Sự kiện hot
7 năm trước

Hơn 10.000 trường hợp bị “phạt nguội” ở Hà Tĩnh chỉ trong 3 tháng

Sau 3 tháng triển khai mô hình “phạt nguội” người điều khiển phương tiện vi phạm Luật Giao thông tại Hà Tĩnh, tình hình đã có hướng chuyển biến tích cực. Mô hình này góp phần nâng cao ý thức người tham gia giao thông, giảm thiểu tình trạng tai nạn giao thông, giúp lực lượng chức năng dễ dàng xử lý…

Giảm tai nạn nhờ “phạt nguội”

Ngày 15/5/2017, hệ thống camera giám sát vi phạm giao thông trên QL1 đoạn tuyến dài hơn 300km đi qua 3 tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình được lắp đặt.

Đến ngày 26/7, tại Hà Tĩnh hệ thống giám sát vi phạm này chính thức đi vào hoạt động. Đây là một trong những bước tiến quan trọng trong việc tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ vào hỗ trợ công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm trật tự an toàn giao thông của lực lượng CSGT.

Trung tâm chỉ huy xử lý vi phạm “phạt nguội” phòng CSGT Hà Tĩnh

Nhờ vào hệ thống camera này sẽ hỗ trợ cho lực lượng Cảnh sát Giao thông phát hiện những lỗi vi phạm cơ bản là nguyên nhân có thể gây tai nạn giao thông như vi phạm phần đường, làn đường, chạy quá tốc độ, vượt sai quy định, thậm chí là vượt các đèn tín hiệu sai quy định. Điều này hỗ trợ được rất nhiều về việc nâng cao ý thức chấp hành pháp luật an toàn giao thông đối với người và phương tiện khi tham gia giao thông, giảm áp lực công việc cho lực lượng CSGT khi làm nhiệm vụ tuần tra kiểm soát trên đường.

Trao đổi với phóng viên, Thượng tá Lưu Văn Tiến- Trưởng phòng CSGT Đường bộ, đường sắt Công an tỉnh Hà Tĩnh cho biết: “Việc áp dụng mô hình phạt nguội đã mang lại hiệu quả ATGT rất lớn. Trước đây, khi chưa có phương tiện giám sát thì ý thức người tham gia giao thông không cao nhiều người thực hiện chỉ mang hình thức đối phó, chỗ nào không có lực lượng chức năng kiểm tra, giám sát phóng nhanh vượt ẩu, từ khi có hệ thống giám sát người tham gia giao thông đã chấp hành tốt hơn, cẩn thận hơn, giảm thiểu tai nạn giao thông”.

Theo Thượng tá Tiến, hiện nay, việc lắp đặt hệ thống giám sát trên toàn tuyến chưa đầy đủ, nhưng UBND tỉnh đã cho chủ trương khảo sát lại những chỗ nào đáng lắp chưa được lắp sẽ cho lắp đặt, tỉnh sẽ đầu tư.

Việc lắp camera giám sát điều này đề phòng được rất nhiều việc như: Một là, vi phạm dẫn đến tai nạn giao thông. Hai là, tai nạn giao thông bỏ chạy. Ba là đề phòng trộm, cắp cướp… Bốn là, giám sát được các khu vực tuần hành, biểu tình gây ách tắc giao thông…

“Điều quan trọng là nhất giúp nâng cao được ý thức người dân về ATGT khi tham gia giao thông. Bên cạnh cơ quan chức năng dễ dàng làm việc.Vị trưởng phòng cho rằng, trước đây có một số người lợi dụng về các mối quan hệ để can thiệp khi vi phạm nhưng bây giờ không thể ai can thiệp vì nó đã nằm trên hệ thống của Bộ điều này rất tốt”, Phó Trưởng phòng CSGT Hà Tĩnh cho hay.

Kết quả xử lý sau 3 tháng cho thấytình hình trật tự giao thông ở Hà Tĩnh nề nếp hơn, tỉ lệ vi phạm ngày càng giảm. Số người vi phạm những ngày đầu rất nhiều và càng ngày càng giảm dần. Đến nay số thông báo gửi đi hơn 10.000 trường hợp, số đến nộp phạt hơn 3.000 chủ phương tiện và thu về ngân sách gần 3 tỷ đồng. Nhờ áp dụng mô hình này, lực lượng chức năng đỡ áp lực hơn.

Đang còn khó khăn trong xử lý

Theo Thượng tá Lưu Văn Tiến, hệ thống camera giám sát vi phạm giao thông hoạt động đưa lại kết quả tốt những cũng gây không ít khó khăn như, có một số phương tiện chưa sang tên đổi chủ để xử lý rất khó. Thứ hai, các công ty cho thuê xe, cho các đối tượng thuê xe một vài ngày vi phạm nhưng lúc xử phạt chủ xe lại phải chịu. Việc chênh lệch giữa thiết bị giám sát hành trình và máy bắn tốc độ không trùng khớp, tuy có cho sai sót nhưng nhỏ chỉ 2 -5% cũng dẫn đến thắc mắc cho người dân.

Thượng tá Lưu Văn Tiến - Trưởng phòng CSGT đường bộ, đường sắt- Công an Hà Tĩnh

Ông Tiến cho hay, việc các phương tiện trước đây đăng ký theo quy định cũ các dữ liệu đăng ký không cụ nên lúc gửi thông báo cho chủ phương tiện khó khăn bưu điện. Để khắc phục vấn đề này, Phòng cũng đã có giải pháp tham mưu cho ban Giám đốc tỉnh, những thông báo nào bưu điện trả về gửi chỉ đạo các cơ quan công an phường, xã đưa đến tận nhà cho người dân.

Trong khi đó, lực lượng ở các đơn vị cũng đang nhiều khó khăn trong kinh phí xử lý phạt nguội, khi việc thông báo đến chủ phương tiện phải thông qua bưu điện, trong 3 tháng qua cơ quan đã phải trích ngân sách cơ quan gần 50 triệu để gửi thông báo đi, trong khi đó tiền nộp phạt chuyển về ngân sách nhà nước.

“Đó là mới kinh phí cho bưu điện chưa kể đến giấy, mực để in thông báo gửi đi mà chưa có nguồn kinh phí nào, những khó khăn này đơn vị cũng đã đề xuất với lãnh đạo tỉnh nhưng đang chờ chủ trương. Tuy nhiên, quan điểm của chúng tôi là sẽ cố gắng thực hiện đầy đủ các quy định, còn những khó khăn sẽ đề xuất sau”, Thượng tá Tiến cho biết.

Diễm Phước - Trí Thức      
Theo Báo Đời sống & Tiêu dùng

Từ khóa: