Sự kiện hot
10 năm trước

Hội nghị phát triển chè bền vững năm 2015

ĐS&TD - Ngày 24/4 Hiệp Hội chè Việt Nam phối hợp với Cục chế biến Nông lâm thủy sản nghề muối, Bộ NN & PTNT, tổ chức Hội nghị phát triển chè bền vững năm 2015 tại Phù Ninh, Phú Thọ. Tại hội nghị những khó khăn, vướng mắc trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ, phát triển chè bền vững đã được các đại biểu trao đổi và tháo gỡ.


PGS. TS Nguyễn Văn Toàn, Viện trưởng Viện KHKT nông lâm nghiệp miền núi phía Bắc

Hội nghị đã thu hút đông đảo sự tham gia của đại diện đến từ các Bộ, ngành, đặc biệt là sự có mặt của các doanh nghiệp chè từ các tỉnh: Phú Thọ, Hà Giang, Yên Bái, Thái Nguyên. Ông Võ Thành Đô, ông Nguyễn Hữu Tài, ông Nguyễn Văn Toàn đồng chủ trì hội nghị.

Hiện nay cả nước có 257 doanh nghiệp chế biến chè quy mô công nghiệp, tổng công suất theo thiết kế là 5.204 TBT tấn/ngày, sử dụng 220.764 lao động. Từ năm 2000 đến nay, ngành chè Việt Nam có những bước tăng trưởng cao trên cả 3 mặt diện tích, năng suất, sản lượng. Trong đó, giai đoạn 2010 – 2014 diện tích tăng không nhiều nhưng năng suất tăng 12%, sản lượng tăng gần 13,7%. Công nghệ chế biến chè tại Việt Nam chủ yếu chế biến sản phẩm chè đen và chè xanh: chè đen được chế biến theo công nghệ OTD và CTC. Chè xanh được chế biến theo phương pháp diệt men, vò, sấy, phân loại. Phát triển bền vững là nhu cầu khách quan cấp thiết của các doanh nghiệp chè.


Ông Nguyễn Hữu Tài, Chủ tịch Hiệp hội Chè phát biểu khai mạc Hội nghị

Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Hữu Tài, Chủ tịch Hiệp hội Chè cho biết, thực tế ngành chè nước ta đã chứng minh là những doanh nghiệp chè mặc dù chưa hội tụ đầy đủ cả 3 yếu tố của phát triển bền vững, nhưng nếu xây dựng được vùng nguyên liệu ổn định, tổ chức sản xuất và quản lý theo chuỗi giá trị thì doanh nghiệp kinh doanh có hiệu quả, có cơ hội từng bước giải quyết vấn đề xã hội và mội trường. Những doanh nghiệp không có vùng nguyên liệu ổn định, thì trước mắt có thể kinh doanh hiệu quả, nhưng khó có cơ hội giải quyết vấn đề xã hội và môi trường, do đó khó có cơ hội phát triển bền vững.

PGS. TS Nguyễn Văn Toàn, Viện trưởng Viện KHKT nông lâm nghiệp miền núi phía Bắc cho biết, chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm và đề xuất các giải pháp hữu hiệu là một trong các mối quan tâm hàng đầu của ngành chè hiện nay. Cách chọn giống chè, phải qui hoạch và rà soát lại giống chè, đặc biệt các địa phương phải thực hiện thật tốt việc này. Vệ sinh ATTP đang là rào cản lớn của ngành chè hiện nay, chúng ta cần phải đi bằng đôi chân của mình. Trong khi thế giới cũng đã phải đi qua rất nhiều và trả giá cho vấn đề này.

Ngành chè phải xác định rõ thị trường xuất khẩu bằng việc: Quy hoạch các cơ sở chế biến theo theo hướng cần tổ chức lại hệ thống cơ sở chế biến đạt yêu cầu quy chuẩn kỹ thuật nhà nước ban hành gắn với vùng nguyên liệu cụ thể, khuyến khích hiện đại hóa cơ sở chế biến, ứng dụng công nghệ, thiết bị tiên tiến. Giữ các thị trường truyền thồng (châu Á, Nga, Đông Âu, Trung Đông) và phát triển vào thị trường khó tính như  EU, Bắc Mỹ; quản lý chặt chẽ chất lượng chè xuất khẩu , đặc biệt tiêu chuẩn ATTP; nâng cao chất lượng chè xuất khẩu để giá chè xuất khẩu Việt Nam tiệm cận và tiến tới vượt giá chè xuất khẩu trung bình của thế giới. Đặc biệt, tiếp tục chọn giống chè đáp ứng được các nhu cầu năng suất, chất lượng , phù hợp các vùng sinh thái, xây dựng hệ thống nhân giống chè, quản lý chất lượng cây giống. Phát triển các vùng trồng chè ứng dụng VietGAP để đảm bảo ATTP, lựa chọn xây dựng một số vùng chè ứng dụng công nghệ cao liên hoàn từ sản xuất đến chế biến.

Nhà máy phải gắn với vùng nguyên liệu

Bà Đỗ Thị Đức Lý, Tổng Giám đốc công ty CP Chè Tân Cương Hoàng Bình chia sẻ, sự phát triển bền vững phải là “cánh đồng mẫu lớn” liền kề liền thửa, phải có sự chỉ đạo tập trung và liên danh chiều sâu, liên kết của các bên liên quan, giữa người dân và nông dân. Trong khi hiện nay, sự chỉ đạo tập trung còn thiếu đồng bộ sâu sát, cứ theo mô hình “nhà nhà tự sao” chè ở Thái Nguyên thì rất khó có một chất lượng chè cao chung. Cơ quan quản lý Nhà nước phải là trọng tài, phải có chế tài xử lý, giám sát một cách độc lập, chặt chẽ đối với ngành này.


Bà Đỗ Thị Đức Lý, Tổng Giám đốc công ty CP Chè Tân Cương Hoàng Bình (bên phải)

Theo Giám đốc Trần Công Lệ, Công ty CP Chè Hà Tĩnh thì để việc liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị thành công thì không thể thiếu vai trò chỉ đạo của quản lý nhà nước. Bởi sẽ không có doanh nghiệp nào dám đầu tư vào sản xuất vùng nguyên liệu cùng với dân nếu chính quyền không có các cơ chế và thực thi cơ chế để bảo hộ, bảo vệ lợi ích hợp pháp của các mối liên kết. Có thể nói địa phương chính là "bà đỡ” cho doanh nghiệp chè tồn tại và phát triển.

Tổng Giám đốc Công ty CP Chè Hoàng Bình Tân Cương cũng trăn trở về mức thuế suất đối với ngành hàng sản xuất nông nghiệp nội địa. Mức thuế suất của ngành chè hiện nay là 10% thì làm sao hỗ trợ được các doanh nghiệp phát triển bền vững? “Thủ lĩnh” của thương hiệu chè Hoàng Bình Tân Cương bày tỏ mong muốn, đều là những ngành hàng nông lâm sản, cơ quan quản lý nhà nước nên xem xét để giảm thuế nội địa, giảm thuế suất VAT chè như ngành cà phê.


Các đại biểu trao đổi trong giờ giải lao

Tại hội nghị, các đại biểu tập trung vào thảo luận và kiến nghị các giải pháp cấp thiết về: quy hoạch vùng nguyên liệu chè, giống chè và mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị: Nông nghiệp – chế biến – tiêu thụ; đối với thuế suất, các lô hàng xuất đi không đạt phải quay trở về vẫn phải tính thuế thêm một lần nữa là 40% cũng là gánh nặng của những doanh nghiệp gặp phải.

Thanh Thúy

Từ khóa: