Sự kiện hot
13 năm trước

Hơn 26.000 DN giải thể, phá sản ngừng hoạt động

Các doanh nghiệp thành lập mới vẫn tiếp tục giảm mạnh trong khi số các doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động tăng lên. Trong nửa đầu năm nay, cả nước đã có 26.324 giải thể, ngừng họat động, tăng 5,4% so với cùng kỳ.

Các doanh nghiệp thành lập mới vẫn tiếp tục giảm mạnh trong khi số các doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động tăng lên. Trong nửa đầu năm nay, cả nước đã có 26.324 giải thể, ngừng họat động, tăng 5,4% so với cùng kỳ.

Con số trên vừa được Tổng Cục Thống kê công bố sáng nay 29/6 tại cuộc họp báo về tình hình kinh tế xã hội 6 tháng đầu năm. Trong đó, số DN giải thể là 4.105, tăng tới 35,4%. Số DN ngừng hoạt động là 22.219 DN, tăng 1,3%.

Tính riêng ở tháng 6, số DN phá sản và ngừng hoạt động là 4.110 DN, trong đó, số DN phá sản là 610 DN.

Nếu như các năm trước, trung bình số DN thành lập mới thường tăng cao hơn thì năm nay, xu hướng thành lập DN mới đã diễn biến ngược lại. Trong 6 tháng, chỉ có thêm 5.800 DN thành lập mới và tính chung 6 tháng, cả nước chỉ có thêm 36.195 DN thành lập mới, giảm tới 12,5% so với cùng kỳ năm trước. Số vốn thành lập DN mới cũng chỉ đạt 232 nghìn tỷ đồng, giảm 3,5% so với cùng kỳ năm trước.

Tổng Cục thống kê nhận định thực trạng DN vẫn khó khăn. 

Mới đây, cơ quan này cũng đã thực hiện cuộc điều tra về sức khỏe DN cho thấy, tỷ lệ DN phá sản lớn, tới 8,4%.
Điều tra 9331 doanh nghiệp trên cả nước trong 4 tháng đầu năm, cơ quan thống kê phát hiện số doanh nghiệp thực tế đang hoạt động chiếm 91,6%, số doanh nghiệp phá sản, giải thể và doanh nghiệp ngừng sản xuất kinh doanh, đang hoàn thành thủ tục phá sản, giải thể (gọi chung là doanh nghiệp phá sản, giải thể) chiếm 8,4%. Trong đó số doanh nghiệp đã hoàn thành thủ tục phá sản, giải thể chiếm 4,1%, số doanh nghiệp ngừng sản xuất kinh doanh, doanh nghiệp chờ hoàn thành thủ tục phá sản, giải thể chiếm 4,3%.

Trong ba loại hình doanh nghiệp thì doanh nghiệp ngoài nhà nước có tỷ lệ phá sản, giải thể cao nhất tới 9,1%, tiếp đến là khu vực doanh nghiệp nhà nước 2,7% và thấp nhất là khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài với 2,4%.

Kết quả điều tra cho thấy vùng đồng bằng sông Cửu Long có tỷ lệ doanh nghiệp phá sản, giải thể cao nhất với 13,6% tổng số doanh nghiệp điều tra; tiếp đến là khu vực Tây Nguyên 9,9%; Đông Nam Bộ 8,6%; Bắc Trung bộ và duyên hải miền Trung 8,2%; Trung du và miền núi phía Bắc 7,2% và thấp nhất là vùng Đồng bằng sông Hồng 6%.

Trong tổng số 784 doanh nghiệp phá sản, giải thể được điều tra, có đến 69,9% doanh nghiệp phá sản, giải thể do sản xuất kinh doanh thua lỗ; 28,2% doanh nghiệp thiếu vốn để sản xuất kinh doanh; 14,7% doanh nghiệp không tiêu thụ được sản phẩm; 11,7% doanh nghiệp khó khăn về địa điểm sản xuất kinh doanh; 4,6% doanh nghiệp phải đóng cửa để thành lập doanh nghiệp mới hoặc chuyển đổi ngành nghề sản xuất kinh doanh và 4,6% doanh nghiệp đóng cửa để sáp nhập với doanh nghiệp khác.

Trong số các doanh nghiệp bị phá sản, giải thể, có đến 88,4% doanh nghiệp phản ánh họ sẽ không tiếp tục thành lập doanh nghiệp mới; 11,6% doanh nghiệp dự kiến sẽ tiếp tục thành lập doanh nghiệp mới.

Trong số doanh nghiệp phá sản, giải thể sẽ thành lập mới, có 38,9% có kế hoạch thành lập mới ngay trong năm 2012; 25% sẽ thành lập mới trong năm 2013; 16,7% sẽ thành lập mới trong năm 2014 và 19,4% sẽ thành lập mới sau năm 2014. Kết quả điều tra còn cho thấy yếu tố gây cản trở lớn nhất đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp là lãi suất vay vốn quá cao.

Tuy nhiên, theo tổng cục thống kê, so với mức độ bình quân về tỷ lệ doanh nghiệp phá sản và doanh nghiệp thành lập mới trên thế giới thì các tỷ lệ trên cho thấy, số DN phá sản là ở mức bình thường.

Phạm Huyền
Theo Vietnamnet

Từ khóa: