Nghị quyết về xử lý nợ xấu được Quốc hội khóa XIV thông qua ngày 21/06/2017 chính thức có hiệu lực kể từ ngày hôm nay (15/08/2017), mở đầu cho thời hạn 5 năm có hiệu lực của Nghị quyết này.
Hôm nay, Nghị quyết về xử lý nợ xấu chính thức có hiệu lực
Nghị quyết gồm 19 Điều và Phụ lục xác định nợ xấu, quy định thí điểm một số chính sách về xử lý nợ xấu và xử lý tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu của tổ chức tín dụng; quyền, nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan trong việc xử lý nợ xấu và xử lý tài sản bảo đảm.
Nguyên tắc xử lý nợ xấu là bảo đảm công khai, minh bạch, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức mua bán, xử lý nợ xấu và cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan; Phù hợp với cơ chế thị trường trên nguyên tắc thận trọng, bảo đảm quyền lợi của người gửi tiền và giữ vững sự ổn định, an toàn hệ thống.
Ngoài ra, không sử dụng ngân sách nhà nước để xử lý nợ xấu. Cơ quan, tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật để xảy ra nợ xấu và trong quá trình xử lý nợ xấu phải chịu trách nhiệm theo quy định của pháp luật.
Nghị quyết sẽ có hiệu lực trong vòng 5 năm, áp dụng đối với toàn bộ nợ xấu tính đến thời điểm trước khi Nghị quyết có hiệu lực (trước ngày 15/08). Bên cạnh những ưu điểm, một số quy định của Nghị quyết vẫn gây nhiều quan ngại về khả năng thực thi và cần có Thông tư hướng dẫn thực hiện chi tiết. Do vậy, mặc dù đánh giá cao sự cần thiết của Nghị quyết đối với mục tiêu giảm lãi suất của Thủ tướng Chính phủ nói chung và tháo gỡ phần nào khó khăn trong việc xử lý nợ cho các ngân hàng nói riêng, nhiều chuyên gia cho rằng vẫn cần bổ sung thêm các văn bản nhằm hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cho việc xử lý nợ.
Nghị quyết về xử lý nợ xấu và các điều khoản đáng chú ý. Nguồn: VDSC.
Theo Chuyên gia tài chính, TS. Cấn Văn Lực, có rất nhiều vấn đề sẽ được giải quyết nhờ Nghị quyết về xử lý nợ xấu. Ví dụ như các khoản nợ xấu phải được mua bán theo cơ chế thị trường, đặc biệt cho phép các công ty định giá độc lập định giá nợ và tài sản thế chấp, cho phép phần chênh lệch so với sổ sách được phân bổ trong 10 năm, đặc biệt là phần tài sản đảm bảo được xử lý khá tích cực.
Trong khi đó, Toà án Nhân dân Tối cao đã ban hành văn bản chỉ đạo các toà án địa phương tiến tới xử lý các văn bản liên quan đến nợ xấu. Chính phủ và NHNN cùng ban hành chỉ thị liên quan đến xử lý nợ xấu và hôm qua NHNN đã họp toàn ngành về việc triển khai nghị quyết như thế nào.
“Có 2 việc cần hết sức khẩn trương. Thứ nhất là rất nhiều văn bản sẽ phải được ban hành, thứ hai là phải xác định được quy mô chính xác hơn về nợ xấu,” TS. Cấn Văn Lực nói.
“Bởi vì trong Nghị quyết của Quốc hội cũng có một số tiêu chuẩn về nợ xấu rõ ràng, cụ thể hơn. Như vậy, rõ ràng đó là tín hiệu tích cực đối với hệ thống ngân hàng. Tôi tin tưởng rằng khi các bộ ngành vào cuộc xử lý rất quyết liệt thì sẽ có những kết quả tích cực, bản thân các ngân hàng cũng đang tiến hành rà soát phân loại nợ xấu.
“Điều thứ hai là đã tái lập những công ty mua bán nợ của ngân hàng. Những công ty này trước đây đã có nhưng hiện nay đã tái hoạt động. Các công ty này sẽ tham gia vào quá trình mua bán nợ. Lượng nợ xấu chiếm 10% dư nợ tín dụng sẽ tốn khoảng vài năm nữa để giải quyết xong và đưa nợ xấu xuống còn 3%”.
Nghị quyết có thể không chỉ giúp các ngân hàng giải quyết các tài sản tồn đọng không sinh lãi mà còn có thể mang lại các khoản lợi nhuận bất thường thông qua hoàn nhập dự phòng một khi khoản nợ xấu được xử lý. Do đó, theo Chuyên gia kinh tế, TS. Nguyễn Minh Phong, Nghị quyết xử lý nợ xấu chỉ có tác dụng đối với các khoản nợ xấu đến ngày 15/8, nên các nhà đầu tư chứng khoán phải chọn những ngân hàng nào có nhiều bất động sản có giải chấp trước 15/8.
Cũng theo ông Phong, để đảm bảo an toàn cho thị trường từ nay đến cuối năm, Nhà nước phải quản lý chặt nợ vay dưới chuẩn. Bên cạnh đó, cần nâng trách nhiệm của các ngân hàng có vấn đề.
Ngân Giang
Theo Infonet