Sự kiện hot
13 năm trước

Hệ lụy nào đối với ngân hàng nhóm 4?

Sau thông tin có khoảng “mươi” ngân hàng không được tăng trưởng tín dụng năm 2012, thị trường tiếp tục xôn xao dự đoán về tương lai các ngân hàng này.

Sau thông tin có khoảng “mươi” ngân hàng không được tăng trưởng tín dụng năm 2012, thị trường tiếp tục xôn xao dự đoán về tương lai các ngân hàng này.

Ảnh chỉ mang tính chất minh họa

Nhóm 4 sẽ sớm lộ diện

Trao đổi với ĐTCK, Phó chủ tịch HĐQT một NHTM nhìn nhận, việc không công khai danh sách các ngân hàng thể hiện sự thiện chí của NHNN đối với các ngân hàng trong nhóm “nguy cơ cao”. Khuyến khích những ngân hàng yếu kém tập trung vào vấn đề tái cấu trúc, tái tổ chức doanh nghiệp và giải quyết vấn đề thanh khoản.

Tuy nhiên, một phó tổng giám đốc NHTM cho rằng, việc không công bố chính thức danh sách các ngân hàng chỉ là bí mật trong thời gian rất ngắn bởi mùa ĐHCĐ sắp đến, các ngân hàng không thể giấu hoặc bỏ qua thông tin này trong chiến lược kinh doanh năm 2012. Điều quan trọng là chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng là một trong những yếu tố chính trong chiến lược kinh doanh của các ngân hàng Việt Nam.

“Như vậy, danh sách các ngân hàng nhóm 4 sớm muộn sẽ không còn là điều bí mật, NHNN nên sẵn sàng chuẩn bị các giải pháp xử lý các tình huống phát sinh nếu có với nguy cơ cao nhất là căng thẳng thanh khoản”, vị phó tổng giám đốc này nói.

Đồng quan điểm trên, một chuyên gia ngân hàng nhìn nhận, ngay chính các cổ đông khi biết ngân hàng mình đang góp vốn ở trong nhóm 4 - không được tăng trưởng tín dụng, chắc chắn sẽ tính đến việc rút vốn. Nhiều khả năng, cổ phiếu của những ngân hàng trong nhóm này sẽ bị bán tháo. Điều đó không chỉ ảnh hưởng đến ngân hàng trong ngắn hạn khi giá cổ phiếu lao dốc mà còn gây trở ngại lớn đến quá trình cơ cấu lại ngân hàng. Nguy hiểm hơn, cổ đông biết thì khó có thể giữ bí mật với người gửi tiền. Do đó, khả năng huy động bị sụt giảm là điều có thể.

Bài toán rất cũ lại tiếp tục được đặt ra là, giải quyết vấn đề căng thẳng thanh khoản như thế nào, bởi căng thẳng thanh khoản hiện nay tập trung chủ yếu vào những ngân hàng này. Hơn thế, những ngân hàng nhỏ cũng khó có thể tiếp cận được nguồn vốn trên thị trường OMO do không có tài sản (giấy tờ có giá) để giao dịch và “cửa” để cứu thanh khoản cho những ngân hàng này chủ yếu là thị trường liên ngân hàng. Thế nhưng, hiện thị trường này cũng đang bị ách tắc khi những ngân hàng lớn dường cũng “chẳng dại gì mà giây vào”.

Hệ luỵ thanh khoản và hướng giải quyết

Vị chuyên gia trên cho rằng, để giải quyết được vấn đề thanh khoản, NHNN cần khơi thông lại dòng chảy trên thị trường liên ngân hàng. Theo đó, NHNN nên đứng ra bảo lãnh để các ngân hàng lớn dư thanh khoản khoanh nợ cũ lại và tiếp tục cho vay mới. Hoặc NHNN có thể phát hành tín phiếu bắt buộc đối với những ngân hàng lớn, dư thanh khoản, rồi lấy tiền đó hỗ trợ cho các ngân hàng nhỏ.

Chia sẻ với ĐTCK, TS. Lê Xuân Nghĩa, Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia gợi ý 5 điểm để giải quyết vấn đề thanh khoản: thứ nhất, phát hành tín phiếu của NHNN, dùng tín phiếu để điều hòa vốn từ ngân hàng mạnh sang ngân hàng yếu; thứ hai, điều chỉnh tỷ lệ dự trữ bắt buộc, có phân biệt giữa ngân hàng lớn với ngân hàng nhỏ như ngân hàng lớn tỷ lệ bắt buộc cao, ngân hàng nhỏ tỷ lệ bắt buộc thấp, đồng thời tăng lãi suất dự trữ bắt buộc hấp dẫn hơn trái phiếu chính phủ để khuyến khích các NHTM lập dự trữ bắt buộc nhiều hơn; thứ ba, cho phép các NHTM huy động vàng và hoán đổi thành tiền tệ; thứ tư, bơm tiền để tái cấp vốn cho một số ngân hàng gặp khó khăn; thứ năm, vay nợ nước ngoài để mua lại nợ xấu của các NHTM hoặc bán tài sản cho nhà đầu tư nước ngoài để có tiền.

“Kinh nghiệm của nước ngoài cho thấy, Hàn Quốc vay tiền để quốc hữu hóa ngân hàng, sau đó bán lại ngân hàng bị quốc hữu hóa cho nước ngoài hay tại Mỹ, Bộ Tài chính đã mua chứng khoán độc hại của các NHTM, từ đó giúp các ngân hàng đứng vững trong thời kỳ khủng hoảng và những biện pháp này tỏ ra hữu hiệu với Việt Nam”, TS. Lê Xuân Nghĩa nói.

Chủ tịch HĐQT một NHTM cổ phần thẳng thắn: “Chỉ thị 01 được ban hành và các ngân hàng không còn cách nào khác là buộc phải tuân thủ. Đối với những hệ lụy có khả năng cao sẽ xảy ra đối với ngân hàng trong nhóm yếu, kém, thì câu chuyện cuối cùng chốt lại vẫn là cần phải có tiền đề giải quyết. Nhưng NHNN không thể suốt ngày đi trả nợ thay cho tất cả các ngân hàng yếu kém được. Do đó, dù thế nào cũng cần phải mạnh tay giải quyết dứt điểm những ngân hàng đó”.

Theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia ngân hàng, nếu thị trường nắm được thông tin về danh sách của cả 4 nhóm ngân hàng, có thể dẫn đến một sân chơi không bình đẳng giữa 2 nhóm ngân hàng 1, 2 và 3, 4. Để quân bình những ưu thế và những bất lợi có thể xảy ra, NHNN nên xem xét việc hỗ trợ trực tiếp hoặc gián tiếp qua những phương tiện truyền thông để tạo nên sự tin tưởng của người dân. Còn muốn “giải quyết” dứt điểm ngân hàng yếu, kém, nên để thị trường tự làm.

Hồng Dung
Theo DTCK


Từ khóa: