Nói đến gameshow, người ta thường nghĩ về một sân chơi mang tính tương tác và mang đến những phút giây thư giãn cho người xem. Tuy nhiên, nhiều gameshow ngày nay đưa lên truyền hình những màn biểu diễn hoặc thử thách kinh dị khiến người xem thót tim, hoảng loạn.
Thót tim với những màn nuốt kiếm nhọn, kéo sắc
Mới đây, gameshow “Kỳ tài lộ diện” phát sóng trên THVL1 đã khiến không ít người thất kinh và hoảng sợ. Trong tập phát sóng hôm 15/9, màn nuốt 50 cây kim xâu chỉ của thí sinh Huỳnh Võ Nhật Hải khiến nhiều khán giả ngồi phía dưới phải dùng tay che mắt lại vì sợ hãi. Bản thân giám khảo Kiều Oanh cũng hồi hộp đến nín thở, còn giám khảo Vân Sơn được mời lên hỗ trợ thí sinh trên sân khấu cũng căng thẳng và đầy lo lắng.
Trong tập phát sóng hôm 22/9, tiết mục đút hai đầu dây điện vào mũi, tai, miệng, mắt… để thông điện cho bóng đèn đỏ của thí sinh Phan Hồng Nhật cũng khiến nhiều người xem rùng mình sợ hãi. Bản thân giám khảo Vân Sơn khi được nhờ hỗ trợ thí sinh cũng run cầm cập, vã mồ hôi.
Màn dùng mí mắt kéo tạ rồi uốn cong cây thương có đầu sắc nhọn của thí sinh Minh Long trong "Kỳ tài lộ diện". Ảnh: TL.
Màn màn nuốt nuốt những viên bi sắt to bằng quả bóng bàn, nuốt kiếm nhọn dài gần 1m và cây to gấp 5 kéo thường bằng inox bóng loáng của thí sinh Lê Minh Hải đã khiến khán giả phát hoảng. Cả trường quay dường như đều lấy tay che mắt, miệng la hét không ngừng. Cả hai giám khảo Vân Sơn - Kiều Oanh cũng lấy tay che mặt hoặc nhắm ghiền mắt lại không dám nhìn vì sợ hãi.
Cũng trong tập này, móc sợi dây xích vào mí mắt để kéo hai quả tạ tròn nặng 20kg rồi dùng cổ uốn cong cây thương có đầu sắc nhọn của thí sinh Minh Long cũng gây nhiều khiếp đảm với người xem. Có khán giả thậm chí nước mắt giàn giụa vì sợ hãi khi được tận mắt chứng kiến màn biểu diễn này tại trường quay.
Mặc dù đây là những màn biểu diễn thể hiện tài năng đặc biệt của những người có khả năng đặc biệt nhưng khi xem không ai là không khỏi rùng mình.
Thực tế, nhiều trò thử thách kinh dị trên gameshow Việt đã từng vấp phải sự phản đối kịch liệt của khán giả. Đáng kể đến là màn chụp ảnh trên những thanh đỡ gắn trên những tòa nhà chọc trời hoặc tạo hình với trăn, rắn trong Vietnam’s Next Top Model; bị thả trong những bồn nước chứa đầy trăn rắn, cóc, nhái… và hát trong “Đố ai hát được”; ngâm đầu trong bể nước để bắt cá bằng miệng, kéo ngoạc mồm để giữ hai xô nước, nhúng ngập mặt trong một bát bột hỗn hợp để tìm một chiếc nhẫn, cạo trọc đầu kiểu kinh dị, dùng tay không để vặn bóng đèn đang cháy... trong chương trình “Ánh sáng hay bóng tối” đã từng khiến nhiều khán giả khiếp đảm, chuyển kênh vì sợ hãi. Thậm chí, chương trình “Đố ai hát được” sau khi phát sóng được 10 tập đã buộc phải dừng lại vì vấp phải sự phản ứng mạnh mẽ từ phía khán giả truyền hình.
Nguy hiểm rình rập, làm méo mó cảm thụ thẩm mỹ
NSƯT Hồng Liên cho rằng, bà không bao giờ dám xem những gameshow có tính bạo lực hoặc mạo hiểm vì rất sợ. Trong hôm 22/9, vô tình mở tivi đúng lúc có màn nuốt kiếm nhọn của thí sinh Lê Minh Hải trong “Kỳ tài lộ diện” mà bà đã ám ảnh không ngớt. Cả ngày hôm đó, cứ đụng đến vật nhọn bà lại giật mình vì sợ.
“Nhà tôi có cháu nhỏ nên tuyệt đối không bao giờ xem những chương trình đó. Nó quá mạo hiểm, khiếp đảm và kinh dị. Đến người lớn như tôi mới liếc qua đã run bắn người thì không biết các cháu nhỏ sẽ ra sao. Dẫu biết đó chỉ là những chương trình dành cho những đối tượng khán giả ưa cảm giác mạnh nhưng nào ai quản lý được chuyện con trẻ có thể xem”, NSƯT Hồng Liên bày tỏ.
Bản thân giám khảo cũng sợ hãi trước màn dí dây điện vào tai rồi đấu nối với nguồn điện để làm bóng đèn bật sáng của thí sinh Phan Hồng Nhật.
Ca sỹ Bùi Lê Mận cũng chia sẻ, cô là người thích sự phiêu lưu nhưng với những màn biểu diễn đầy thót tim trên truyền hình là cô không bao giờ dám xem. Bản thân cô cảm thấy rất căng thẳng, sợ hãi và ám ảnh khôn nguôi mỗi khi vô tình chứng kiến được những cảnh tượng đó. Cô cũng tuyệt đối không bao giờ cho con của mình xem những trò đó bởi nó thực sự không mang lại lợi ích gì mà còn khiến cho nỗi sợ hãi tăng thêm.
Theo nhận định của một chuyên gia, hiện nay gameshow đang bị bão hoà. Sự bùng nổ của các gameshow trên khắp các kênh sóng khiến cho thị phần bị chia nhỏ. Các nhà sản xuất truyền hình muốn tồn tại được buộc phải tìm những gì độc, lạ và dị biệt. Chính vì thế, việc xuất hiện những trò thử thách kinh hoàng hoặc những gameshow có tính mạo hiểm đã xuất hiện ngày càng nhiều. Đối với một số nước thì chuyện này không có gì quá ghê gớm nhưng với Việt Nam khi điều kiện sản xuất chương trình còn nhiều hạn chế thì đó là điều đáng phải cân nhắc.
PGS. TS Trịnh Hòa Bình - Phó Tổng thư ký Hội Xã hội học Việt Nam lại xem những trò thử thách hoặc những màn biểu diễn mạo hiểm trên gameshow là nhắng nhố, quái dị, không mang ý nghĩa giáo dục. Theo PGS Trịnh Hòa Bình, những trò thử thách hoặc màn biểu diễn này khi phát trên truyền hình sẽ tác động vào quá trình cảm thụ thẩm mỹ, tiếp nhận tri thức, học hỏi kỹ năng… của một số đối tượng khán giả.
Thậm chí, nó có thể làm méo mó từ suy nghĩ đến nhận thức, đến con đường đưa ra hành động xã hội của giới trẻ. Con trẻ nếu xem quá nhiều những trò đó có thể sẽ tin vào những điều quái dị hoặc nguy cơ bắt chước kể cả khi chương trình đã có sự cảnh báo.PGS Trịnh Hòa Bình đề nghị cực kỳ hạn chế phát sóng những chương trình đó trên truyền hình. Nếu phát sóng phải có sự cảnh báo rõ ràng và phải chọn khung giờ mà trẻ em đã đi ngủ.
Thực ra, nhiều vụ tai nạn đáng tiếc đã xảy ra trên gameshow khi các thí sinh đem tính mạng của mình ra để biểu diễn. Cách đây không lâu, dân mạng đã dậy sóng trước chi tiết uống nhầm acid của thí sinh Tấn Phát trong Vietnam’s Got Talent
Trong màn thi “Ai lột dừa nhanh hơn” của gameshow “Song đấu”, khi dùng răng để lột dừa, võ sư Kim Tuấn đã bị gãy răng; còn thí sinh Mỹ Linh dùng dao nhọn gọt dừa thì bị đứt tay. Đó là một trong vô số những “tai nạn” mà các thí sinh tham gia gameshow phải trải qua. Và đáng nói hơn cả là sự mạo hiểm này lại khiến cho người xem sợ nhiều hơn vui. Mức độ nguy hiểm của các tiết mục và sự mạo hiểm của các thí sinh trong các gameshow hiện nay quả là điều đáng lo ngại.
Nhiều người cho rằng, đối với các gameshow mang tính bạo lực, mạo hiểm thì cần cân nhắc khi phát sóng trên truyền hình. Ngay cả khi nhà sản xuất đều khẳng định đã mua bảo hiểm và có bác sĩ túc trực nhưng không có nghĩa là không có nguy hiểm, rủi ro.
Hà Tùng Long
Theo Dân Trí