Từ gần chục năm nay, nhiều công ty du lịch trên địa bàn TP.HCM đã có một địa chỉ dành cho những du khách nước ngoài muốn tìm hiểu ẩm thực và học chế biến món ăn: nhà số 1014/25 Cách Mạng Tháng Tám, P.5, Q.Tân Bình. Đây cũng là địa chỉ được nhiều người truyền tai nhau cho những nhu cầu như học nghề bếp, "set-up" bếp cho nhà hàng, đặt tiệc... Người dạy nấu ăn ở đây là con trai của một chuyên gia ẩm thực không xa lạ với không chỉ người Việt mà cả nhiều người nước ngoài - bà Nguyễn Dzoãn Cẩm Vân.
Từ gần chục năm nay, nhiều công ty du lịch trên địa bàn TP.HCM đã có một địa chỉ dành cho những du khách nước ngoài muốn tìm hiểu ẩm thực và học chế biến món ăn: nhà số 1014/25 Cách Mạng Tháng Tám, P.5, Q.Tân Bình. Đây cũng là địa chỉ được nhiều người truyền tai nhau cho những nhu cầu như học nghề bếp, "set-up" bếp cho nhà hàng, đặt tiệc... Người dạy nấu ăn ở đây là con trai của một chuyên gia ẩm thực không xa lạ với không chỉ người Việt mà cả nhiều người nước ngoài - bà Nguyễn Dzoãn Cẩm Vân.
Nhưng, phải chăng vì mẹ là chuyên gia nên con nghiễm nhiên cũng giỏi? Qua câu chuyện của mình, Đinh Trọng Vĩnh Khải muốn chứng minh một điều khác: Muốn giỏi phải đam mê, và đam mê là thứ không thể đi tìm mà sẵn có trong mỗi người, vấn đề là làm sao để khơi dậy nó.
Bố tôi là một kỹ sư chăn nuôi, mẹ tôi là một cô giáo dạy văn. Nhà có hai anh em. Trong điều kiện khó khăn của những năm 1980, mẹ tôi luôn cố gắng tìm mọi việc làm để có thể cho anh em tôi đi học đầy đủ, không kể văn hóa, mà cả các môn năng khiếu, từ violon, organ đến vẽ, bơi...
Sự cố gắng của mẹ hình như không có giới hạn và chưa bao giờ mệt mỏi. Ước mơ của mẹ là tôi sẽ trở thành một kỹ sư xây dựng. Tôi đã nghe lời mẹ, theo học ngành xây dựng. Năm ấy, mẹ tôi đi công tác xa nhà. Cuộc sống sinh viên và những môn học dính đến vôi, vữa, cát; những bài học về kết cấu luôn làm tôi thấy mệt mỏi.
Tôi thấy nghẹt thở với những quy định nơi giảng đường, và muốn thoát ra khỏi sự kiềm tỏa ấy. Sự nổi loạn bắt đầu âm ỉ trong tôi, cho đến giữa năm thứ hai thì bùng nổ với việc tôi đăng ký đi bộ đội.
Mẹ tôi đi xa về, mệt mỏi hơn vì những vất vả ở xứ người. Không nỡ làm mẹ thất vọng, cả bố lẫn em tôi đều không dám nói với mẹ về việc của tôi. Thế nhưng, một buổi sáng, mẹ tôi vừa xách giỏ đi chợ đã lộn trở về nhà ngay. Mẹ khóc...
Tuy ngỗ nghịch, bướng bỉnh, nhưng tôi rất sợ thấy mẹ khóc, vì chỉ khi nào buồn hay lo cho anh em tôi, mẹ mới yếu đuối như thế. Tôi chỉ biết nói với mẹ rằng tôi đã lớn, hãy cho tôi tự quyết định và làm chủ cuộc sống của mình...
Hai năm ở quân ngũ, cuộc sống thiếu thốn, sự vất vả của những chuyến di hành dã trại, những tập luyện khắc nghiệt, những đêm gác dài... làm tôi không còn chút kỷ niệm, ấn tượng nào về giảng đường. Sau hai tháng tập trung, tôi được điều về hậu cần trung đoàn. Lại mệt mỏi, chán chường và thất vọng.
Bàn tay thư sinh của tôi bắt đầu chai sạn. Nhưng chẳng hiểu từ bao giờ, tôi dần yêu căn bếp tối, khói um và đồ vật gì cũng to đùng của đơn vị. Tôi bắt đầu tìm đủ cách cải thiện món ăn, từ những nguyên vật liệu đơn sơ mà tôi tìm được ở quân trường.
Tác giả và những tác phẩm ẩm thực của mình
Nhìn mọi người ăn ngon miệng, tôi cảm thấy thật thoải mái. Trong lán bếp ở quân trường, tôi như tìm thấy mình, không còn cảm giác mệt mỏi hay chán chường nữa, có chăng chỉ là nỗi nhớ nhà và một đôi mắt mà tôi ngỡ đã là của riêng mình...
Khi tôi còn hai tháng nữa là hết thời gian quân ngũ, bố tôi hỏi về việc lựa chọn nghề tiếp theo, tôi đã xin mẹ cho tôi học làm bếp. Mẹ tôi đồng ý. Dĩ nhiên giữa bố mẹ có sự bất hòa. Mẹ lại một lần nữa động viên tôi. Giữa mẹ và tôi có một sự cảm thông khó giải thích...
Nhưng, khi vào học bếp, tôi lại cảm thấy không mấy thích. Thật khó mà nói được cảm giác của tôi bấy giờ, vẫn chán chường và tôi thực sự không hiểu mục đích sống của đời mình là gì. Suốt khóa học và đi thực hành, tôi vẫn lông bông như cũ.
Ra trường, tôi được theo mẹ sang Malaysia. Sau hai tháng vừa là người thầy, vừa là người bạn, mẹ đã chỉ cho tôi nhiều kinh nghiệm quý trong làm bếp, rồi bà chia tay tôi để về Việt Nam.
Một năm làm bếp Việt trong một nhà hàng Việt Nam ở nước ngoài, tôi đã có thêm nhiều kinh nghiệm khác trong cuộc sống, nhưng không hiểu sao, bếp lửa vẫn chưa cho tôi cảm giác ấm áp thực sự, và tôi đã bỏ về...
Mẹ tôi có 4 nhà hàng, tôi "đầu quân" về chỗ mẹ. Ban đầu, mẹ chỉ cho tôi làm bếp, không một chức vụ nào. Sau này, mẹ cho tôi giữ trọng trách là bếp trưởng. Ở vị trí nào tôi cũng không thấy vui. Là con của bà chủ, lại được là con của một người khá nổi tiếng trong nghề bếp, trong tôi, niềm tự kiêu nhiều hơn là tự hào.
Tôi coi thường tất cả các đồng nghiệp của mình. Người lớn hơn thì tôi nghĩ chưa chắc họ đã bằng mẹ tôi, người nhỏ hơn thì tôi coi thường vì họ làm sao bằng tôi. Trong khi mẹ tôi lại giản dị đến không ngờ. Mẹ làm tất cả những việc ở trong bếp, từ nhặt rau đến rửa bát... Chính những việc làm của mẹ đã đánh đổ niềm tự kiêu của tôi.
Càng tự kiêu, tôi càng thất bại, vì tôi chẳng làm được việc gì, ngoài việc được khen là xóc chảo nhanh và đẹp. Tôi biết, mọi người nhỏ nhẹ với tôi, chịu đựng những gắt gỏng của tôi chẳng qua vì tôi là con của mẹ. Tôi chưa hề thành công trong suốt 8 năm đi bên cạnh mẹ. Tôi biết chắc điều đó, nên lại càng buồn chán, thất vọng...
Du khách Tây học nấu ăn với thầy ta
Rồi, mẹ đột ngột đóng cửa tất cả các nhà hàng, vì lý do sức khỏe. Tôi rơi vào tình trạng bế tắc, vì đã quen là một cậu chủ con. May mắn, bắt đầu có người xin học nấu ăn với tôi. Chập chững trở lại nghề với việc chỉ cho một số người làm những món ăn từ đơn giản đến phức tạp.
Lớp học dần đông học viên hơn, với đủ thành phần: Người sắp lập gia đình, người học để đi làm, người muốn mở nhà hàng, người muốn nâng cao tay nghề, du khách nước ngoài... Tôi cũng dần tìm thấy niềm hứng khởi trong công việc. Trong quá trình dạy nấu ăn, tôi phát hiện ra rằng tôi đã học được rất nhiều từ các học viên. Đó có phải là món quà mà tôi nhận được từ cuộc sống? Để có được ngày hôm nay, tôi đã phải đi qua một chặng đường chông gai do chính tôi tạo nên.
Thật ra tôi chưa giỏi (mẹ đã cười khi tôi nói như vậy), tôi chỉ từng tự cho là mình giỏi mà thôi. Kiến thức tôi có được chỉ là hạt cát trong cái biển kiến thức ẩm thực. Tôi là người xóc chảo đẹp, nhưng chưa chắc tôi đã làm được tất cả các khâu trong bếp một cách nhuần nhuyễn. Tôi có thể làm ra nhiều món ăn ngon, nhưng chưa hiểu hết được ý nghĩa hay nguồn gốc của món ăn ấy...
Bây giờ tôi mới hiểu, đam mê không thể đi tìm, mà phải tự có. Mẹ đã hướng tôi đi tìm tương lai trong những hạt cát, xi măng và vôi, vữa. Nhưng tôi đã từ chối định hướng ấy, để cuối cùng tìm thấy mình trong hơi ấm của bếp lửa.
Từ những loại gia vị bình thường nhất, tôi đã tìm thấy con đường của riêng tôi... Tôi không muốn nhận mình là đầu bếp, chỉ thích mọi người gọi mình là người xóc chảo. Vâng, một người xóc chảo đẹp bên ánh lửa hồng...
Theo Doanh nhan SG