Với tinh thần đổi mới mạnh mẽ, đoàn kết nhất trí cao, trong 6 tháng đầu năm 2023, Đảng bộ, chính quyền huyện Cao Phong (Hòa Bình) đã và đang nỗ lực khắc phục khó khăn, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện quyết liệt các mục tiêu, nhiệm vụ, đạt nhiều kết quả quan trọng, góp phần làm cho diện mạo của huyện thêm khởi sắc.
Ông Quách Văn Ngoan - Chủ tịch UBND huyện Cao Phong, cho biết, trong năm 2022, mặc dù dịch bệnh Covid-19 đã được kiểm soát, tạo điều kiện thuận lợi cho phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội nhưng vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức. Bám sát sự chỉ đạo, điều hành của UBND tỉnh Hòa Bình, của Huyện ủy và Hội đồng nhân dân huyện, UBND huyện đã tập trung chỉ đạo, điều hành quyết liệt, thống nhất, kịp thời, linh hoạt, hiệu quả, có trọng tâm, trọng điểm các nhiệm vụ, giải pháp đề ra trên các lĩnh vực. Đồng thời ứng phó, xử lý kịp thời các vấn đề phát sinh; vừa tập trung phòng, chống dịch bệnh Covid-19, vừa đẩy mạnh phục hồi và phát triển kinh tế. Qua đó, tình hình kinh tế - xã hội của huyện đã đạt được những kết quả tích cực, toàn diện trên các lĩnh vực.
Cùng với đó, ông Ngoan cho biết thêm, trong tổng số 22 chỉ tiêu chủ yếu có 20 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch, có 02 chỉ tiêu không đạt kế hoạch. Các Chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn huyện được triển khai quyết liệt, hiệu quả. An sinh xã hội và phúc lợi xã hội được quan tâm thực hiện. Văn hóa, giáo dục, đào tạo, lao động, việc làm được chú trọng. Quốc phòng, an ninh chính trị và trật tự xã hội ổn định.
Cụ thể, về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2023 trên địa bàn huyện Cao Phong về lĩnh vực nông nghiệp trong những tháng đầu năm, thời tiết tương đối thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp, công tác gieo trồng, thu hoạch vụ chiêm xuân hoàn thành đúng kế hoạch...Diện tích cây ăn quả có múi hiện nay là 1.744,4 ha tính đến thời điểm báo cáo bà con đã thu hoạch 100% diện tích các loại cam, quýt, bưởi niên vụ 2022-2023. Công tác theo dõi, kiểm tra, giám sát việc sản xuất cam theo tiêu chuẩn VietGAP được quan tâm, chú trọng. Tiếp tục nâng cao chất lượng các sản phẩm OCOP đã được công nhận. Huyện đang tích cực triển khai Đề án tái canh cây ăn quả có múi trên địa bàn đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.
Ngoài ra, cây trồng vụ đông năm 2022-2023 diện tích 562,61 ha đạt 106% kế hoạch, bằng 102,4% so với cùng kỳ năm 2022; diện tích gieo trồng vụ chiêm xuân năm 2023 đạt 4.897,35 ha đạt 99,64% kế hoạch, bằng 112,39% so với cùng kỳ, trong đó cây công nghiệp mía lưu vụ năm 2022-2023 diện tích 2.372,7ha trong đó mía tím 492,1 ha, mía trắng ép nước 1.880,6 ha; mía niên vụ 2023-2024 diện tích 2.600 ha, đạt 100% kế hoạch bằng 109,5% so với cùng kỳ. Cây công nghiệp khác 91,5 ha. Cây lương thực có hạt 1.356,6 ha, sản lượng ước đạt 7.342 tấn, đạt 100% kế hoạch, bằng 108,46% so với cùng kỳ. Cây trồng khác 849,25 ha, đạt sản lượng và năng xuất theo kế hoạch đề ra.
Về lĩnh vực chăn nuôi phát triển ổn định duy trì việc tiêm phòng cho vật nuôi, đảm bảo không để dịch bệnh bùng phát trên diện rộng gây thiệt hại cho người nông dân; triển khai tiêm phòng vắc xin cho gia súc, gia cầm, vật nuôi theo kế hoạch. Trong 6 tháng đầu năm trên địa bàn huyện không có dịch bệnh lớn xảy ra đối với gia súc, gia cầm. Diện tích nuôi trồng thủy sản đạt 133,94 ha với 470 lồng cá các loại xã Thung Nai 370 lồng, xã Bình Thanh 100 lồng, hiện nay thủy sản nuôi sinh trưởng và phát triển tốt.
Công tác quản lý, bảo vệ và phòng cháy chữa cháy rừng được thực hiện tốt. Trong 6 tháng đầu năm 2023, toàn huyện trồng được 45 nghìn cây phân tán và 35,02 rừng trồng tập trung bằng 35,02% kế hoạch. Độ che phủ rừng đạt 38,82% đạt 102,15% so với Nghị quyết HĐND huyện giao. Tổ chức trực phòng chống thiên tai- tìm kiếm cứu nạn 24/24 giờ theo quy định. Thực hiện tốt việc phân cấp quản lý các công trình thủy lợi, vận hành công trình, phân phối nước tưới, tăng cường kiểm tra các hồ đập kênh mương trên địa bàn, đảm bảo nguồn nước tưới phục vụ sản xuất. Triển khai kế hoạch toàn dân làm thủy lợi đợt I năm 2023. Thực hiện tốt công tác quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp và an toàn vệ sinh thực phẩm trong lĩnh vực nông nghiệp.
Tiếp đó, chương trình xây dựng Nông thôn mới (NTM) tiếp tục được đẩy mạnh, bộ mặt nông thôn có nhiều đổi mới, hạ tầng kinh tế - xã hội được đầu tư xây dựng, đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân được nâng lên, an sinh xã hội được đảm bảo; các chương trình, dự án đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, nông dân lồng ghép với công tác giảm nghèo đạt hiệu quả. Huyện đã chỉ đạo, hướng dẫn các xã tập trung triển khai thực hiện Chương trình xây dựng NTM theo kế hoạch đã đề ra, phấn đấu xã Thung Nai, xã Thạch Yên hoàn thành các tiêu chí xây dựng NTM trong năm 2023.
Đến nay, đã có 07 xã đạt các tiêu chí về xây dựng NTM gồm các xã Nam Phong, Tây Phong, Dũng Phong, Thu Phong, Bắc Phong, Hợp Phong, Bình Thanh, bình quân tiêu chí các xã đạt 17,89 tiêu chí/1 xã. Tiếp tục duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí đã đạt đối với các xã đạt chuẩn NTM, phấn đấu xây dựng xã Bắc Phong đạt chuẩn NTM nâng cao trong năm 2023. Hiện nay huyện đã đạt 4/9 tiêu chí NTM, còn 5 tiêu chí đang thực hiện theo Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM, quy định thị xã, thành phố trực thuộc cấp tình hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM và Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM nâng cao giai đoạn 2021-2025.
Về giá trị sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp ước đạt 204,8 tỷ đồng. Hệ thống lưới điện thường xuyên được đầu tư nâng cấp đảm bảo nhu cầu sản xuất và tiêu dùng. Tiến hành ra soát các cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm trên địa bàn huyện. Tuyên truyền vận động nhân dân tích cực tham gia hưởng ứng Chiến dịch Giờ Trái đất năm 2023. Tổng mức đầu tư xây dựng cơ bản đạt 58 tỷ đồng công tác quản lý Nhà nước về hoạt động xây dựng được tăng cường. Thực hiện tốt công tác quản lý, sử dụng khai thác các công trình cơ sở hạ tầng kỹ thuật đô thị và quản lý về cảnh quan môi trường đô thị. Đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện quy hoạch xây dựng vùng Cao Phong tỷ lệ 1/25000 đến năm 2040; quy hoạch chung xây dựng tỷ lệ 1/5000 đô thị Dũng Phong...
Tiếp tục, quan tâm bố trí vốn đầu tư, thực hiện việc giải quyết các nội dung liên quan đến các công trình giao thông trên địa bàn huyện nhằm nâng cao, cải tạo kết cấu hạ tầng giao thông, đặc biệt là một số dự án giao thông trọng điểm, kết nối hệ thống giao thông trên địa bàn. Thực hiện tốt công tác quản lý, bảo trì đường bộ, công tác giao thông nông thôn, thường xuyên duy tu bảo dưỡng đảm bảo các tuyến đường trên địa bàn huyện được duy trì thông suốt. Triển khai kết hợp lồng ghép các nguồn vốn để tiếp tục đẩy mạnh phát triển giao thông nông thôn gắn với chương trình xây dựng NTM; tích cực vận động Nhân dân tham gia xây dựng đường giao thông nông thôn theo cơ chế “Dân làm, Nhà nước hỗ trợ” để nâng cao tỷ lệ cứng hóa mặt đường...
Đặc biệt, trong công tác Giáo dục và Đào tạo tập trung chỉ đạo các trường học triển khai thực hiện nhiều hoạt động nhằm nâng cao chất lượng giáo dục, thực hiện đúng chương trình dạy và học theo kế hoạch năm học 2022-2023. Thực hiện tốt công tác bồi dưỡng, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên các cấp học, tổ chức và tham gia các kỳ thi, hội thi của ngành, chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục từng bước được nâng cao. Kết thức năm học 2022-2023, về cơ bản các cấp học đều đạt thành tích tốt, chất lượng giáo dục các cấp ngày càng đi vào thực chất và bền vững... Cùng với đó, một số lĩnh vực công tác khác trong 6 tháng đầu năm 2023 trên địa bàn huyện Cao Phong đã hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao so với cùng kỳ năm 2022.
Về nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2023 huyện Cao Phong giao cho các cơ quan, đơn vị, UBND các xã, thị trấn tích cực, chủ động rà soát, triển khai các nhiệm vụ, công việc đã đề ra trong năm, tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 10/NQ-HĐND ngày 22/12/2022 của HĐND huyện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023; Kế hoạch số 222/KH-UBND ngày 30/12/2022 của UBND huyện về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023./.
PHI LONG
Theo Kinhtedouong.vn