Sáng 11/9, tại Hà Nội, Học viện Báo chí và Tuyên truyền đã long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 60 năm ngày thành lập trường và đón nhận Huân chương Độc lập hạng Ba (1962 - 2022).
Tham dự Lễ kỷ niệm có các đồng chí: Nguyễn Xuân Thắng - Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương; đồng chí Tô Huy Rứa - nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Trung ương Đảng, nguyên Trưởng Ban Tổ chức Trung ương, nguyên Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, nguyên Giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền; đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa - Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; đồng chí Hà Thị Khiết - nguyên Bí thư Trung ương Đảng, nguyên Trưởng Ban Dân vận Trung ương.
Cùng dự có các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: đồng chí Võ Thị Ánh Xuân - Phó Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch thứ nhất Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương; đồng chí Vũ Đức Đam - Phó Thủ tướng Chính phủ; đồng chí Lê Quốc Minh - Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, thành viên Hội đồng Trường Học viện Báo chí và Tuyên truyền...
Ngoài ra, còn có các đồng chí nguyên Ủy viên Trung ương Đảng; nhà báo lão thành Hà Đăng; đại diện lãnh đạo, nguyên lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương, các vị khách quốc tế, cùng các thế hệ cán bộ, giảng viên, học viên, sinh viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền.
Trải qua hơn một nửa thế kỷ hình thành và phát triển, Học viện Báo chí và Tuyên truyền đã có nhiều thay đổi, mang nhiều tên gọi khác nhau và được giao những nhiệm vụ quan trọng phù hợp với yêu cầu của thực tiễn cách mạng trong từng thời kỳ lịch sử.
Học viện Báo chí và Tuyên truyền thuộc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, được Ban Bí thư TW Đảng thành lập ngày 16/01/1962. Đến nay, trải qua hơn 60 năm xây dựng, trưởng thành, Học viện đã khẳng định được vị thế, uy tín trong hệ thống các trường chính trị của Đảng và là cơ sở giáo dục đại học trọng điểm quốc gia về đào tạo, bồi dưỡng giảng viên lý luận chính trị, cán bộ làm công tác tư tưởng - văn hoá, công tác Đảng, cán bộ báo chí, truyền thông và một số ngành khoa học xã hội - nhân văn khác.
Đội ngũ cán bộ do Học viện đào tạo, bồi dưỡng có bản lĩnh chính trị vững vàng, phẩm chất đạo đức tốt, năng lực chuyên môn cao, đã có những cống hiến to lớn đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng, của nhân dân ta. Nhiều người trong số đó đã trở thành các nhà khoa học đầu đàn, các nhà giáo có uy tín, các nhà báo, biên tập viên có tên tuổi... Không ít người đã trở thành cán bộ lãnh đạo cấp cao, cán bộ chủ chốt của Đảng, Nhà nước trong các ngành, các lĩnh vực ở Trung ương và các địa phương như các đồng chí Trương Vĩnh Trọng, đồng chí Tô Huy Rứa, đồng chí Phạm Quang Nghị, đồng chí Hà Thị Khiết, đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa và nhiều đồng chí đồng chí ủy viên Trung ương Đảng các khóa.
Với sự cống hiến bền bỉ trong 60 năm qua, Học viện Báo chí và Tuyên truyền tự hào là đơn vị đào tạo và nghiên cứu khoa học có chất lượng và uy tín cao, được nhận nhiều danh hiệu thi đua và hình thức khen thưởng cao quý của Đảng và Nhà nước. Tại Lễ kỷ niệm 60 năm thành lập, niềm vui được nhân đôi khi Học viện Báo chí và Tuyên truyền vinh dự được đón nhận Huân chương Độc lập hạng Ba, phần thưởng cao quý của Đảng, Nhà nước.
PGS.TS Phạm Minh Sơn - Phó Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền chia sẻ: "Nhìn lại chặng đường 60 năm xây dựng và phát triển, trong mỗi giai đoạn, mỗi thời kỳ, với mỗi tên gọi khác nhau, dù chức năng, nhiệm vụ có thay đổi, dù phải trải qua những thời kỳ hết sức khó khăn, nhưng những lúc khó khăn nhất thì tinh thần đoàn kết, bản lĩnh, trí tuệ, sức sáng tạo của toàn thể, cán bộ, giảng viên, học viên, sinh viên nhà trường được phát huy, tạo ra những đột phá để đưa nhà trường vượt qua, đạt được những thành tựu rất đáng trân trọng và tự hào”.
Học viện Báo chí và Tuyên truyền là một trong những cơ sở đào tạo có uy tín trong hệ thống các trường Đảng, đồng thời là một trường đại học trọng điểm trong hệ thống giáo dục quốc dân. Từ chỗ chỉ có 2 khoa khi mới thành lập, đến nay Học viện có 18 khoa, đào tạo 32 chuyên ngành (trong đó có 1 chuyên ngành liên kết quốc tế; 3 chuyên ngành chất lượng cao); 19 chuyên ngành đào tạo cao học; 4 ngành đào tạo tiến sĩ. Trong đó có những ngành, chuyên ngành đào tạo đầu tiên hoặc duy nhất ở Việt Nam như: Công tác tư tưởng, Phát thanh - Tuyền hình, Quan hệ công chúng, Quảng cáo, Thông tin đối ngoại...
Quy mô đào tạo mỗi năm hơn 2.000 sinh viên Đại học chính quy tập trung, gần 2.000 sinh viên đại học vừa làm, vừa học cho các ban, ngành, đoàn thể ở Trung ương và các địa phương; hơn 500 học viên cao học và hơn 50 tiến sĩ mỗi năm. Ngoài ra, Học viện còn bồi dưỡng hàng trăm cán bộ tuyên giáo, cán bộ, phóng viên, biên tập viên cho các cơ quan báo chí, xuất bản, ngoại ngữ, tin học và nghiệp vụ sư phạm cho các đối tượng cán bộ.
Năm 2016, với thế mạnh của mình, Học viện được Bộ Giáo dục & Đào tạo cho phép triển khai chương trình quốc tế ngành Quảng cáo, Quan hệ công chúng và Truyền thông với Đại học Middlesex của Vương Quốc Anh và các chương trình đào tạo chất lượng cao cho các chuyên ngành: Quản trị truyền thông, Kinh tế và Quản lý, Quan hệ quốc tế và truyền thông toàn cầu, nhằm cung cấp cho xã hội nguồn cán bộ có chất lượng cao. Như vậy Học viện Báo chí và Tuyên truyền là cơ sở đào tạo đầu tiên trong hệ thống các trường Đảng tiên phong liên kết đào tạo quốc tế. Học viện cũng là 1 trong 5 trường trong cả nước được Bộ Giáo dục & Đào tạo lựa chọn xây dựng thí điểm mô hình "Đơn vị học tập".
Hiện nay, Học viện có hệ thống giảng đường về cơ bản đạt chuẩn quốc gia, hầu hết các lớp học được trang bị máy tính và máy chiếu đa năng, đủ sức chứa 190 lượt lớp/ngày. Các phòng thực hành nghiệp vụ: Studio phát thanh, truyền hình, ảnh, phòng sản xuất chương trình, biên tập xuất bản, diễn giảng, phòng LAB học ngoại ngữ, phòng tin học, phòng học trực tuyến phục vụ thực hành nghiệp vụ cho sinh viên. Thư viện đang được hiện đại hóa, có nhiều phòng đọc tự chọn, chủng loại sách in, sách điện tử đa dạng, phong phú, được kết nối với các thư viện trong nước và quốc tế, cơ bản đáp ứng nhu cầu nghiên cứu, học tập của giảng viên và sinh viên.
Khu nhà Hành chính trung tâm có đủ các điều kiện của một công sở hiện đại. Cảnh quan, môi trường của Học viện "xanh, sạch, đẹp" văn minh, thân thiện, ký túc xá sinh viên Học viện gồm 5 dãy nhà cao tầng, nằm ở một khu biệt lập, được xây dựng thành hệ thống nhà ở khép kín với nhiều tiện nghi phù hợp, có sức chứa gần 3.000 người; có khu thể thao phục vụ giáo dục thể chất, vui chơi giải trí cho cán bộ, giảng viên, học viên, sinh viên.
Học viện Báo chí và Tuyên truyền được xã hội đánh giá là một trong số những trường đại học có uy tín hàng đầu ở Việt Nam về chất lượng tuyển sinh, về môi trường năng động, sáng tạo vượt trội, về phong cách hiện đại, về chất lượng đào tạo được xã hội đánh giá cao".
Nói về mục tiêu phát triển của nhà trường, PGS.TS Phạm Minh Sơn cho hay: "Đến năm 2030, mục tiêu của Học viện Báo chí và Tuyên truyền trở thành trường đại học trọng điểm quốc gia đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực lý luận chính trị, tư tưởng - văn hoá, báo chí, tuyên truyền và truyền thông tại Việt Nam; trung tâm nghiên cứu có tầm ảnh hưởng về lý luận chính trị, tuyên truyền, báo chí và truyền thông tại Đông Nam Á và châu Á. Phấn đấu đến năm 2045 trở thành trường đại học hàng đầu tại châu Á.
Nhà trường quyết tâm xây dựng được môi trường giáo dục, thực sự là điểm đến để gửi gắm các ước mơ và hoài bão của người học. Ở đó học viên, sinh viên được nuôi dưỡng sự đam mê, tinh thần sáng tạo; ở đó học viên, sinh viên biết tự chủ, chịu trách nhiệm cho mỗi quyết định của mình và khả năng dễ dàng thích nghi với sự thay đổi không ngừng của xã hội và môi trường toàn cầu".
Cũng nhân dịp kỷ niệm 60 năm thành lập, Học viện tổ chức nhiều hoạt động thiết thực như: Mở chuyên mục "Hướng về kỷ niệm 60 năm thành lập Học viện" trên Cổng TTĐT và các Fanpage; Biên soạn, bổ sung và tái bản cuốn sách "Học viện Báo chí và Tuyên truyền - 60 năm xây dựng và phát triển", "Những sự kiện lịch sử Đảng bộ Học viện Báo chí và Tuyên truyền"; Biên tập và xuất bản kỷ yếu các công trình khoa học (các bài báo) tiêu biểu 5 năm (2017-2022) của cán bộ Học viện; Tổ chức xây dựng phim tài liệu về chủ đề: "Học viện Báo chí và Tuyên truyền - 60 năm rực rỡ dưới cờ Đảng"; Tổ chức các hoạt động về nguồn; hoạt động nhân đạo, từ thiện…
Đặc biệt chuỗi sự kiện hội thảo, văn nghệ, thể thao được tổ chức trong tháng 8, 9/2022. "Đêm nhạc hội AJC - Màu thời gian"; "Hội trại Truyền thống" trưng bày hiện vật, hình ảnh, tư liệu, ấn phẩm do cán bộ, giảng viên, học viên và sinh viên sáng tác về 60 năm xây dựng và phát triển của Học viện. Hội thảo khoa học "Học viện Báo chí và Tuyên truyền - 60 năm xây dựng và phát triển"./.
Sơn Thủy/KTĐU