Sự kiện hot
12 năm trước

Hơn 23.000 tỷ đồng đầu tư vào Tây Nguyên

Ngày 12.4 tại TP.Pleiku (Gia Lai) diễn ra Hội nghị xúc tiến đầu tư Tây Nguyên lần thứ 2 với sự tham dự của 400 đại biểu đại diện các tổ chức ngân hàng, các nhà doanh nghiệp, các tập đoàn kinh tế;

Ngày 12.4 tại TP.Pleiku (Gia Lai) diễn ra Hội nghị xúc tiến đầu tư Tây Nguyên lần thứ 2 với sự tham dự của 400 đại biểu đại diện các tổ chức ngân hàng, các nhà doanh nghiệp, các tập đoàn kinh tế; lãnh đạo 5 tỉnh Tây Nguyên và các Bộ Kế hoạch - Đầu tư, Giao thông - Vận tải.

Theo ông Trần Việt Hùng - Phó Trưởng ban chỉ đạo Tây Nguyên, khu vực này có nhiều lợi thế về phát triển nông, lâm nghiệp, nhưng giá trị gia tăng trong chuỗi các sản phẩm nông - lâm nghiệp chưa cao, giá trị xuất khẩu còn hạn chế.


Đại diện Bộ Kế hoạch - Đầu tư trao giấy chứng nhận đầu tư cho các doanh nghiệp.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình đồng nhận xét: Các sản phẩm nông sản cà phê, hạt tiêu, cao su, hạt điều… có khối lượng sản phẩm hàng hóa lớn nhưng việc tổ chức thu mua, chế biến, bao tiêu sản phẩm của các doanh nghiệp trong nước theo mô hình kết nối chuỗi giá trị còn rất yếu nên tình trạng được mùa rớt giá; mất mùa giá tăng vẫn lặp đi lặp lại…

Có thể minh chứng điều này trước hết qua ngành sản xuất cao su: Là khu vực có diện tích cao su chỉ đứng sau Đông Nam Bộ nhưng cho đến nay Tây Nguyên vẫn chưa có một nhà máy chế biến các sản phẩm cao su. Các công ty cao su chỉ bán sản phẩm thô nên giá trị gia tăng thấp. Tương tự với ngành cà phê, hồ tiêu: Hiện trên 90% sản lượng của các tỉnh Tây Nguyên là xuất thô, chất lượng không được kiểm soát do hệ thống thu mua thông qua các đại lý tư nhân… Đại diện Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai cho rằng, chỉ số cạnh tranh của các tỉnh ở Tây Nguyên đang xếp ở mức từ 59 - 32 chứng tỏ rằng "vẫn còn nhiều lực cản ở đâu đó".

Để giải quyết các bất cập trên, cùng với quyết tâm biến Tây Nguyên thành một vùng sản xuất hàng hóa xuất khẩu lớn, tại hội nghị, ngành ngân hàng - dưới sự chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước đã cam kết hỗ trợ tín dụng với tổng giá trị gần 23.000 tỷ đồng để thực hiện các dự án kinh tế lớn - chủ yếu là lĩnh vực nông nghiệp.

Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh: Tây Nguyên là khu vực có ý nghĩa đặc biệt quan trọng về an ninh - quốc phòng, tuy nhiên việc thu hút FDI hiện còn rất hạn chế. Thủ tướng yêu cầu Bộ Kế hoạch - Đầu tư phải bằng mọi giải pháp để huy động nguồn lực trong, ngoài nước đầu tư vào Tây Nguyên - trước hết là cơ sở hạ tầng giao thông, đào tạo nguồn nhân lực.

Chính phủ sẽ có một số cơ chế đặc thù tạo điều kiện cho Tây Nguyên phát triển, song các địa phương cũng phải chủ động đề xuất các cơ chế đặc thù - nhất là với các sản phẩm có lợi thế cạnh tranh; các dự án cần đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp mang tính đặc thù và sức lan tỏa.

Ngọc Tấn - Quốc Dinh
theo Dân Việt

Từ khóa: