Sự kiện hot
12 năm trước

Hoa khôi Lại Hương Thảo và ông bố nghiêm khắc

Ít ai biết, Lại Hương Thảo đã có một thời kỳ “nổi loạn”: Trốn học, vướng vào yêu đương, muốn vượt ra khỏi khuôn phép gia đình để làm điều mình thích.

Ít ai biết, Lại Hương Thảo đã có một thời kỳ “nổi loạn”: Trốn học, vướng vào yêu đương, muốn vượt ra khỏi khuôn phép gia đình để làm điều mình thích.

Để tránh cho con không bị sa ngã, bố cô đã phải nghỉ làm một thời gian theo sát, kèm cặp Hương Thảo theo tinh thần “kỷ luật sắt”.


Gia đình hoa khôi Lại Hương Thảo. ảnh do gia đình cung cấp.

Càng bị cấm càng tìm cách để “quậy”

Hương Thảo nổi bật trong đám bạn bè cùng trang lứa bởi chiều cao và khuôn mặt xinh xắn. Chính thế mà ngay từ năm lớp 8, Hương Thảo đã vướng vào chuyện yêu đương. Người yêu đầu tiên của cô là một người hơn cô 3 tuổi, sống Hà Nội. Họ quen nhau qua mạng nên ngày nào Hương Thảo cũng phải dành thời gian trốn ra hàng Internet để trò chuyện với bạn trai.

Khi bố phát hiện ra chuyện “tày đình” này, ông lập tức áp dụng “kỷ luật sắt”. Thay vì để con gái tự đi học bằng xe đạp thì hàng ngày, bố đảm nhiệm việc đưa đón chứ nhất quyết không để con tự đi và ăn cơm trưa ở trường như trước nữa. Trưa nào cũng vậy, ông về đón con rồi hai cha con vào bếp nấu cơm. Khoảng thời gian đó xem ra rất quý giá, vì lúc vừa nấu cơm, ông chỉ dạy cho con cách nấu các món, vừa trò chuyện, tâm sự với con để cha con gần gũi hơn.

“Ở mảnh đất Quảng Ninh này, nếu cha mẹ không sát sao thì con cái khó mà học hành được nên người lắm. Hương Thảo là đứa con gái có chút hình thức, nếu không có người ở bên cạnh nhắc nhở, uốn nắn sẽ rất dễ lao vào ăn chơi. Càng có hình thức càng phải có tri thức để không sa vào những việc làm vô bổ, tránh được những cạm bẫy”.

(Ông Lại Văn Dương, bố Hoa khôi thể thao Lại Hương Thảo)

Tuy nhiên, quá trình này không thể một sớm một chiều mà Hương Thảo nghe ra. Sự khắt khe của ông bố đôi khi còn mang đến cho cô một sự phản kháng. Càng cấm cô càng tìm cách để thoát ra. Biết bố chỉ quan tâm đến việc về nhà đúng giờ thì Thảo trốn học giữa giờ. Được một thời gian thì chuyện này cũng lộ ra vì cô giáo thông báo chuyện học hành của Thảo đến gia đình. Biết không thể dễ dàng qua mặt bố thì thật tình cờ, ở trường thành lập một nhóm nhảy, thế là Thảo xin đầu quân tham gia để “vẹn cả đôi đường”. Được thoải mái bay nhảy mà không bị bố bắt bẻ nhưng sau một thời gian, nhận thấy nguy cơ con gái ham nhảy hơn ham học, ông bảo: “Thôi con, đây chỉ là trò giải trí. Con nghĩ sao nếu chỉ nhảy nhót giỏi mà không thi đỗ đại học? Chẳng nhẽ con muốn suốt cuộc đời con chỉ sống bằng nghề này sao?”. Không biết có phải vì thấm lời của bố hay không mà sau đó, nhóm nhảy của Thảo cũng tan rã.

Nhìn thấy nhiều bài học ở Quảng Ninh, con trai, con gái lớn lên là chỉ thích ăn diện, chểnh mảng học hành rồi dẫn đến bỏ học sớm nên bất cứ hành động nào của con gái thể hiện sự “ăn chơi” đều được ông cấm đoán. Hương Thảo kể rằng: “Ngay cả chuyện đơn giản như nhuộm tóc thôi, bố cũng cấm tiệt rồi chứ nói gì đến những chuyện khác. Hồi đó, giới trẻ chúng em có mốt bọc răng, em cũng tí toáy làm thử. Ai ngờ bố nổi trận lôi đình, bảo nếu không tháo ra là bố đập cho… vỡ răng. Biết tính bố, em đành phải tháo ra. Tóc cũng phải để màu đen chứ không bao giờ dám nhuộm nữa. Bạn bè cũng vậy, hễ thấy em đi với bạn nào lạ, bất kể là trai hay gái, bố đều hỏi cặn kẽ xem người đó là ai, nhà ở đâu, số điện thoại để kiểm tra xem em nói có đúng hay không”. Hương Thảo có muốn “qua mặt” cũng chẳng được.

Buông ra thì lại “tỉnh”

Mổ xẻ nguyên nhân từ một cô bé ngoan lại trở thành một đứa con gái bướng bỉnh trong mắt bố mẹ, Hương Thảo nhớ lại: “Gia đình em làm nghề kinh doanh tiệc cưới, công việc càng lúc càng mở rộng ra nên bố mẹ hầu như ở công ty từ sáng đến tối. Năm giờ sáng bố mẹ đã dậy đi làm rồi, công việc ở nhà em phải thay bố mẹ làm và chăm em trai. Ngày em vào lớp 1, bố mẹ cũng không đưa đến lớp được như mọi người mà em phải tự đến. Lúc đó cũng có tủi thân, nghĩ sao mình không được như bạn bè. Không có bố mẹ kèm cặp, em cũng xao nhãng việc học lúc nào không hay. Mãi đến khi lên cấp 2, bố mẹ nhận ra thì hạn chế công việc để dành thời gian sát sao em hơn. Nhưng khi đó thì em cũng đã lớn, muốn được hành động theo suy nghĩ của mình nên mới phản kháng như thế. Chỉ đến khi tốt nghiệp phổ thông, em mới nhận thức được những gì bố làm chẳng qua cũng chỉ vì muốn tốt cho em, muốn em không sa vào những cạm bẫy mà thôi...”.


Hương Thảo tự mình đi chợ, nấu món ngon đãi cả nhà. Ảnh: T.G

“Em nhớ nhất sinh nhật năm 18 tuổi, bố nói: Từ nay bố sẽ không quản lý kiểu bắt con phải thế nọ thế kia nữa bởi tất cả những gì cần làm thì bố đã làm hết rồi. Rắn có, mềm có, bố không thể lúc nào cũng theo sát con để cấm đoán mãi được. Chỉ khi nào con cần lời khuyên thì hãy hỏi bố... Nhưng lúc bố mẹ tuyên bố hết cách, mặc kệ thì em lại không muốn làm những chuyện “rồ dại” như trước nữa. Đó là lúc em biết suy nghĩ, dằn vặt trước những giọt nước mắt của mẹ, sự mệt mỏi của bố khi hàng ngày phải canh chừng em như vệ sĩ. Em chú tâm vào học hành, thay đổi tính nết khiến bạn bè cũng ngạc nhiên. Cô giáo gọi điện về nhà thắc mắc sao dạo này Hương Thảo học hành chăm chỉ thế... Đến khi em thi đỗ đại học và đoạt danh hiệu Hoa khôi thể thao, lúc này bố mới nói “Bố tự hào về con lắm”.

Chia sẻ về những tháng ngày “đánh vật” với cô con gái quá cá tính, bố Hương Thảo nói: “Hàng ngày, con đi học về là tôi ngồi học cùng. Để dạy được con thì bản thân tôi cũng phải học. Các môn Toán, Lý, Hóa tuy không giảng được như cô giáo nhưng tôi cũng nắm được những kiến thức cơ bản. Ngồi học với con, nó cũng có ý thức hơn và không bị buồn chán. Con cái chán học chẳng qua là vì không hiểu bài. Hiểu rồi thì tự nhiên sẽ thúc đẩy sự ham học, chăm chỉ lên. Cuối cùng thì sự kiên trì theo đuổi của tôi đã được đền bù xứng đáng. Nhưng nếu nói là hết lo thì cũng chưa hẳn. Chỉ mong con cái hiểu được sự nghiêm khắc của cha mẹ mà có trách nhiệm hơn với cuộc sống của mình là tôi hạnh phúc rồi. Còn việc cấm đoán chẳng qua chỉ là việc cực chẳng đã mà thôi. Lúc đó không thể không “kỷ luật sắt” được. Buông ra là hỏng một đời người ngay. Nhưng bây giờ con vào khuôn khổ rồi, ý thức được việc làm của mình rồi thì tôi không cấm đoán nữa mà chỉ dặn dò, đưa những lời khuyên thôi”.

Thảo Nguyên
theo GĐ&XH

Từ khóa: