Sự kiện hot
5 năm trước

Hiệp hội Chè Việt Nam: Hội thảo tổng kết ngành chè 2019

Sáng 29/11 tại Hà Nội, Hiệp hội Chè Việt Nam tổ chức Hội thảo tham vấn chính sách "Phát triển bền vững chè shan tuyết vùng núi cao của Việt Nam" do Cơ quan phát triển Pháp (AFD) tài trợ, Hợp tác công tư ngành chè do Grow Asia và IBAN tài trợ và tổng kết ngành chè năm 2019.

Đến dự hội thảo có TS Nguyễn Hữu Tài - Chủ tịch Hiệp hội Chè Việt Nam; các đồng chí Phó chủ tịch Hiệp hội; ông Hoàng Vĩnh Long - Phó Tổng thư ký kiêm Chánh văn phòng Hiệp hội Chè Việt Nam; các đồng chí Phó chỉ tịch Hiệp hội đại diện Lãnh đạo các Cục, Vụ, Trung tâm của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Lãnh đạo các Sở Nông nghiệp và PTNT các tỉnh có chè Shan như Hà Giang, Yên Bái, Sơn La, Điện Biên, Lào Cai cùng Ban chấp hành Hiệp hội và đại diện các doanh nghiệp Chè.

Các đại diện đơn vị tham dự hội thảo
Các đại diện đơn vị tham dự hội thảo

Mở đầu chương trình, ông Hoàng Vĩnh Long - Phó Tổng Thư ký Hiệp hội kiêm Chánh văn phòng Hiệp hội Chè Việt Nam đã báo cáo tổng kết hoạt động của Hiệp hội năm 2019, những hoạt động đã làm được và những hoạt động chưa làm được.

Đồng thời, nêu những khó khăn và thách thức ngành chè đang đối mặt cùng thảo luận đưa ra những quyết sách để giải quyết khó khăn mà ngành chè đang gặp phải. Cụ thể, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu nên trong mấy năm trở lại đây thời tiết thay đổi khắc nghiệt.

Bước vào niên vụ 2019, thời tiết các tỉnh Miền trung và các tỉnh phía Bắc nắng hạn kéo dài, dịch bệnh làm ảnh hưởng đến quá trình sinh trưởng phát triển của cây chè. Sản lượng chè búp tươi 6 tháng đầu năm của toàn ngành giảm khoảng 10 % so với cùng kỳ.

Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Quốc Vọng chia sẻ các đặc điểm y dược đặc biệt quan trọng của chè Shan cổ thụ
Các đại diện đơn vị tham dự hội thảo

Giá chè xanh xuất khẩu bị sụt giảm, thị trường thu hẹp. Thị trường chè thế giới chững lại vào các tháng cuối năm, ảnh hưởng không nhỏ đến việc sản xuất, bảo quản và tiêu thụ của các Công ty trong toàn ngành. Tuy nhiên, ngay từ quý I, Hiệp hội đã tiến hành Đại hội nhiệm kỳ V, chỉ ra được những điểm yếu, mạnh, cơ hội và thách thức của toàn ngành và đã đưa ra các giải pháp khắc phục trong nhiệm kỳ mới.

Do yêu cầu ngày càng khắt khe của thị trường nên các Doanh nghiệp đã ý thức sâu sắc hơn về vấn đề dư lượng, chất lượng, phụ gia, yêu cầu thị trường nên có ứng phó khá nhịp nhàng và kịp thời với các hiệu ứng. Sự vào cuộc tuy chưa kịp thời, tuy nhiên cũng đã có tác dụng ngăn chặn tình trạng sản xuất chè trộn chất phụ gia của Bộ Nông nghiệp và ở một số địa phương đã thể hiện sự quan tâm của chính quyền trong công tác quản lý khi ngành hàng và doanh nghiệp yêu cầu.

Toàn cảnh hội thảo
Các đại diện đơn vị tham dự hội thảo

Kết quả sản xuất toàn ngành chè cho thấy, 10 tháng qua, sản phẩm chính phẩm đạt 165 ngàn tấn, ước cả năm đạt 185 ngàn tấn. Xuất khẩu chính ngạch trong 10 tháng đạt 108 ngàn tấn, tăng 5% so cùng kỳ 2018, ước cả năm đạt 130 ngàn tấn. Cơ cấu sản phẩm là 50% chè đen, 49% chè xanh và 1% chè khác. Giá xuất khẩu bình quân 10 tháng đạt 1.750 USD/tấn. Giá nội tiêu bình quân đạt 150.000 - 160.000 đồng/kg (7.000USD/tấn). Tổng doanh thu ngành chè đạt 560 triệu USD.

Đặc biệt, trong phương hướng hoạt động năm 2020, Hiệp hội cũng xác định rõ các thị trường tiêu thụ cụ thể như sau: với thị trường Châu Âu cho các sản phẩm chè an toàn chất lượng cao, chè hữu cơ và các loại chè đặc sản. Thị trường Trung Đông thì duy trì chất lượng và an toàn các sản phẩm chè xanh. Tập trung khai thác tiềm năng của thị trường Trung Quốc đại lục. Nâng cao chất lượng và uy tín để tiếp tục duy trì và nâng cao sản lượng tại thị trường Đài Loan - Trung Quốc. Tại thị trường Đông Nam Á thì đa dạng hóa sản phẩm. Thị trường Mỹ thì năng sản lượng. Cuối cùng, chú trọng thị trường nội tiêu cả về chất lượng, chủng loại, an toàn và tuyên truyền quảng bá.

Tại phiên tham vấn chính sách "Phát triển bền vững chè Shan tuyết vùng núi cao của Việt Nam", Giáo sư - Tiến sĩ Nguyễn Quốc Vọng đã nêu các nội dung trong báo cáo "Định hướng phát triển cho chè Shan Việt Nam".

Trong đó, giáo sư cũng nhấn mạnh rằng chè shan là sản phẩm hữu cơ gắn tự nhiên 100%, gắn với đặc trưng về vùng sản xuất, người sản xuất và cách thức sản xuất, chỉ do người dân tộc thiểu số chăm sóc và cách thức sản xuất chủ yếu mang tính chất thủ công. Nếu được đẩy mạnh tiếp thị ở trong và ngoài nước sẽ góp phần nâng cao giá trị sản phẩm chè nói chung và chè shan tuyết cổ thụ nói riêng. Cũng tại hội thảo này, Tiến sĩ lần đầu tiên công bố các đặc điểm y dược đặc biệt quan trọng và có lợi cho sức khỏe của chè Shan cổ thụ. Ngoài ra, đại diện các tỉnh có chè Shan và doanh nghiệp đã đóng góp ý kiến đề xuất các hoạt động tiếp theo để báo cáo đi vào thực tiễn tại mỗi tỉnh.

Các đơn vị, cá nhân vinh dự được nhận kỷ niệm chương của Hiệp hội Chè Việt Nam
Các đại diện đơn vị tham dự hội thảo

Đến phiên Hợp tác công tư ngành chè Việt Nam giai đoạn 2020 -2025, đại diện các nhóm công là các Cục, Vụ, Trung tâm thuộc Bộ Nông nghiệp và PTNT, khối tư các tổ chức NGO như IDH và đại diện các tập đoàn lớn như Unilever, URC...đã đánh giá các nội dung hoạt động trong thời gian qua. Qua đó, định hướng hoạt động thời gian tiếp theo, đồng thời lắng nghe ý kiến đóng góp của doanh nghiệp để nâng cao hiệu quả hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp của khối công.

Cũng tại hội thảo, Hiệp hội Chè đã trao kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp Phát triển chè Việt Nam” cho các đơn vị, cá nhân có đóng góp tích cực vào sự phát triển của ngành chè Việt Nam.

Bảo Anh
Theo Báo Đời sống & Tiêu dùng

Từ khóa: