnh phát triển tốt hơn”, Phó Thủ tướng kết luận.
Hãng phim truyện Việt Nam là hãng phim đầu tiên sản xuất phim ở Việt Nam. Hãng thành lập năm 1953. Năm 1959, bộ phim Chung một dòng sông ra đời đánh dấu viên gạch đầu tiên của dòng phim cách mạng kinh điển.
Sau hơn 50 năm tồn tại, hãng đã sản xuất hơn 300 bộ phim trong đó nhiều bộ phim được ví là niềm tự hào của điện ảnh Việt như: Con chim Vành Khuyên, Vĩ tuyến 17 ngày và đêm, Chị Dậu, Đêm hội Long Trì, Đến hẹn lại lên... Tuy vậy, những năm gần đây, nhiều dự án phim của hãng liên tục thua lỗ, các phim đều chật vật bán vé khi ra rạp.
Ngày 29 tháng 6 năm 2010, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ra quyết định số 2238/QĐ-BVHTTDL phê duyệt phương án chuyển đổi Hãng phim Truyện Việt Nam thành Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Phim Truyện Việt Nam. Năm 2016, hãng Phim truyện Việt Nam chào mời cổ phần hóa. Sau đó, các nghệ sĩ lên tiếng "tố" quá trình cổ phần hóa không minh bạch. Sau nhiều lùm xùm, Tổng công ty vận tải thủy Vivaso hoàn tất quá trình mua lại đơn vị này vào tháng 6/2017. Hiện tại, Hãng có tên là Công ty Cổ phần đầu tư và phát triển phim truyện Việt Nam.
An Huy
Theo ĐSPL, Vietnammoi