Sự kiện hot
8 năm trước

Hoa hậu Diễm Hương: 'Trong thời gian trầm cảm thì đừng nói chuyện với chồng'

Hoa hậu Diễm Hương cho rằng nếu đang trầm cảm, khủng hoảng tâm lí mà chưa có cách giải quyết thì tốt nhất đừng nói chuyện với chồng.

Mới đây, Hoa hậu Diễm Hương đã có buổi chia sẻ trên webtretho về kinh nghiệm chống lại căn bệnh trầm cảm và cách tránh nạn bắt cóc trẻ em dưới tư cách một người mẹ.

Theo Hoa hậu Diễm Hương, đây đều là những chia sẻ mà cô đúc kết được từ chính bản thân mình sau nhiều năm chăm sóc gia đình nhỏ, tạm rời xa showbiz.

Hoa hậu Diễm Hương và chồng con. (Ảnh: NVCC)

Về căn bệnh trầm cảm của phụ nữ đang được rất nhiều người quan tâm thời gian gần đây, Hoa hậu Diễm Hương cho rằng: "Vì đã từng bị trầm cảm nên tôi biết cách tránh xa những năng lượng xấu, không để nó phát triển trong mình. Trong thời gian trầm cảm, khủng hoảng chưa giải quyết được thì tạm thời đừng nói chuyện với chồng. Khi nào bù đắp được năng lượng tốt thì mới gặp chồng.

Tôi hiểu đàn ông Việt Nam có yêu thương vợ thì mới lao vào làm sớm tối để có tiền lo cho vợ con. Nhưng đôi khi, phụ nữ chỉ cần nói ra mới hiểu, chứ cứ giữ im lặng mãi thì họ sẽ bị tủi thân mà dẫn tới trầm cảm.

Tuy nhiên, chính phụ nữ cũng cần tìm đến những điều tích cực. Nếu chồng tôi không nói yêu tôi thì tôi cũng tự nói "em yêu anh, mình hẹn hò đi". Lần sau tôi lại nói "em yêu anh, em nhớ anh". Đến lúc ấy, chồng tôi sẽ tự bày tỏ tình cảm lại.

Mình phải mở lòng trước thì chồng mình mới chia sẻ cùng mình được. Đàn ông châu Á không giống đàn ông phương Tây, họ không nói ra lời mà chỉ biểu hiện tình yêu của mình qua việc lo cho gia đình. Nếu không yêu thì chẳng ai sống với bạn.

Ngoài ra, khi stress chuyện chồng con, bạn có thể tìm một người khác để chia sẻ, nhẹ lòng rồi thì lại gần gũi chồng".

Với nạn bắt cóc trẻ em đang hoành hành trong xã hội hiện nay khiến nhiều gia đình đứng trước tâm lí hoang mang, lo sợ. Hoa hậu Diễm Hương cho biết cô đã dạy con mình từ 24 tháng biết nhớ tên cha mẹ, người thân trong gia đình và cả số điện thoại của cô.

"Là một người mẹ, tôi cũng lo sợ con mình bị bắt cóc. Bởi vậy nên ngay từ lúc con tôi 24 tháng tuổi, tôi đã dạy nó nhớ tên cha mẹ, người thân trong gia đình và số điện thoại của tôi.

Tôi và ông xã còn thử con bằng cách trốn trong bụi cây, để con giữa môi trường vắng để xem phản xạ của con như thế nào, ham chơi hay khôn ngoan, hay biết nhờ người giúp đỡ. Từ đó mà tìm cách dạy được con mình.

Chúng ta có con thì nên dạy con hai khái niệm về người lạ an toàn và người lạ nguy hiểm. Người lạ an toàn là chú công an, người bán hàng, cô quét rác… ở những nơi đông đúc. Họ sẽ giúp con khi con bị lạc. Còn người lạ nguy hiểm là những kẻ luôn cố gắng dụ dỗ con bằng những thứ con thích như kẹo bánh, rồi dụ con đi chơi.

Người lạ an toàn ở đây cũng chính là chúng ta. Chúng ta phải trở thành người lạ an toàn. Đừng thờ ơ với xã hội mà hãy giúp đỡ mọi người.

Cái này người châu Á cần phải học người phương Tây rất nhiều. Họ tôn trọng đời tư của người khác nên không quan tâm, không đàm tiếu, nhưng lại để ý con em chúng ta ra ngoài để quan tâm hộ, giúp trẻ em không bị áp bức, không gặp chấn thương.

Trong khi đó ở Trung Quốc, có một phóng sự đóng giả bắt cóc đứa trẻ ngay trước mặt mọi người, nhưng không ai quan tâm, lên tiếng. Người châu Á mình toàn quan tâm những chuyện thị phi, cái cần quan tâm thì không quan tâm.

Chúng ta cũng cần dạy con cách phản kháng, hét toáng lên để thu hút sự chú ý của những người xung quanh", Hoa hậu Diễm Hương nói.

An Nhiên
Theo ĐSPL, Vietnammoi

Từ khóa: