Theo lịch hoạt động của Quốc hội khoá XIV, Kỳ họp thứ 4, chiều nay (20/11) Quốc hội sẽ trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý và biểu quyết thông qua dự thảo Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật các TCTD.
Hôm nay Quốc hội sẽ thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật các TCTD (Ảnh: quochoi.vn)
Trong phiên làm việc buổi chiều ngày 20/11, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh sẽ trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu và chỉnh lý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật các Tổ chức tín dụng (TCTD). Sau đó, Quốc hội biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật các TCTD.
Đây được xem là đạo luật quan trọng tạo cơ sở pháp lý cho việc thực hiện các giải pháp của Đề án cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016 - 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Những điểm thay đổi quan trọng nhất của dự thảo luật tập trung các nội dung như:
(1) Nâng cao năng lực quản trị, điều hành của các TCTD
Dự thảo chú trọng và yêu cầu cao hơn về kinh nghiệm quản lý, điều hành của các nhân sự nhằm bảo đảm các cá nhân tham gia quản trị, điều hành TCTD, nhất là vị trí tổng giám đốc bắt buộc phải có kinh nghiệm quản lý, điều hành làm việc tại TCTD.
Dự thảo cũng sửa đổi, bổ sung các quy định nhằm ngăn ngừa việc lạm dụng sở hữu chéo, đầu tư chéo không lành mạnh. Cụ thể, giới hạn tỷ lệ sở hữu cổ phần của một cổ đông lớn tại một TCTD và người có liên quan tại TCTD khác dưới 5% vốn điều lệ. Đồng thời, bổ sung các quy định về giới hạn và điều kiện cấp tín dụng để đầu tư, kinh doanh trái phiếu doanh nghiệp nhằm hạn chế tình trạng “lách” quy định về giới hạn cấp tín dụng tiềm ẩn nhiều rủi ro. Các TCTD không được phép cấp tín dụng để mua cổ phần của TCTD.
Ngoài ra, TCTD phải báo cáo thông tin bằng văn bản về lợi ích liên quan của những người quản lý, người điều hành TCTD định kỳ cho NHNN.
(2) Biện pháp can thiệp sớm các TCTD có dấu hiệu yếu kém
Dự thảo Luật bổ sung việc áp dụng biện pháp can thiệp sớm đối với TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài có dấu hiệu yếu kém (nhưng chưa được đặt vào kiểm soát đặc biệt). Đồng thời, quy định rõ thời hạn, biện pháp áp dụng để TCTD tự khắc phục các yếu kém.
(3) Cơ chế xử lý TCTD được kiểm soát đặc biệt
Đối với các TCTD được kiểm soát đặc biệt, dự thảo luật đã quy định cụ thể về quy trình xử lý, các phương án có thể áp dụng, các biện pháp xử lý có thể áp dụng để bảo đảm cơ quan có thẩm quyền, có đủ cơ sở pháp lý để lựa chọn cách thức xử lý phù hợp nhất đối với từng TCTD.
Trong đó, bổ sung thêm một số trường hợp NHNN có thể xem xét đặt một TCTD vào kiểm soát đặc biệt, quy định rõ về thẩm quyền xử lý của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, NHNN trong quá trình xử lý TCTD yếu kém. Cùng với đó, bổ sung quy định cụ thể để điều chỉnh hoạt động kinh doanh của TCTD yếu kém trong giai đoạn kiểm soát đặc biệt.
Ngoài ra, dự thảo cũng quy định rõ và chi tiết hơn về thẩm quyền xử lý các TCTD được kiểm soát đặc biệt, trình tự xử lý, các phương án cơ cấu lại TCTD được kiểm soát đặc biệt.
Diệp Bình
Theo KTTD, Vietnambiz