Trên thị trường hiện nay có khá nhiều thương hiệu nồi cơm điện tử đa năng với muôn vàn kiểu dáng mẫu mã khác nhau. Tuy nhiên, theo kinh nghiệm của đa số người tiêu dùng thì việc chọn được những nồi cơm điện chất lượng tốt như một “điều ăn may”.
Nồi cơm hiện nay có các hãng nổi tiếng, uy tín được nhiều người tiêu dùng lựa chọn như Tiger, Toshiba, Sharp.Tuy nhiên, thực tế nồi cơm điện bị làm giả, làm nhái hiện nay khá nhiều, dẫn đến chất lượng sản phẩm không được như người tiêu dùng mong đợi. Thậm chí, những chiếc nồi cơm điện làm giả, làm nhái còn gây ảnh hưởng đến sức khỏe trong quá trình sử dụng.
Trên địa bàn Hà Nội, sản phẩm nồi cơm điện được bán phổ biến ở các siêu thị điện máy, siêu thị dân dụng, các cửa hàng đồ gia dụng, cửa hàng điện…với mức giá dao động từ vài trăm nghìn đồng đến 3 triệu đồng tùy vào xuất xứ, công dụng và nhãn hiệu.
Bên cạnh những sản phẩm nồi cơm điện đảm bảo chất lượng, thông tin về nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, thị trường Hà Nội có những loại nồi cơm điện giá thậm chí được rao bán chỉ từ 115 nghìn đồng trên một số website điện tử hoặc nhóm bán hàng online không tin cậy.
"ma trận" nồi cơm điện hiện nay ( Ảnh minh họa)
Có thể thấy rằng, không chỉ các chủ cửa hàng, nhiều người tiêu dùng hiện cũng còn thờ ơ với việc lựa chọn các sản phẩm nồi cơm điện đảm bảo nguồn gốc, chất lượng. Chị Mai Liên (phường Láng Thượng-Đống Đa) nói: “Lúc mua nồi cơm điện, tôi chỉ hay để ý xem giữa các loại có chênh nhau nhiều tiền hay không và chức năng khác nhau ra sao. Quan trọng nhất vẫn là giá, hợp lý thì mình mua, còn muốn đồ chất lượng thì cứ mua của mấy hãng lớn”.
Để cảnh báo và cho người tiêu dùng có thể nhận biết chính xác nồi cơm điện giả, theo anh Phong chủ một cửa hàng bán nồi cơm điện trên đường Nguyễn Trãi (Quận Thanh Xuân – Hà Nội) cho biết, bên cạnh việc hàng sản xuất trong nước đạt tiêu chuẩn chất lượng, thì một vấn đề lớn là các sản phẩm trong nước rất dễ dàng bị làm nhái, làm giả. Bên cạnh đó, nhà phân phối, bán hàng còn tráo sản phẩm, dẫn đến việc người tiêu dùng bị đưa vào "ma trận" nồi cơm điện.
Anh Phong cũng khuyến cáo mọi người không nên tham mua hàng giá rẻ. Bởi vì, hàng thanh lý, hàng giá rẻ thường là hàng tráo, hàng kém chất lượng hoặc hàng được làm giả.
Theo Ông Nguyễn Huy Dũng, đại diện một công ty sản xuất nồi cơm điện trong nước cho biết, nếu trên thị trường xuất hiện những chiếc nồi cơm điện giá rẻ chỉ 200.000 đồng thì đó nhiều khả năng là nồi nhái, nồi bị làm giả.
“Bởi vì, giá bán ngay tại công ty cho các đơn vị phân phối cũng không có giá ấy. Mà các đơn vị phân phối, nếu không bán được hàng có thể nhập lại công ty, còn không ai người ta chịu lỗ mà bán giá rẻ?”, ông Dũng nói.
Trước thực trạng nồi cơm điện giả có thể gây ảnh hướng tới sức khỏe thậm trí tính mạng của người tiêu dùng do những sự cố không mong muốn, trả lời trên tờ VietQ, TS Trần Văn Thịnh, Trưởng Bộ môn Thiết bị điện - điện tử, trường Đại học Bách Khoa Hà Nội cho biết, cấu tạo của nồi cơm điện gồm ba phần: Vỏ nồi, nồi nấu và bộ phận đốt nóng, hay còn gọi là mâm nhiệt đi kèm với cảm biến nhiệt và nút điều khiển chọn chức năng. Vỏ nồi có 2 lớp, ở giữa có bông thủy tinh cách nhiệt. Nồi nấu làm bằng hợp kim nhôm, đặt khít trong vỏ, bên trong phủ lớp men chống dính. Phần đốt nóng gồm dây điện trở đúc trong ống chịu nhiệt, cách điện với ống và đặt trong mâm dưới đáy nồi.
Chuyên gia này cho rằng, những sự cố về điện đối với nồi cơm điện thường là rò điện gây giật điện. Bên cạnh đó, đối với những loại nồi cơm điện trôi nổi, không rõ nguồn gốc, nguy cơ còn nằm ở chỗ lõi nồi, bộ phận đun nóng nhanh hỏng thậm chí gây chập cháy. Điều này có thể ảnh hưởng tới sức khỏe và tính mạng của người dùng.
Bát nháo tình trạng hàng thật, hàng giả ( Ảnh minh họa)
Cùng vấn đề trên, tờ này cũng dẫn lời của ông Nguyễn Quốc Thủy, Vụ phó Vụ đánh giá Hợp chuẩn Hợp quy (Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng) cho rằng, theo quy định của Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật, việc thiết bị điện, điện tử khi lưu thông phải có dấu hợp chuẩn đúng với quy định hiện hành.
Theo đó, tại QCVN 4:2009/BKHCN đã quy định “Các thiết bị điện và điện tử khi lưu thông trên thị trường phải có nhãn hàng hóa theo quy định của pháp luật về nhãn hàng hóa; phải được chứng nhận hợp quy, mang dấu hợp quy (dấu CR) theo quy định của Quy chuẩn kỹ thuật này và chịu sự kiểm tra trên thị trường của cơ quan kiểm tra chất lượng sản phẩm, hàng hóa (điều 3.1)”, ông Thủy nói. Do đó, các thiết bị điện, điện tử thuộc phạm vi điều chỉnh của quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, khi lưu thông bắt buộc phải được gắn dấu hợp quy (CR).
Việc dán tem là để khẳng định sản phẩm bảo đảm chất lượng, an toàn trong sử dụng nhằm bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng. Vì vậy, bên cạnh những nỗ lực của các cơ quan chức năng, để hoạt động này thực sự có hiệu quả thì người tiêu dùng phải từ chối những sản phẩm không có tem CR; chỉ mua những sản phẩm đạt chất lượng, có nhãn mác đúng quy định thì nhà sản xuất, người kinh doanh sẽ phải có trách nhiệm trước sản phẩm của mình xuất ra. Có như vậy mới giảm thiểu được hàng giả, hàng kém chất lượng, làm minh bạch thị trường.
Mai Quỳnh (t/h)
Theo Báo Đời sống và Tiêu dùng