Sự kiện hot
5 năm trước

Hoàn lưu bão – những câu chuyện đau lòng...

“Hết mất rồi, hết thật rồi, đau đớn quá...”

Anh Hà Văn Vân (SN 1990, bản Xa Ná, xã Na Mèo, huyện Quan Sơn, Thanh Hóa) đã than lên như thế, trong sự tuyệt vọng khôn cùng, khi cảnh nhà tan hoang, gia đình ly biệt. Cùng một lúc, anh Vân mất đi bố, mẹ, chị gái, vợ và 2 con nhỏ bị lũ quét cuốn trôi vào sáng 3/8 vừa qua, do ảnh hưởng của hoàn lưu cơn bão số 3 (Wipha).

Trước khi xảy ra trận lũ quét, anh Vân vừa rời bản Xa Ná để về TP Thanh Hóa làm phụ hồ. Vừa đi làm được một buổi, anh Vân nhận được tin lũ tràn qua bản, anh Vân tức tốc bắt xe ngược về quê. Nhận tin cả 6 người thân của mình bị lũ cuốn trôi, mất tích, anh ngã quỵ, choáng váng không thể tin đó là sự thật.

Cảnh tan hoang, đổ nát tại bản Sa Ná (xã Na Mèo, huyện Quan Sơn, Thanh Hóa) -  nơi cơn lũ do hoàn lưu bão số 3 (Wipha) quét qua.
Cảnh tan hoang, đổ nát tại bản Sa Ná (xã Na Mèo, huyện Quan Sơn, Thanh Hóa) -  nơi cơn lũ do hoàn lưu bão số 3 (Wipha) quét qua.

Cả dân bản Xa Ná hoang mang, nghẹn ngào trước sự tan hoang, 10 người trong bản chết và mất tích sau trận lũ, 25 nhà bị sập và bị nước cuốn trôi hoàn toàn, 2 điểm trường và 1 nhà văn hóa bị nước cuốn trôi. Hệ thống điện bị mất hoàn toàn. Đến 2 ngày sau (5/8), một số thi thể được xác định là trong số những người mất tích được tìm thấy ở các khu vực khác nhau...

Không chỉ gia đình anh Vân mất đi người thân, hoàn lưu của cơn bão số 3 còn gây thiệt hại lớn cho huyện Quan Sơn. 13 người chết và mất tích, 35 ngôi nhà, 2 điểm trường và 1 nhà văn hóa bị sập hoàn toàn. Hệ thống điện bị ảnh hưởng lớn, gây mất điện diện rộng nhiều ngày liền. Tổng thiệt hại ước tính lên tới 914 tỷ đồng.

Hay cũng chỉ gần đây, người dân huyện Chương Mỹ, Hà Nội liên tiếp trong 2 năm 2017 và 2018 phải chịu cảnh ngập lụt do lũ rừng ngang đổ về và gây thiệt hại nặng nề cho người dân ở các xã Tân Tiến, Nam Phương Tiến nằm ven sông Bùi. Theo thống kê sơ bộ, toàn huyện Chương Mỹ có gần 1.870 ha lúa, 213 ha rau màu, 263 ha nuôi trồng thủy sản bị ngập úng. Nhiều đoạn kênh mương bê tông bị hư hỏng, nhiều đoạn đê, hồ, đập bị ngập, tràn, sạt lở. Người dân đã phải “sống chung với lũ” suốt hơn 2 tuần liền, thiếu thốn đủ bề, cuộc sống bỗng chốc đảo lộn...

Bão không chỉ đem đến những trận cuồng phong chết chóc, mà ghê gớm không kém chính là những trận mưa như trút nước, gây lũ lớn và kéo dài khi cơn bão đã đi qua, được gọi với tên thuật ngữ chuyên ngành khí tượng thủy văn: “Hoàn lưu bão”.

Thống kê thiệt hại về thiên tai ở Việt Nam cho thấy, hoàn lưu bão gây mưa lớn, ngập lụt và lũ quét đã làm thiệt hại hơn rất nhiều so với bản thân cơn bão trước đó.

Với miền núi, mưa kéo dài, nước lũ chảy xiết từ các dòng suối khiến các triền núi bị sạt lở. Nhiều người không chết vì bão mà lại chết sau bão do nước lũ cuốn trôi, nhấn chìm hoặc bị đất đá đè. Còn với vùng đồng bằng trũng, nước lũ sau bão cộng với lượng mưa ứ lại trong bão gây ra ngập lụt nghiêm trọng tại các địa phương.

Đối với nông nghiệp, ngập úng kéo dài do bão và hoàn lưu bão sẽ dẫn tới việc người nông dân sẽ “mất trắng” thành quả lao động miệt mài của họ trong suốt một mùa vụ: những diện tích hoa màu hay thủy sản bị ngập sâu, những con trâu, con bò bị chết đuối, cuốn trôi...

Tại Hội nghị rút kinh nghiệm công tác ứng phó mưa lũ do cơn bão số 3 được tổ chức vừa qua, ông Trần Quang Hoài - Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai cho biết, bão và đặc biệt là hoàn lưu sau bão là các hiện tượng thời tiết đặc biệt nguy hiểm. “Những năm gần đây, tình hình lũ quét và sạt lở đất là mối quan tâm rất lớn đối với các địa phương trên cả nước. Qua sự việc tại Quan Sơn vừa rồi, bài học kinh nghiệm trong phòng tránh lũ, sạt lở đất là rất lớn, trong đó, các cơ quan chuyên môn cảnh báo các khu vực miền núi phải hết sức cảnh giác với mưa to do hoàn lưu của các cơn bão”.

Người dân vẫn thường chủ quan khi nghe dự báo “Bão đã suy yếu thành áp thấp nhiệt đới”, và tự coi mình hiện đã ở vùng an toàn. Nhưng thực tế, bão, áp thấp nhiệt đới hay hoàn lưu sau bão luôn rất nguy hiểm. Đa phần những thiệt hại về người và của là do thông tin dự báo còn chưa chính xác, thiếu cụ thể, hoặc người dân dù đã nghe tin dự báo nhưng chủ quan rằng bão, lũ sẽ không đến được chỗ mình. Những bản làng vùng sâu, vùng xa lại càng có ít cơ hội cập nhật hơn. Thông tin vẫn là khoảng cách lớn, có giá trị bằng cả sinh mạng của mỗi con người...

Tuy nhiên, có những dự báo, từ những trung tâm dự báo uy tín lớn trên thế giới như Hoa Kỳ, Hong Kong, Hàn Quốc hay Nhật Bản... đến các cơ quan chức năng ở nước ta đều không thể xác định được chính xác, cụ thể các hiện tượng thiên nhiên cực đoan do bão và hoàn lưu bão gây ra như lũ quét, sạt lở đất... sẽ xảy ra ở địa điểm nào và vào thời điểm nào.

Công tác dự báo thiên tai và thời tiết cực đoan hiện nay không thể dự báo được chi tiết đến từng xã, phường; hay ở từng con sông, con suối... Thậm chí, cơ quan chức năng mới chỉ đưa ra được là “địa phương A, B, C... có nguy cơ lũ quét, sạt lở đất” chứ không thể khẳng định được rằng “lũ quét sẽ xảy ra vào hồi..., tại địa phương....”. Và người dân, vốn nghe mãi những bản tin tương tự lặp lại ngày nay qua ngày khác, đã mất đi sự chú ý và ý thức được tầm nghiêm trọng từ những cảnh báo thiên tai.

Tại Hội nghị toàn quốc về phòng chống thiên tai năm 2018, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo “Phòng chống thiên tai thực hiện theo hướng quản lý rủi ro; quan tâm đến công tác phòng ngừa, ứng phó và khắc phục hậu quả. Muốn giảm thiểu thiệt hại của thiên tai thì phải lấy phòng ngừa là chính; đầu tư phòng ngừa, chứ không chỉ ứng phó, khắc phục”.

Để phòng tránh tối đa thiệt hại do bão và hoàn lưu bão gây ra, có lẽ cần sự vào cuộc mạnh mẽ hơn nữa từ các cơ quan chức năng trong công tác quy hoạch lâm nghiệp, dự báo, phòng chống thiên tai, cũng như tinh thần cảnh giác hơn nữa của mỗi người dân, để phần nào tránh được những hậu quả thảm khốc sau mỗi đợt “bão đến, lũ về”, để những người như anh Vân sẽ không phải nhận kết cục đau lòng cho gia đình đến thế...

Tương Mai
Theo Báo Đời sống & Tiêu dùng

Từ khóa: