Sự kiện hot
4 năm trước

Hiệp định EVFTA: "Cú hích" cho ngành nông sản Việt Nam

Hiệp định EVFTA đem lại cơ hội cho ngành nông nghiệp Việt Nam trong việc thu hút các dự án đầu tư lĩnh vực nông nghiệp, giúp chuyển giao công nghệ, cách thức tổ chức sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp, từ đó giúp tăng sản lượng, chất lượng nông sản

Bộ Công Thương dự báo ngành nông nghiệp được dự báo là một trong những ngành hưởng lợi lớn nhất từ Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA).

Thời điểm Khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực, nhiều mặt hàng của Việt Nam sẽ được giảm thuế về 0% như: gạo tấm, các sản phẩm từ hạt… Đối với mặt hàng rau củ quả, EU cũng cam kết xóa bỏ thuế khi EVFTA có hiệu lực. Đối với thuỷ sản, khoảng 50% số dòng thuế sẽ được xoá bỏ, 50% dòng thuế còn lại cũng sẽ được xoá bỏ trong lộ trình 5 – 7 năm.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Với tốc độ tăng trưởng xuất khẩu của một số ngành nông sản sẽ tăng đáng kể, cho tới năm 2025 nhờ EVFTA. Mặt hàng gạo được dự đoán tăng trưởng thêm 65% vào năm 2020, đường(8%), thịt lợn (4%), lâm sản (3%), thịt gia súc gia cầm (4%), đồ uống và thuốc lá (5%). Ngoài ra, việc hội nhập cũng tạo thêm việc làm giúp người nông dân chuyển đổi từ nông nghiệp sang các lĩnh vực khác, góp phần cải thiện đời sống cho người nông dân.

Hiệp định EVFTA cũng đem lại cơ hội cho ngành nông nghiệp Việt Nam trong việc thu hút các dự án đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp, giúp chuyển giao công nghệ, cách thức tổ chức sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp, từ đó giúp tăng sản lượng, chất lượng nông sản, giúp nông sản Việt Nam tiến dần tới các tiêu chuẩn khắt khe của thị trường châu Âu.

Với tính chất sản xuất nông nghiệp còn manh mún, nhỏ lẻ, người nông dân và doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp lại càng phải chủ động đẩy mạnh nâng cao năng lực sản xuất và chất lượng sản phẩm, tìm kiếm thị trường, xây dựng thương hiệu cho sản phẩm nông sản Việt Nam.

EU là thị trường nhập khẩu lớn thứ 2 thế giới, với mức chi nhập khẩu hàng năm khoảng 2.338 tỷ USD, trong khi thị phần xuất khẩu của Việt Nam ở EU khoảng 2% với chỉ hơn 42% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU được hưởng mức thuế 0% theo Chương trình ưu đãi thuế quan phổ cập (GSP).

Do đó với những cam kết mở cửa thị trường mạnh mẽ, cam kết xóa bỏ thuế nhập khẩu lên tới gần 100% biểu thuế trong EVFTA, cơ hội gia tăng xuất khẩu của nước ta là rất lớn, nhất là đối với những mặt hàng lợi thế như dệt may, da giày, nông thủy sản, đồ gỗ... 

Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh khẳng định: Hiệp định FTA nói chung và EVFTA giúp mở rộng hơn nữa thị trường XK những sản phẩm nông sản, thủy sản. Từ đó, nông sản Việt Nam có thể mở rộng thị trường XK, giảm phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc và Đông Nam Á.

“Hiệp định EVFTA là cú hích cho XK nông sản hồi phục, cơ hội tiềm năng để DN Việt Nam tăng trưởng cũng như góp phần đa dạng hóa thị trường XK các mặt hàng nông, lâm, thủy sản có thế mạnh của Việt Nam” - Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nêu rõ.

Tuy nhiên để tận dụng được những cơ hội mở rộng thị trường XK nông sản thông qua các FTA mang lại, các chuyên gia kinh tế cũng khuyến nghị các DN cần nâng cao chất lượng sản phẩm, bởi nếu không đáp ứng được yêu cầu sẽ mất cơ hội khai thác thị trường.

Để làm được điều này đòi hỏi các ngành hàng cần tiếp tục tổ chức lại sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm; tổ chức lại các hiệp hội, ngành hàng để có sự liên kết chặt chẽ giữa các DN XK, liên kết chuỗi giá trị sản xuất giữa người sản xuất và DN. Qua đó khai thác tốt thế mạnh, làm ra sản phẩm chất lượng, bảo đảm tiêu chuẩn thì không sợ không có thị trường XK nông sản thời kỳ hậu Covid-19.

Huy Đức
Theo KTDU

Từ khóa: