Sự kiện hot
13 năm trước

“Hàng tồn kho ăn hết vốn doanh nghiệp”

Nhiều vấn đề nóng như bảo đảm an toàn các công trình thủy điện, giải quyết hàng tồn kho, hàng giả, tiêu thụ hàng nông sản, độc quyền điện và xăng dầu… đã được các ĐBQH chất vấn Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng trong phiên họp sáng nay 14.6.

Nhiều vấn đề nóng như bảo đảm an toàn các công trình thủy điện, giải quyết hàng tồn kho, hàng giả, tiêu thụ hàng nông sản, độc quyền điện và xăng dầu… đã được các ĐBQH chất vấn Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng trong phiên họp sáng nay 14.6.

Bộ trưởng Công thương Vũ Huy Hoàng trả lời chất vấn - Ảnh: Ngọc Thắng

Giải trình trước Quốc hội, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho hay: 5 tháng đầu năm 2012, hàng tồn kho tăng mạnh, tập trung vào các mặt hàng xi măng, thép, điện tử, hàng tiêu dùng… Theo thống kê của Bộ Công thương, hàng tồn kho tăng 20 - 25% so với cùng kỳ năm 2011.

Trước thực trạng đó, Chính phủ đã có nhiều biện pháp: mua tạm trữ một số mặt hàng nông sản như gạo, muối để giữ giá trong nước; tiếp tục xúc tiến thương mại, đẩy mạnh chương trình người Việt dùng hàng Việt; hạn chế tối đa nhập khẩu các mặt hàng không cần thiết.

“Giải phóng hàng tồn kho là vấn đề cấp bách nhất hiện nay. Tuy nhiên, đây không chỉ là trách nhiệm của Chính phủ mà còn là trách nhiệm của doanh nghiệp”, ông Hoàng nói.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho rằng: với số liệu của Bộ Công thương có thể thấy "hàng tồn kho đang ăn hết vốn" của doanh nghiệp. Việc xử lý hàng tồn kho được coi là vấn đề lớn mà Chính phủ cần giải quyết trong năm nay.

“Doanh nghiệp không bán được hàng dẫn đến nợ ngân hàng gia tăng, ngân hàng lại phải cơ cấu nợ cho doanh nghiệp. Cho nên việc xử lý hàng tồn kho cần có sự tham gia của nhiều bộ ngành, nhất là phía ngân hàng”, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nói.

Giải quyết hàng tồn kho là vấn đề cấp bách trong năm nay - Ảnh: Trung Hiếu

Vấn đề để xảy ra tình trạng độc quyền hai mặt hàng điện và xăng dầu cũng được nhiều đại biểu đặt ra, đồng thời chất vấn trách nhiệm và giải pháp của Bộ Công thương khi để kéo dài tình trạng này.

Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng thừa nhận Bộ Công thương thời gian qua chưa làm hết trách nhiệm. Về giải pháp, Bộ trưởng Hoàng cho biết: về điện - từ ngày 1.7.2012 sẽ chính thức vận hành phát điện cạnh tranh. Theo đó, các doanh nghiệp không phân biệt nhà nước hay tư nhân sẽ được tự do chào giá với trung tâm điều độ điện cạnh tranh.

 
Vừa rồi đã tiến hành rà soát và loại bỏ 52 dự án thủy điện chiếm rừng, không mang lại hiệu quả kinh tế. Nước ta có nhiều tiềm năng về phát triển thủy điện nhưng dự án ngoài việc đem lại lợi ích kinh tế còn phải đảm bảo phát triển bền vững. Hiện nay sự phối hợp giữa các bộ ngành còn thiếu chặt chẽ trong việc phát triển dự án thủy điện
Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải

Liên quan đến vấn đề xăng dầu, người đứng đầu Bộ Công thương cho hay: trong thời gian tới sẽ đánh giá tổng quan lại Nghị định 84. Ngoài ra, Bộ cũng sẽ phối hợp với Bộ Tài chính xem xét quỹ bình ổn và điều chỉnh tăng giảm giá xăng của doanh nghiệp liệu đã hợp lý chưa.

“Hiện nay có 12 doanh nghiệp cả nhà nước và tư nhân kinh doanh, phân phối xăng dầu. Nên việc khẳng định liệu có hay không lợi ích nhóm trong việc kinh doanh xăng dầu là chưa có cơ sở”, ông Hoàng lý giải.

Vấn đề xây dựng các nhà máy thủy điện cũng được nhiều đại biểu đề cập. Sự thực là sự cố đập thủy điện Sông Tranh (Quảng Nam) đã khiến nhiều người dân lo lắng.

Bộ trưởng Hoàng cho biết trong thời gian tới sẽ rà soát lại quy hoạch các dự án thủy điện, đồng thời yêu cầu chủ đầu tư tuân thủ nghiêm túc kỹ thuật về xây dựng, điều tiết hồ chứa nước. Đồng thời, chủ đầu tư phải bảo đảm đời sống của các hộ di dân để làm công trình thủy điện.

Liên quan đến sự cố thủy điện Sông Tranh, ông Hoàng cho hay: lưu lượng thấm từ 73 lít/giây của sự cố này là quá mức cho phép. Chưa có công trình thủy điện nào ở Việt Nam bị thấm nhiều như vậy. Do đó cần phải nghiêm túc xem xét, còn vấn đề di dân cần phải đánh giá, phân tích thêm.

“Thủy điện Sông Tranh là sự cố hi hữu. Sau khi sự cố xảy ra, Bộ Công thương, Bộ Xây dựng đã tổ chức nhiều đoàn kiểm tra, giám sát. Đến giờ phút này chưa có cơ sở nói đập thủy điện Sông Tranh không an toàn. Nếu phát hiện không an toàn, chúng tôi sẽ kiên quyết dừng hoạt động”, ông Hoàng khẳng định.

Bộ trưởng Xây dựng Trịnh Đình Dũng bổ sung: đến thời điểm này sau khi đã qua các khâu kiểm tra, nghiệm thu sự cố, tư vấn của công ty nước ngoài, có thể khẳng định đập thủy điện Sông Tranh vẫn bảo đảm an toàn.

Riêng về vấn đề thương lái nước ngoài, trong đó có thương lái Trung Quốc tự do thu mua nông sản, lợi dụng kẽ hở pháp luật để cạnh tranh không lành mạnh, thậm chí lừa đảo người nông dân, Bộ trưởng Hoàng cho hay sẽ tiếp tục kiểm tra và có giải pháp phù hợp.

Đình Quân
Theo Thanhnien

Từ khóa: