Mang tiếng là hàng Việt Nam chất lượng cao, tuy nhiên bằng những tiểu xảo tinh vi với vài ba công đoạn Công ty Cổ phần Tập đoàn Asanzo (Asanzo) đã “hô biến” từ hàng Trung Quốc thành xuất xứ Việt Nam.
Đây không chỉ là cuộc khủng hoảng niềm tin mà còn là nổi khiếp sợ của Người tiêu dùng Việt. Cái giá phải trả cho sự “gian dối” là bị tẩy chay, ngoài ra Asanzo còn có nguy cơ phải đối mặt với “bản án” bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
“Phù phép”
Mới đây, người tiêu dùng Việt lại hết sức thất vọng vì Asanzo được bóc mẽ là hàng Trung Quốc “đội lốt” xuất xứ Việt Nam. Cụ thể, Asanzo không cần nhà máy chế tạo, công nhân chỉ việc lắp ráp vài chi tiết có sẵn mà vẫn có thể cho ra đời một chiếc tivi trong vòng 30 phút (lấy Panel LCD đặt lên băng chuyền và lắp bảng mạch vào, gắn Board mạch điều khiển, gắn cụm dây LED, dây tín hiệu, dây nguồn và làm rọn cố định dây, gắn nắp lưng TV vào Panel LCD, cuối cùng kiểm tra tổng thể, vệ sinh, dán tem "xuất xứ Việt Nam" lên sản phẩm) rồi xuất xưởng cho ra thị trường tiêu thụ với mác Hàng Việt Nam chất lượng cao.
Qua công cụ tìm kiếm Google, từ khóa “Asanzo” cho ra hơn 8 triệu kết quả, điều này cho thấy sức ảnh hưởng, sự quan tâm đặc biệt của người tiêu dùng đến hình ảnh một thương hiệu hàng Việt Nam chất lượng cao sắp phải gánh chịu những hậu quả mà doanh nghiệp này gây ra?
Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao (HVNCLC) đã tước quyền sử dụng nhãn hiệu chứng nhận Hàng Việt Nam chất lượng cao đối với doanh nghiệp Asanzo để bảo vệ người tiêu dùng và các doanh nghiệp làm ăn tử tế.
Bên cạnh đó, trước thông tin về nguồn gốc xuất xứ các sản phẩm điện máy của Asanzo, một số siêu thị điện máy đã quyết định tạm ngưng kinh doanh sản phẩm để chờ phản hồi chính thức từ nhà sản xuất.
Được biết, Asanzo có địa chỉ số 14 đường số 4, Khu dân cư Vĩnh Lộc, phường Bình Hưng Hòa B, quận Bình Tân,TP.HCM, được thành lập vào cuối năm 2013, do ông Phạm Văn Tam đứng đầu, với vốn điều lệ 400 tỷ đồng. Từ một doanh nghiệp sản xuất tivi, sau 5 năm, Asanzo trở thành tập đoàn có hơn 70 dòng sản phẩm điện tử, 7 nhà máy, hơn 2.000 cán bộ công nhân viên, 15.000 điểm bán hàng và 1.000 trạm bảo hành trên toàn quốc.
Năm 2018, Asanzo đạt doanh thu 6.250 tỷ đồng với hơn 4 triệu sản phẩm các loại được bán ra. Tivi là dòng sản phẩm chủ lực của Asanzo.
“Trả giá”
Xoay quanh những diễn biến về việc Asanzo “lừa dối” người tiêu dùng PV đã có buổi trao đổi với Luật sư Trần Minh Hùng, Đoàn Luật sư TP.HCM.
Luật sư Hùng cho biết, hành vi đặt các linh kiện, phụ tùng đầy đủ của một sản phẩm tại nước ngoài, sau đó nhập về Việt Nam và tiến hành lắp ráp đơn giản, không đảm bảo tiêu chí xuất xứ mà vẫn dán tem nhãn xuất xứ Việt Nam hoặc made in Việt Nam để tiêu thụ là vi phạm pháp luật về hành vi lừa dối khách hàng, lừa đảo hoặc lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản. Tùy vào tình chất mức độ, nhẹ thì phạt hành chính, tịch thu hàng hóa, nặng thì có thể bị xử lý hình sự.
Cũng theo Luật sư Hùng, việc ông Phạm Văn Tam, CEO Asanzo giải thích, "Asanzo gắn nhãn, bao bì cũng như trong giấy bảo hành, Asanzo ý thức được việc đó nên chỉ ghi “Xuất xứ Việt Nam” thay vì “Made in Việt Nam” trên sản phẩm của mình" khiến người tiêu dùng hiểu rằng hàng hóa đó được sản xuất tại Việt Nam, việc giải thích như vậy là không đúng tinh thần pháp luật, thể hiện sự lập lờ, lừa dối khách hàng, qua mặt cơ quan chức năng.
Theo Luật sư Hùng, Asanzo đang nhượng quyền cho một vài công ty khác sử dụng thương hiệu của mình, và Asanzo không có khiếu nại trước việc những đơn vị này thuê nhà sản xuất Trung Quốc đóng logo Asanzo vào sản phẩm điện gia dụng rồi nhập về bán tại thị trường trong nước”, rõ ràng hành vi này thể hiện Asanzo có hành vi lừa dối tinh vi và chuyên nghiệp, trong đó trách nhiệm chính thuộc về Asanzo, Asanzo đang tiếp tay cho các công ty khác vi phạm.
Việc xây dựng nền tảng văn hoá, đạo đức kinh doanh là bài học thực tế vô cùng quan trọng trong quá trình xây dựng và phát triển thương hiệu, bởi lẽ đây là một trong số những yếu tố quyết định sự “sống còn” của doanh nghiệp. Đã có không ít doanh nghiệp vì lợi nhuận mà bất chấp kinh doanh “niềm tin” của khách hàng gây ra không ít tác hại về niềm tin của người tiêu dùng, về thương hiệu quốc gia.
Lụa Khaisilk là một ví dụ khi dính vào scandal gian lận, lụa Trung Quốc gắn mác Khaisilk khiến thương hiệu này rơi vào khủng hoảng và bị người tiêu dùng tẩy chay. Thậm chí Bộ Công Thương đã chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra Công an TP.Hà Nội để mở rộng điều tra vì vi phạm pháp luật trong hoạt động kinh doanh, và có dấu hiệu vi phạm hình sự.
Phan Vượng - Anh Hào
Theo Báo Đời sống & Tiêu dùng