Dantin - Vừa qua, báo ĐS&TD nhận được đơn phản ánh cùng với nhiều chứng cứ tố cáo bà Bùi Trân Phượng - Hiệu trưởng nhà trường đã lợi dụng chức vụ thực hiện hàng loạt sai phạm nghiêm trọng trong quản lý và tài chính, “ém nhẹm” doanh thu và lộng quyền gây bức xúc cho các cổ đông trong HĐQT Đại học Hoa Sen.
Bà Bùi Trân Phượng – Hiệu Trưởng trường Đại học Hoa Sen đang bị cổ đông tố “lộng quyền”
Hiệu trưởng làm trái quy định pháp luật
Đơn phản ánh của cổ đông trường cho hay, vụ việc được khơi nguồn từ việc thành lập Công ty TNHH Nhà hàng Khách sạn và Du lịch Vĩnh An (Cty Vĩnh An) với sự góp vốn thành lập của 5 cá nhân là: bà Bùi Trân Phượng (25%), bà Phạm Thị Thủy (25%), ông Đinh Hùng (20%), ông Nguyễn Mạnh Dũng (20%) và bà Phan Thị Thủy Tiên (10%). Trong số những người góp vốn thành lập Cty Vĩnh An, bà Thủy và bà Phượng là 2 người đứng ra đại diện ĐH Hoa Sen để góp 4 tỉ đồng (chiếm 50%) vốn thành lập công ty này. Thế nhưng, ngay từ ban đầu, bà Phượng đã không thực hiện theo ủy quyền của HĐQT ĐH Hoa Sen mà chỉ góp 600 triệu và đến tháng 8/2012 bà mới bổ sung vốn góp theo đúng quy định để thành lập Cty Vĩnh An.
Không dừng lại ở đó, trong quá trình đào tạo, quản lý tài chính giữa ĐH Hoa Sen và Cty Vĩnh An, theo đơn phản ánh, bà Phượng lại tiếp tục có nhiều sai phạm khác.
Trước đó, Cty Vĩnh An được thành lập với tư cách là CTCP do ĐH Hoa Sen và Công ty Tangka góp vốn để thực hiện dự án Vatel (Vatel được biết đến là một hệ thống trường quốc tế chuyên đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao ở các cấp quản lý cho ngành Du lịch, Khách sạn, Nhà hàng - PV). Dự án này cũng đã được Bộ GD&ĐT cấp phép thực hiện theo Quyết định số 2239/QĐ-BGDĐT ban hành ngày 15/6/2012. Tuy nhiên, trước khi được cấp phép cho chương trình đi vào hoạt động thì ngày 18/5/2012, ĐH Hoa Sen đã bị thanh tra Bộ GD&ĐT xử phạt vì tuyển sinh và mở lớp đào tạo chương trình Vatel khi chưa được sự cho phép của Bộ. Sau đó, thanh tra Bộ GD&ĐT tiếp tục xử phạt Cty Vĩnh An vì đã giảng dạy chương trình Vatel trái quy định pháp luật, ký hợp đồng chuyên môn để đào tạo chương trình Vatel và thu phí vượt mức quy định của Bộ.
Một trong những nội dung phản ánh đáng chú ý là bà Phượng ủy quyền cho Cty Vĩnh An trực tiếp ký hợp đồng thuê giảng viên giảng dạy các môn thuộc chương trình cử nhân Khách sạn - Nhà hàng Quốc tế Vatel, dẫn đến việc một số giảng viên được lựa chọn giảng dạy trong chương trình không đủ trình độ chuyên môn, bằng cấp để có thể đáp ứng nhu cầu giảng dạy của trường. Cụ thể, có 7 giảng viên không bằng thạc sỹ, 1 giảng viên không bằng cử nhân, 3 giảng viên không có văn bằng, chứng chỉ hoặc giấy chứng nhận đủ trình độ tiếng Anh C1 khung tham chiếu Châu Âu hoặc tương đương.
Việc thu học phí trực tiếp của Cty Vĩnh An theo nội dung phản ánh tiếp tục thể hiện việc làm sai trái của bà Hiệu trưởng khi bà là người điều hành, đại diện theo pháp luật của Vĩnh An. Mức học phí của sinh viên chương trình Vatel do Cty Vĩnh An trực tiếp thu trong các năm 2012, 2013 và 2014 đã lên đến con số gần 16 tỉ đồng. Với số tiền học phí thu được, Cty này không hề chuyển về cho ĐH Hoa Sen theo như hợp đồng đã ký kết trước đó, đồng thời, số học phí đã thu vượt quá quy định phải thu đối với các học viên trong trường. Việc làm này gây thiệt hại lớn về tài chính cho ĐH Hoa Sen.
Cổ đông ĐH Hoa Sen thêm phần bức xúc hơn khi Cty Vĩnh An tiếp tục vi phạm các quy định khác về thuế, phát hành hóa đơn, kinh doanh những ngành nghề không có trong giấy phép kinh doanh, thu học phí trực tiếp từ người học và phát hành hóa đơn mặc dù không có chức năng đào tạo giáo dục. Và tất cả những vụ việc này, bà Phượng với tư cách là người đứng đầu ĐH Hoa Sen và Cty Vĩnh An chưa bao giờ báo cáo bất kỳ thông tin gì liên quan đến hoạt động kinh doanh của Vĩnh An cho cổ đông ĐH Hoa Sen, mặc dù số vốn ĐH Hoa Sen góp vào chiếm đến 50%.
… đến “gắp lửa bỏ tay người”
Theo đơn phản ánh, trong suốt quá trình giữ cương vị đứng đầu tại ĐH Hoa Sen và Cty Vĩnh An, có khoảng 119 tỉ đồng tiền học phí được chuyển vào các khoản “Học phí thu trước” và “Nợ phải trả” được bà Phượng phê duyệt và ký báo cáo tài chính hàng năm, thay vì doanh thu tích lũy từ năm tài chính 2010 đến 2013. Và chính điều này đã làm giảm đi đáng kể doanh thu của ĐH Hoa Sen, làm sai lệch nghĩa vụ nộp thuế của nhà trường và dẫn đến hiện nay ĐH Hoa Sen đang phải nộp phạt với số tiền nhiều tỉ đồng. Cổ đông ĐH Hoa Sen đang tỏ ra bức xúc và đặt ra nghi vấn: “Số tiền 119 tỉ đồng đã đi đâu khi người kí duyệt tất cả những khoản này lại là bà Hiệu trưởng Bùi Trân Phượng?”.
Theo điều tra của phóng viên, bà Phạm Thị Thuỷ - Phó Hiệu trưởng đã cho biết, khi sự việc bị phanh phui, bà Phượng đã quay đầu đổ mọi trách nhiệm lên bà Phó Hiệu trưởng với lý do bà Thủy là người phụ trách tài chính của trường, còn bà chỉ ký báo cáo tài chính chứ không hề biết nội dung sự việc.
Nhiều sai phạm nghiêm trọng khác của bà Hiệu trưởng tiếp tục bị lộ sáng trong đơn phản ánh. Theo đó, bà Phượng giữ thêm chức vụ Trưởng Ban quản lý dự án Nguyễn Văn Tráng nên có quyền được quyết định “đầu tư mua sắm tài sản thiết bị ngoài kế hoạch có giá trị không vượt quá 10% tổng giá trị tài sản theo sổ sách kế toán; không vượt quá 20% giá trị đầu tư nếu đã có kế hoạch được Hội đồng quản trị duyệt. Được quyết định bán, thanh lý tài sản trang thiết bị có giá trị không vượt quá 1 tỉ đồng Việt Nam”. Thế nhưng, dự án này đã phát sinh hơn 22,9 tỉ đồng và điều này cho thấy bà Phượng đã không tuân thủ quyền hạn và trách nhiệm của ban quản lý dự án.
Ngoài ra, bà Phượng còn tiếp tục có vi phạm khác khi cố tình ký hợp đồng Tư vấn với Công ty TNHH Đàng Hoàng, một công ty không có năng lực thực hiện hợp đồng, chưa có kinh nghiệm và mới thành lập 20 ngày trước khi ký kết hợp đồng với ĐH Hoa Sen. Việc ký kết hợp đồng này gây thiệt hại lớn cho ĐH Hoa Sen khi giá trị hợp đồng khoảng 1,4 tỉ đồng, cao hơn 10 lần so với một hợp đồng kiểm toán thường niên của ĐH Hoa Sen và được ký kết theo hình thức chỉ định.
Với hàng loạt sai phạm trên, cổ đông ĐH Hoa Sen đang cần làm rõ sự việc để quy trách nhiệm cụ thể, lấy lại số tiền bị thất thoát qua những sai phạm của bà Phượng để trả lại cho trường. Đứng ở vị trí là Hiệu trưởng ĐH Hoa Sen, bà Bùi Trân Phượng cũng chính là người đại diện triển khai các nhiệm vụ được giao, điều hành hoạt động của trường, do đó, bà này phải chịu trách nhiệm trước các quyết định của mình.
Việc làm trái pháp luật, thao túng quyền lực để thực hiện, bao che các sai phạm của bà Hiệu trưởng sẽ được giải quyết như thế nào đang là câu hỏi lớn mà các cổ đông ĐH Hoa Sen cần lời giải đáp thỏa đáng?
Ngày 2/8/2014 tới đây sẽ diễn ra Đại hội đồng cổ đông bất thường năm 2014 của ĐH Hoa Sen, Báo ĐS&TD tiếp tục thông tin đến bạn đọc về vụ việc.
Thi Trần