Sự kiện hot
4 năm trước

Hiệp hội Chè Việt Nam: Điểm tựa vững chắc cho doanh nghiệp ngành chè

Hiệp hội Chè Việt Nam tiền thân là Hội đồng Sản xuất Kinh doanh ngành Chè được thành lập theo Quyết định số 333-NN-TCCB/QĐ ngày 19/7/1988 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Công nghiệp thực phẩm và được đổi tên thành Hiệp hội Chè Việt Nam theo Quyết định số 435-NN-TCCB/QĐ ngày 08/11/1989 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Công nghiệp thực phẩm (nay là Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn). Hiệp hội có tên giao dịch tiếng Anh là Vietnamese Tea Association, viết tắt là VITAS.

Hiệp hội Chè Việt Nam là tổ chức xã hội - nghề nghiệp của các tổ chức, cá nhân trực tiếp hoặc gián tiếp hoạt động sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng hoặc nghiên cứu khoa học - công nghệ của ngành chè Việt Nam; tự nguyện thành lập, nhằm mục đích tập hợp, đoàn kết, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của hội viên, hỗ trợ nhau hoạt động có hiệu quả, phát triển bền vững và góp phần vào việc phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Hiệp hội hoạt động trên phạm vi toàn quốc và trong các lĩnh vực liên quan đến sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng chè. Khi mới thành lập, Hiệp hội hoạt động với 16 thành viên sáng lập. Cho đến nay, Hiệp hội có 135 Hội viên, trong đó Hội viên là tổ chức (doanh nghiệp, Hợp tác xã) là 127; Hội viên cá nhân là 08 Hội viên.

Các Hội viên tiêu biểu của Hiệp hội gồm: Tổng Công ty Chè Việt Nam, Công ty TNHH Chè Á Châu, Công ty Cổ phần Chè Hà Tĩnh, Công ty TNHH MTV đầu tư và phát triển Chè Nghệ An, Công ty Cổ phần Chè Cờ đỏ, Công ty Cổ phần Chè Mỹ Lâm, Công ty TNHH MTV Chè Phú Bền, Công ty Cổ phần Chè Nghĩa Lộ, Công ty Cổ phần Chè Thái Bình, Công ty TNHH Thế Hệ Mới, Công ty CP Xuất nhập khẩu Nam Anh, Công ty TNHH Fin-lay Việt Nam, Doanh nghiệp Phương Nam, Công ty Chè Phú Đa...

Từ khi thành lập đến nay, Hiệp hội Chè Việt Nam luôn phát huy vai trò của mình, thực sự là cầu nối giữa các doanh nghiệp chè với các cơ quan quản lý nhà nước; đề xuất, đóng góp ý kiến xây dựng và phản biện các chính sách liên quan đến sản xuất nông nghiệp (trồng chè), công nghiệp (chế biến, chế tạo thiết bị chè), thương mại (xuất nhập khẩu chè)… nhằm sửa đổi bổ sung hoặc ban hành mới các chính sách phù hợp với thực tiễn từng thời kỳ, góp phần tháo gỡ khó khăn phát sinh trong hoạt động sản xuất kinh doanh cho các hội viên và cho toàn ngành chè Việt Nam. Hiệp hội tích cực trong việc kiến nghị, đề xuất với chính phủ, các Bộ ngành và địa phương xây dựng chiến lược phát triển ngành theo hướng bền vững và nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm chè.

Hiệp hội luôn làm tốt vai trò xúc tiến thương mại trong và ngoài nước, thông qua các chương trình hội chợ triển lãm, hội chợ trong nước và quốc tế, tổ chức tham gia các lễ hội văn hóa trà,… nhằm quảng bá vị thế của các Hội viên trong ngành chè Việt Nam và mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm.

Hiệp hội tổ chức thành công Cuộc thi Nghệ nhân Trà (Tea Master Cup) Việt Nam từ năm 2015 đến nay, bắt đầu vào năm 2015 tại Thành phố Thái Nguyên, năm 2016, 2017 tại Hà Nội. Năm 2018, Hiệp hội Chè Việt Nam đăng cai tổ chức thành công Tea Master Cup Quốc tế tại cố đô Huế và Việt Nam giành giải Vô địch nội dung Trà, đồ ăn kèm. Năm 2019, Hiệp hội Chè Việt Nam tiếp tục tổ chức thành công Cuộc thi Tea Master Cup lần thứ 4 tại Hà Giang, giúp quảng bá cho các sản phẩm trà đặc sản và tôn vinh những Nghệ nhân Pha trà, xây dựng hình ảnh trà và Văn hóa Trà của Việt Nam đặc biệt là giới thiệu về các vùng chè và các sản phẩm Chè Shan tuyết cổ thụ.

Trong năm 2019, Hiệp hội đã phối hợp với các Cơ quan chức năng của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, các Tổ chức Phi Chính phủ, các Doanh nghiệp Quốc tế tại Việt Nam và các Doanh nghiệp Chè lớn tham gia Nhóm Hợp tác Công tư về Chè (PPP Chè) nhằm hỗ trợ và thúc đẩy sản xuất chè an toàn và phát triển bền vững. Bước đầu Nhóm đã triển khai đi vào hoạt động và hoàn thiện thủ tục đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn ra Quyết định Thành lập nhóm.

Thực hiện Chương trình xúc tiến thương mại Quốc gia được Bộ Công Thương phê duyệt Đề án thông tin tuyên truyền, Hiệp hội đã đăng mời phóng viên các Tạp chí Chuyên ngành Thế giới sang Việt Nam tìm hiểu thực tế và viết bài giới thiệu ngành Chè trên các Tạp chí Thế giới như: Tạp chí Coffee and Tea Russia, Tạp chí Master Talk và Tạp chí Tea and Coffee trade jouner. Trong Dự án Chè Shan Tuyết, Hiệp hội đã tổ chức và hỗ trợ các đơn vị xây dựng định hướng chính sách phát triển cho Chè Shan tại 05 tỉnh: Lào Cai, Điện Biên, Hà Giang, Sơn La và Yên Bái.

Hiệp hội thường xuyên cung cấp cho hội viên thông tin về thị trường, giá cả, phân tích, dự báo thị trường, tiến bộ về khoa học công nghệ, định hướng các hoạt động sản xuất kinh doanh cho các hội viên. Hiệp hội cùng các tổ chức hỗ trợ quốc tế đã giúp Hội viên thực hiện các dự án phát triển chè bền vững và đến nay đã có trên 10 đơn vị thực hiện chứng nhận RA và 13 doanh nghiệp thực hiện mô hình tổ đội bảo vệ thực vật tập trung.

Hiệp hội có mối quan hệ mật thiết với Ủy ban Chè Thế giới và các Hiệp hội Chè của các nước trên thế giới để có thông tin về sản xuất và tiêu thụ chè trên thế giới, đồng thời tranh thủ sự ủng hộ của các nước trong quá trình hội nhập với ngành chè thế giới.

Trong thời gian tới, Hiệp hội Chè Việt Nam tăng cường mở rộng phạm vi, kết nạp thêm nhiều Hội viên, tổ chức, cá nhân đặc biệt là các nhà khoa học, các chuyên gia đầu ngành liên quan đến tổ chức và hoạt động của Hiệp hội. Tập trung xây dựng mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị sản phẩm chè, chú trọng vấn đề an toàn thực phẩm, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.

Tiếp tục nghiên cứu, kiến nghị, đề xuất với Chính phủ, các Bộ ngành và địa phương quy hoạch xây dựng chiến lược phát triển ngành chè trên từng địa phương và cả nước theo hướng nhà máy chế biến gắn với vùng nguyên liệu, sản xuất theo chứng nhận, giúp ngành chè Việt Nam phát triển bền vững.

Vĩnh Long
Theo Báo Đời sống và Tiêu dùng

Từ khóa: