Hội nghị được đồng chủ tọa bởi Việt Nam và EU với sự tham gia của những chuyên gia tần số đến từ châu Âu và Đông Nam Á như Samsung, GSMA, Ericsson, Qualcomm… cũng như các đài truyền hình, các nhà sản xuất thiết bị, phát triển giải pháp viễn thông.
Hội nghị là cơ hội để các cơ quan quản lý, doanh nghiệp có cơ hội thảo luận những vấn đề mà Việt Nam đặc biệt quan tâm như: xu hướng lựa chọn công nghệ truyền hình số mặt đất, kinh nghiệm về chuyển đổi truyền hình tương tự sang số, mạng đơn tần, bộ chỉ tiêu kỹ thuật quốc gia cho truyền hình số và sử dụng băng tần sau số hóa truyền hình, đánh giá can nhiễu giữa LTE và DVB-T2, sự hội tụ của băng rộng và truyền hình.
Các nội dung của Hội nghị sẽ góp phần thúc đẩy tiến trình số hóa truyền hình, xây dựng quy hoạch, lựa chọn công nghệ truyền hình số cũng như sử dụng phổ tần hài hòa trong khu vực.
Theo đại diện Cục Tần số Vô tuyến điện, đề án số hóa truyền dẫn, phát sóng truyền hình mặt đất đến năm 2020 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nhằm mục tiêu chuyển đổi hạ tầng truyền dẫn, phát sóng truyền hình mặt đất từ công nghệ tương tự sang công nghệ số theo hướng hiện đại, hiệu quả, thống nhất về tiêu chuẩn và công nghệ. Mục đích là nâng cao chất lượng dịch vụ, tăng số lượng kênh, chương trình, nâng cao hiệu quả sử dụng tần số; đồng thời giải phóng một phần tài nguyên tần số để phát triển các dịch vụ thông tin di động và vô tuyến băng rộng.
Đề án số hóa còn từng bước mở rộng vùng phủ sóng truyền hình số mặt đất nhằm phục vụ phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, cung cấp nhiều dịch vụ truyền hình chất lượng cao (HDTV, 3DTV…); hình thành và phát triển thị trường truyền dẫn, phát sóng truyền hình số mặt đất để thu hút các nguồn lực xã hội; tạo điều kiện để tổ chức và sắp xếp lại hệ thống đài phát thanh, truyền hình trên phạm vi cả nước theo hướng chuyên môn hóa, chuyên nghiệp.
Mục tiêu của Đề án số hóa truyền hình mặt đất là đến năm 2015 đảm bảo 80% hộ gia đình có máy thu hình trên cả nước xem được truyền hình số bằng các phương thức khác nhau, phủ sóng truyền hình số mặt đất để truyền dẫn các kênh chương trình phục vụ nhiệm vụ chính trị tới 60% dân số. Đến năm 2020, đảm bảo 100% hộ gia đình có máy thu hình trên cả nước xem được truyền hình số bằng các phương thức khác nhau, phủ sóng truyền hình số mặt đất để truyền dẫn các kênh chương trình phục vụ nhiệm vụ chính trị tới 80% dân cư.