Với sự chuyển động tích cực trong phát triển kết cấu hạ tầng, trọng tâm là phát triển hạ tầng giao thông đường bộ, tỉnh Hòa Bình kỳ vọng sẽ thực hiện được mục tiêu: Phấn đấu đến năm 2025 kinh tế tỉnh Hòa Bình đạt mức trung bình của cả nước, như Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII đề ra.
Theo đó, tỉnh tăng cường huy động mọi nguồn lực đầu tư hệ thống kết cấu hạ tầng KT-XH cơ bản đồng bộ, hiện đại; trong đó tập trung nguồn vốn cho các công trình trọng điểm, cấp thiết, trọng tâm là ưu tiên phát triển hạ tầng giao thông đường bộ và hạ tầng kỹ thuật bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu nhằm bảo đảm phát triển nhanh, bền vững, thu hẹp khoảng cách vùng, miền, nâng cao đời sống Nhân dân, bảo đảm QP-AN... Đó là nhiệm vụ trọng tâm và cũng là 1 trong 4 đột phát chiến lược đã, đang được Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh tập trung lãnh đạo, chỉ đạo.
Những năm trở lại đây, hệ thống hạ tầng giao thông (HTGT) trên địa bàn tỉnh từng bước hoàn thiện theo các quy hoạch được duyệt, cơ bản đồng bộ, thông suốt. Trong đó, tỉnh đã đầu tư xây dựng một số tuyến đường đối ngoại trọng điểm mang tính liên kết vùng, như: đường Hòa Lạc - Hòa Bình, cải tạo, nâng cấp QL6 đoạn Xuân Mai - Hòa Bình, đường nối từ chùa Ba Sao đến chùa Bái Đính qua địa phận huyện Lạc Thủy. Hệ thống giao thông đối nội cũng được đầu tư liên hoàn tương ứng.
Với quan điểm phát triển kết cấu hạ tầng nói chung và HTGT nói riêng phải đi trước một bước, trong đó ưu tiên những dự án quan trọng tạo sự đột phá và có tác động lan tỏa lớn. Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đề ra nhiệm vụ: "Đẩy nhanh tiến độ hoàn thành một số dự án công trình giao thông trọng điểm để từng bước hoàn chỉnh mạng lưới giao thông theo quy hoạch; đồng thời tranh thủ các nguồn ngân sách và hỗ trợ từ T.Ư, phát huy nội lực địa phương đầu tư các công trình trọng điểm...". Mục tiêu tỉnh hướng tới là phát triển kết cấu HTGT một cách đồng bộ, hợp lý, liên hoàn giữa đường bộ và đường thủy nhằm đáp ứng nhu cầu vận tải hàng hóa và hành khách ngày một gia tăng; kết nối hợp lý với hệ thống giao thông quốc gia, vùng và nội tỉnh tạo thành hệ thống giao thông thông suốt, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu phát triển KT-XH bền vững...
Để thực hiện nhiệm vụ, mục tiêu đề ra, thời gian qua, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã quyết liệt chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các dự án giao thông trọng điểm chuyển tiếp từ giai đoạn 2016 - 2020. Tập trung các nguồn lực của tỉnh, đề xuất, kêu gọi các nguồn hỗ trợ từ T.Ư, bộ, ngành và vốn nước ngoài để ưu tiên đầu tư xây dựng các công trình giao thông mang tính đột phá trong phát triển KT - XH của tỉnh.
Cùng với các dự án đóng vai trò "sứ mệnh" tạo đột phá cho sự phát triển. Trong giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh cũng chủ trương ưu tiên và huy động nguồn lực đầu tư các tuyến đường từ Ba Sao đi Bái Đính; cầu Hòa Bình 5, 6; đường kết nối thị trấn Lương Sơn - Xuân Mai; dự án kết nối HTGT, thủy lợi tỉnh Hòa Bình với hệ thống hạ tầng giao thông quốc gia; cải tạo, nâng cấp các tuyến đường đối ngoại như QL21 (kết nối Hà Nam), QL12B (kết nối Ninh Bình), đường tỉnh 433 (kết nối Sơn La); đường vành đai 5 (kết nối khu vực vùng Thủ đô); các tuyến đường trục ngang kết nối với đường Hòa Lạc - Hòa Bình...
Bên cạnh đó, UBND tỉnh chủ trương sử dụng nguồn vốn ngân sách các cấp đầu tư xây dựng các tuyến đường kết nối những khu vực quan trọng, thúc đẩy phát triển KT-XH các huyện, thành phố. Triển khai thực hiện các dự án đầu tư xây dựng hệ thống đường tỉnh. Đồng thời phát huy mạnh mẽ phong trào làm đường giao thông nông thôn gắn với xây dựng NTM, đảm bảo ATGT vùng cao, vùng xa... Dự kiến tổng nguồn vốn đầu tư HTGT của tỉnh là 23.889.941 triệu đồng trong thực hiện Đề án "Hoàn thiện kết cấu hạ tầng KT-XH cơ bản đồng bộ hiện đại, trọng tâm là ưu tiên phát triển HTGT đường bộ và hạ tầng kỹ thuật bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2021 - 2025".
Mục tiêu, nhiệm vụ đã được đề ra, tuy nhiên, thực hiện các dự án giao thông hiện gặp nhiều khó khăn, vướng mắc liên quan đến thủ tục pháp lý; công tác GPMB, bồi thường cho các hộ bị thu hồi đất, bố trí tái định cư; việc phối hợp giữa các sở, ngành, địa phương đôi khi thiếu chặt chẽ, chưa thường xuyên... Do vậy, tại nhiều cuộc họp của UBND tỉnh, đồng chí Quách Tất Liêm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành chức năng đề cao tinh thần trách nhiệm, cùng chung tay, góp sức gánh vác công việc; không được có tư tưởng đùn đẩy trách nhiệm; có vướng mắc ở đâu phải kịp thời báo cáo UBND tỉnh để giải quyết. Mục tiêu cao nhất là hệ thống giao thông được đầu tư đồng bộ, mở rộng, tạo điều kiện thu hút đầu tư, thúc đẩy phát triển KT-XH của tỉnh.
Nhóm PV/KTDU