Đã có những nghi ngờ xung quanh phương pháp huấn luyện của HLV Goetz đối với đội U23 Việt Nam. Và sau thất bại tại SEA Games 2011, mọi chuyện đã thực sự rõ ràng...
Đã có những nghi ngờ xung quanh phương pháp huấn luyện của HLV Goetz đối với đội U23 Việt Nam. Và sau thất bại tại SEA Games 2011, mọi chuyện đã thực sự rõ ràng...
Khi thầy ngoại thất sủng
Thực tế, sau khi chia tay HLV Calisto gắn với thất bại tại AFF Cup 2010, lãnh đạo VFF đã trải qua một quá trình đắn đo, suy nghĩ, trăn trở tìm thầy mới. Phép thử táo bạo đã được đưa ra khi VFF quyết định chọn một HLV ngoại mới toanh, cóđẳng cấp như ông Goetz với hy vọng giúp bóng đá VN vươn lên những tầm cao châu lục, chứ không dừng ở những danh hiệu vô địch Đông Nam Á.
HLV Falko Goetz chưa đem lại thành công nào cho bóng đá VN.
Nhưng từ khi HLV Goetz tới, những mâu thuẫn âm ỉ đã phát sinh bắt đầu bằng việc một số trụ cột ở ĐTQG lần lượt xin rút vì nhiều lý do khác nhau. Đằng sau quá trình chuẩn bị của U23 VN hướng tới SEA Games 2011, có thể thấy tình trạng bằng mặt không bằng lòng qua những nguồn tin nội bộ lần lượt rò rỉ ra ngoài, chỉ trích phương pháp huấn luyện “cực đoan” của HLV Goetz.
Trong lối chơi của U23, không tìm thấy sự kết dính cần thiết ở một bộ khung ổn định, mà thay vào đó là sự thay đổi, xáo trộn, thử nghiệm liên tục từ những giải giao hữu đến khi SEA Games chính thức khởi tranh. “Một HLV nước ngoài mới đến VN có 6 tháng thì làm sao hiểu được con người, bóng đá VN nên thất bại là khó tránh khỏi.
Ở V.League, các đội bóng dùng HLV ngoại cùng đều thất bại, chỉ có ĐT.LA năm 2005-2006 thành công với HLV Calissto - người trước đó đã ở VN khoảng 5 năm. Điều đó cộng với thành công của bóng đá Malaysia đủ để bóng đá VN nên đặt niềm tin, ủng hộ HLV nội dẫn dắt các ĐTQG” - ông Nguyễn Hồng Thanh - Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Bóng đá SLNA bày tỏ.
HLV Goetz hãy từ chức
HLV Goetz là người có khả năng, nhưng rõ ràng ông chưa phù hợp với bóng đá VN lúc này. Các học trò không thể quen với những giáo án có khối lượng quá sức, càng không quen với “kỷ luật thép” đến mức hà khắc mà ông thầy người Đức áp đặt.
Việc phải “ngậm bồ hòn làm ngọt” khiến họ bị căng cứng tâm lý. Những đôi chân càng nặng nề hơn bởi sức ép thành tích, và mọi chuyện trở nên tồi tệ, khó cứu vãn sau trận thua U23 Indonesia 0-2. “Lãnh đạo VFF, Ban huấn luyện đội tuyển phải chịu trách nhiệm khi không có được những “bài thuốc tâm lý” cần thiết để vực dậy U23 VN” - ông Thanh nói.
Ông Lê Thế Thọ - cựu Phó Chủ tịch VFF gay gắt khẳng định: “Sau thất bại của đội bóng, HLV bao giờ cũng là người chịu trách nhiệm đầu tiên. Thời gian tới, VFF nên xem xét lại những điều khoản trong hợp đồng để có những quyết định cứng rắn với HLV Goetz”.
|
Theo ông Thanh, với tư cách là một HLV chuyên nghiệp, ông Goetz sẽ tự biết phải hành xử thế nào cho đúng. Nếu ông Goetz xin rút, chúng ta nên ủng hộ. Còn trong tương lai, giải hạng Nhất không nên dùng cầu thủ ngoại, vừa đỡ tốn kém, vừa giúp các cầu thủ nội có đất thể hiện mình. Tại SEA Games 2011, U23 VN không có tiền đạo, cặp trung vệ cũng kém là có nguyên nhân từ hệ thống thi đấu V.League, giải hạng Nhất dành sự ưu tiên gần như tuyệt đối cho ngoại binh ở những vị trí ấy.
Ông Trần Văn Phúc - cựu HLV Thanh Hóa bày tỏ: “Xem xong trận tranh HCĐ, tôi thấy xấu hổ. Cầu thủ VN bây giờ rất sướng mà lại chơi như vậy thì không chấp nhận được. HLV Goetz có thể giỏi và cũng cố gắng hết sức rồi nhưng không phù hợp thì phải thay. HLV nội còn nhiều người có khả năng, vấn đề là VFF có đặt hết niềm tin, động viên họ làm hay không? Bóng đá Malaysia thuần nội, từ cầu thủ tới HLV, từ cấp CLB tới các ĐTQG và họ đã thành công, tại sao bóng đá VN không tham khảo, học hỏi?”.
Chính Minh
Theo Danviet