1 kg ngô giống cho thu 550kg - 600kg ngô bắp, cao hơn vụ ngô năm trước từ 100kg -150kg. Nhưng, giá ngô lại thấp hơn vụ trước 1.500 đồng/kg (ngô bắp), gần 2.000 đồng/kg (ngô hạt).
Ngô thu về chất đống bên đường. Ảnh: Hồng Bài
Ông Lường Văn Xuân, Chủ tịch UBND xã Đoàn Kết (Đà Bắc, Hòa Bình) cho biết: Vụ ngô năm nay cả xã trồng được trên 400 ha ngô, tăng gần 100ha so với vụ ngô năm trước. Năng suất ước tính đạt bình quân 6 tấn/ha, cao hơn vụ ngô năm 2013 hơn 1 tấn/ha. Nhiều hộ chăm sóc tốt, năng suất đạt 6,5 tấn đến 7 tấn/ha. Điển hình nhất là các hộ ở xóm Cang, xóm Khem. Ngô thu về chất đầy trong nhà, ngoài sân.
Vui lắm, khi ngô ngả màu, chuẩn bị thu hoạch, các hộ lên thăm nương không ai muốn trở về nhà. Lòng dạ người già, trẻ nhỏ đều khấp khởi, mừng vui. Mấy năm trước, thời tiết không thuận, năng suất ngô vụ cao nhất cũng chỉ đạt 4,5 đến 5 tấn/ha. Nhưng sau mỗi vụ ngô, nhà nào cũng có của ăn, của để và mua sắm được cái ti vi màu, cái xe máy đẹp, có hộ sửa lại nhà hay làm nhà mới khang trang hơn trước. Vụ ngô năm nay nhiều hộ đã dự tính làm nhiều việc lớn.
Đến thăm gia đình ông Lò Văn Qúy, xóm Cang, nhìn đống ngô chất cao chạm gầm nhà sàn, lòng cũng vui lây. Ông Qúy cho biết, vụ ngô năm nay gia đình trồng 40 kg ngô giống, ước tính thu trên 20 tấn ngô bắp. Với giá ngô như năm trước là 3.500 đồng đến 3.800 đồng/kg thì gia đình thu không dưới 70 triệu đồng, trừ các khoản chi phí như phân, giống, thuốc diệt cỏ, tiền công thuê lao động trồng, thu hoạch, cũng còn lãi trên dưới 40 triệu đồng. Nhưng giá ngô năm nay quá thấp. Đầu vụ còn bán được 2.300 - 2.500 đồng/kg ngô bắp, giữa vụ giá hạ xuống chỉ 2.000 - 2.200 đồng/kg. Giá thấp nhưng không có người mua. Cánh lái ngô năm nay thưa thớt, đến nhà nào xem ngô cũng chê ỏng chê eo.
Cũng như hộ ông Qúy, hộ ông Đông, xóm Cang trồng 50kg ngô giống, ngô thương phẩm thu về để chất đống trong nhà ngoài sân. Nhìn đống ngô, ông Đông nói: Tôi chỉ ước giá lên được 3.000 đồng/kg là mừng lắm rồi, chứ cái giá như hiện nay thì chỉ lấy công làm lãi chứ không ăn thua gì. Trong khi người dân trồng ngô đều phải đầu tư giống, phân, thậm chí cả gạo theo kiểu “ăn trước, trả sau”. Vì vậy khi thu hoạch ngô, dù giá rẻ cũng phải bán để trừ nợ.
Không hơn gì xã Đoàn Kết, người dân xã Mường Tuổng, xã Phú Cường, Phú Vinh, Ngổ Luông, Nam Sơn (huyện Tân Lạc), vựa ngô lớn của tỉnh Hòa Bình cũng lâm vào cảnh khó khăn trong việc tiêu thụ ngô.
Ông Bùi Văn Lực, Phó chủ tịch UBND xã Phú Cường đưa chúng tôi đi một vòng quanh xã để “khoe” ngô đất Phú Cường. Khoe cũng đúng. Ngô chất tràn đường, tràn ngõ. Xe ô tô lặc lè “cõng” ngô vượt dốc ra quốc lộ 6, đổ ngô vào các lò sấy. Ông Lực cho biết, nếu tính bình quân 1ha cho năng suất 5 tấn, thì vụ ngô Xuân Hè này, Phú Cường có khoảng 3.000 tấn ngô. Với giá thấp nhất của vụ ngô năm trước là 3.600 đồng/kg, thì toàn xã sẽ thu được một khoản tiền rất lớn. Tiếc rằng giá ngô năm nay hạ đến không ngờ. Đầu vụ giá 1.800 đồng, giữa vụ lên được 2.100 - 2.200 đồng/kg. Người dân không bán không có tiền tiêu. Để ngô lại chờ giá lên thì không bảo quản được, ngô sẽ bị mốc, mọt.
Một nghịch lý là, ngô bị rớt giá, nhưng vật tư nông nghiệp lại tăng giá. Bình quân 1kg ngô giống, người dân phải mua với giá 110.000 đồng. 1kg phân NPK giá 6.500 đồng, ngoài ra còn phân chuồng, công trồng, chăm sóc, thu hoạch… Tính chi li, người trồng ngô không lời lãi bao nhiêu. Hộ neo đơn, thiếu sức lao động, không có vốn đầu tư thì lỗ.
Phú Cường, Phú Vinh còn thuận đường giao thông, chi phí vận chuyển thấp. Các xã vùng cao như Nam Sơn, Bắc Sơn, Ngổ Luông, Hang Kia, đường xá đi lại khó khăn, giá cước vận chuyển cao gấp gần hai lần năm trước, người trồng ngô bán như cho. Giá ngô lại quá rẻ, một yến ngô bán tại bản không đủ tiền mua một lít xăng chạy xe máy. Vì rẻ nên đồng bào không đem đi bán. Có những hộ không có nơi bảo quản, ngô thu về để chất đống ngoài sân, trên nền đất nên mốc trắng, nảy mầm.
Ngô được mùa là do người nông dân biết đưa khoa học kỹ thuật vào sản xuất, biết trồng ngô giống mới, năng xuất cao. Vì sao ngô rớt giá? Theo như các cán bộ địa phương cho biết, nguyên nhân chính là giá cước vận tải tăng cao. Lái buôn không dám mua, vận chuyển ngô ở các xã vùng cao, đường giao thông khó khăn. Người dân trồng ngô tiêu thụ sản phẩm, phụ thuộc nhiều vào lái buôn nên dễ bị ép giá.
Thực tế ở các huyện Vân Hồ, Mộc Châu, Mai Sơn, Yên Châu, Thuận Châu… vùng đất ngô tỉnh Sơn La, ngô có rớt giá nhưng không rớt đến mức quá thấp như ở Hòa Bình. Vì, trên địa bàn các huyện của Sơn La đều có hàng chục lò sấy ngô. Chủ lò sấy đưa ô tô vào tận nương để vận chuyển ngô cho đồng bào nên giảm chi phí vận chuyển, ngô thu hoạch đến đâu, tiêu thụ hết ngay. Người trồng ngô không bị ép giá.
Hồng Bài
theo Thanh tra