Bức tranh nông thôn xã Thạch Xuân (Thạch Hà, Hà Tĩnh) đang có nhiều chuyển biến tích cực, thay đổi da thịt từng ngày. Xuất phát từ ý thức tập thể của người dân, họ tự nguyện hiến đất để mở rộng, nâng cấp đường, góp phần trong việc thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới.
Xã Thạch Xuân, huyện Thạch Hà về đích nông thôn mới (NTM) năm 2018 và nông thôn mới nâng cao năm 2021. Rất nhiều hộ dân nơi đây đã cùng nhau tự nguyện hiến đất, làm các tuyến đường huyết mạch để cùng nhà nước mở rộng đường, tạo bộ mặt mới cho quê hương. Đặc biệt, đời sống vật chất cũng như tinh thần của người dân xã Thạch Xuân cũng từ đó mà ngày càng phát triển.
Cán bộ đi trước
Những ngày đầu năm 2023 về xã Thạch Xuân, không gian đường xá, cảnh quan đã thực sự có nhiều đổi thay tích cực so với trước. Người dân xã ai nấy đều vui mừng, phấn khởi khi lưu thông trên tuyến đường trục chính vừa được nâng cấp và mở rộng.
Có được kết quả này là cả một sự nỗ lực lớn của chính quyền và nhân dân địa phương. Với câu khẩu hiệu "cán bộ đi trước, làng nước theo sau” để tuyên truyền, vận động các hộ dân trong thôn hiến đất làm đường. Đặc biệt, cán bộ xã nhiệt tình, tâm huyết trong công việc, nhẹ nhàng, khéo léo trong công tác tuyên truyền, vận động và đi đầu thực hiện chủ trương, chính sách của cấp trên giao, có như vậy người dân trong xã mới nể phục làm theo.
Nhìn những con đường khang trang, sạch đẹp. Mỗi tổ, cụm dân cư có một nhà văn hóa. Những khu dân cư kiểu mẫu, vườn mẫu hay những mô hình kinh tế giá trị cao đã được xây dựng. Với những cách làm hay, sáng tạo, ông Nguyễn Huy Hà, Chủ tịch UBND xã Thạch Xuân đã phát huy trí tuệ tập thể, tính tiên phong, guơng mẫu của cán bộ, đảng viên và tạo sự đồng thuận cao trong nhân dân. Nhờ vậy, xã Thạch Xuân đã thực sự chuyển mình, đổi thay nhanh chóng, góp phần đưa xã về đích NTM năm 2018.
“Xây dựng NTM là công cuộc đem lại lợi ích thiết thực và hiểu quả cao, tạo niềm tin và sự hi vọng về một cuộc sống tốt đẹp hơn cho những con người nông dân chân lấm tay bùn. Ngay từ khi có chủ trương và lập đề án triển khai, chúng tôi đã nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của bà con nông dân trong xã. Hiện nay, chúng tôi đã hoàn tất chương trình dồn điền đổi thửa”, ông Hà cho hay.
Cũng theo ông Hà, khi tuyên truyền vận động người dân thực hiện hiến đất bản thân mình phải làm trước để người dân thấy những lợi ích từ đó phát triển rộng trên địa bàn. Không chỉ bản thân gương mẫu mà kể cả gia đình, anh em họ hàng nhà mình cũng phải tiên phong đi đầu để noi gương.
Sau thời gian kiên trì vận động, tuyên truyền, các hộ trong thôn đã tự nguyện hiến đất với chính sách hỗ trợ xi măng của nhà nước. Thôn cũng huy động nội lực trong nhân dân, con em xa quê, doanh nghiệp đóng tại địa phương làm mới những trục đường chính, đường thôn đảm bảo tiêu chuẩn. Hệ thống hàng rào xanh được người dân thực hiện, vườn tạp được xóa bỏ.
Theo vị Chủ tịch xã Thạch Xuân trong quá trình thực hiện không tránh khỏi những đụng chạm, nhưng để tạo chuyển biến trong bộ máy, thay đổi lề lối, tác phong công tác, đáp ứng yêu cầu xây dựng NTM, phải để người dân nhìn vào cán bộ, đảng viên thấy họ quyết liệt, đi đầu và “nói đi đôi với làm”.
Do vậy, ông thường xuyên yêu cầu ở nơi nào khó khăn, mặt bằng chưa giải tỏa được, bà con còn thắc mắc thì cán bộ, đảng viên phải gương mẫu làm trước, đồng thời tích cực vận động, giải thích để bà con hiểu.
Đến nay, toàn xã có 7/7 thôn đạt chuẩn Khu dân cư NTM kiểu mẫu gồm: Thôn Đồng Xuân, Đông Sơn, Quý Linh, Lộc Nội, Quyết Tiến, Tân Thanh. Với 100% đường bê tông, rải thảm từ 5-5,5m.
Ban chỉ đạo xây dựng NTM của xã thường xuyên đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện xây dựng NTM tại các thôn, đặc biệt phân công các đoàn công tác trực tiếp chỉ đạo tại các tổ liên gia để cùng nhân dân thực hiện hiệu quả xây dựng hoàn thành khu dân cư nông thôn mới.
Theo ông Hà, để có được kết quả như ngày hôm nay cán bộ phải thực sự gần dân, vì dân, sâu sát cơ sở, thực hiện dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, và cũng dựa trên lợi ích của người dân thực hiện. Trong triển khai thực hiện, không ỷ lại vào nguồn vốn của Nhà nước mà xác định tiêu chí nào thuận lợi, phù hợp với khả năng thì ưu tiên làm trước; phát huy mọi nguồn lực của địa phương, trong nhân dân cho phát triển sản xuất, xóa đói giảm nghèo, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho bà con.
Hiến đất là trách nhiệm chung nhân dân
Không chỉ cán bộ địa phương, mà trong thôn cũng cần những đảng viên, những người có tiếng nói, có sức ảnh hưởng đi trước dẫn đầu lúc đó sức lan tỏa trong dân mới cao, công vệc mới đạt được những kết quả như mong muốn.
Để có những con đường rộng, xanh, sạch đẹp bây giờ thì không thể thiếu được những sự đóng góp của nhân dân. Dù “tấc đất, tấc vàng” nhưng theo đường lối chủ trương họ vẫn tự nguyện hiến hàng trăm mét vuông đất cho xã mở rộng đường; hàng rào, mái che cũng tự nguyện dẹp bỏ miễn sao không ảnh hưởng đến những công trình khi đi qua gia đình mình.
Trong số những người hiến đất tình nguyện, phải nhắc đến ông Nguyễn Duy Phước (thôn Lộc Nội, xã Thạch Xuân) – một người gương mẫu, tiên phong trong quá trình xây dựng NTM.
Ông Phước cho biết: “Gia đình tôi có 3 người con trai, lại là gia đình thuần nông nên rất khó khăn. Dẫu biết, diện tích đất của gia đình không phải lớn đối với vùng nông thôn, nhưng bản thân gia đình tôi đã 3 lần tự nguyện hiến đất để theo chủ trương xây dựng NTM”.
Gia đình ông không chỉ hiến hơn 250m2 đất, mà còn tự nguyện phá bỏ hàng chục mét bờ rào đã được xây dựng bê tông kiên cố, và mái che của gia đình.
Dù theo ông Phước, “diện tích đó đủ bằng một suất đất người ta bán bên ngoài, nhưng đổi lại đường vào nhà tôi giờ rộng rãi, sạch đẹp, khang trang, nhà lại sát mặt đường rất thuận tiện”.
Cán bộ gương mẫu cho nhân dân noi theo, đặc biệt sự quan tâm của các cấp chính quyền, hỗ trợ người dân xây lại tường rào bị dỡ bỏ, cấp đất đền bù cho những gia đình có hoàn cảnh khó khăn nên bản thân cảm thấy rất tin tưởng, ông Phước phấn khởi chia sẻ.
Không chỉ ông Phước, ông Nguyễn Đức Ý (thôn Tân Thanh, xã Thạch Xuân) cũng hiến gần 300 m² đất hào hứng khi bản thân một phần góp sức mình nhỏ bé để phát triển xã hội. “Thấy bà con hàng xóm ai cũng nhiệt tình hiến đất nên gia đình tôi cũng quyết định hiến. Nhà tôi đang còn nghèo, nhưng hiến đất là để phát triển kinh tế, xây dựng NTM ngày càng phồn vinh thì chúng tôi thấy cần phải tham gia. Đó cũng là trách nhiệm chung người dân xã Thạch Xuân”.
Xây dựng NTM, NTM kiểu mẫu là giúp đời sống người dân được nâng cao. Vì thế, đóng góp cho lợi ích chung thì chúng tôi không sợ mình bị thua thiệt. Khi đường sá rộng thênh thang, kiên cố thì vừa đi lại thuận tiện, kinh tế của người dân cũng phát triển thêm. Tất cả là vì lợi ích chung nên không có gì phải đắn đo suy nghĩ. Đặc biệt, để người dân có cuộc sống tốt nhất, tránh bị ảnh hưởng vì hiến đất, nhà nước đã có khu tái định cư hỗ trợ người dân, ông Ý nói thêm.
Gia đình cựu chiến binh Kiều Đình Dần ở Thạch Xuân cũng đã hiến hơn 220 m2 đất, ông cho biết: “ Quyết định hiến đất điều không dễ đối với bất cứ gia đình hay cá nhân nào, rừng cây, ruộng nương là tài sản quý giá mà ông cha để lại cho thế hệ con cháu gìn giữ, đối với người nông dân mỗi tấc đất đều là những giọt mồ hôi lao động miệt mài gây dựng từng ngày để mưu sinh cuộc sống cho gia đình. Nhưng với gia đình tôi xuất phát từ sự tự nguyện, không tính toán thiệt hơn, không đòi hỏi bất kỳ lợi ích nào. Tôi ý thức được rằng, mình là cựu chiến binh thì cần phải tiên phong, gương mẫu”.
Sáng - xanh - sạch - đẹp không còn nằm trên các bảng tuyên truyền mà nó đã hiện hữu trong từng ngõ, từng nhà. Đến xã Thạch Xuân đâu đâu cũng có thể bắt gặp hình ảnh người dân vui vẻ vừa trồng rau, trò chuyện, tận hưởng cuộc sống làng quê ngày càng văn minh, hiện đại. Làng quê khoác lên mình một màu áo mới, tình làng nghĩa xóm từ đây cũng trở nên gắn kết, keo sơn hơn.
Hoài Thanh – Diễm Phước
Theo KT&ĐU