Chị Trần Vân Anh, Giám đốc Công ty Xuất khẩu Nông sản Long Hoa (TP.HCM) mỗi ngày lướt trên trang web chuyên về hàng hoá nông sản khoảng một tiếng đồng hồ để tìm kiếm đối tác, đặt mua hàng. Đây là một trang mạng xã hội dành cho các doanh nghiệp và nông dân hợp tác, trao đổi, mua bán những sản phẩm nông nghiệp, các loại vật tư phục vụ sản xuất... Chị cho biết, mỗi lần có đơn hàng xuất khẩu, chị lập tức rao số lượng, chủng loại, quy cách trên trang mạng này để tìm đối tác có đủ năng lực cung cấp đúng yêu cầu. Không quá nửa tiếng đồng hồ sau khi rao hàng là đã có trả lời. Từ những thông tin ấy, chị chọn đối tác, thậm chí nếu thời gian thực hiện đơn hàng gấp, còn có thể chia sẻ sản phẩm giữa các đối tác.
"Không tốn chi phí quảng cáo, kết nối nhanh chóng với đối tác, sự tương tác hai chiều rõ ràng, rành mạch hơn so với những cách làm cũ (qua điện thoại, email, fax...). Quả thật mạng xã hội quy tụ nhiều yếu tố mà những phương pháp quảng bá, kinh doanh truyền thống khác không có được", chị chia sẻ.
Với thế mạnh kinh doanh trực tuyến, TGDĐ không bỏ qua loại hình kinh doanh trên mạng xã hội. Công ty này mới ra mắt dịch vụ học tập theo mô hình Facebook. Sản phẩm, cụ thể là điện thoại di động, được liên tục cập nhật, từ hình ảnh, các đoạn video quảng cáo cho đến tính năng sản phẩm. Danh mục sản phẩm được phân chia rõ ràng giúp người xem có thể tìm kiếm chủng loại hàng hóa mà mình mong muốn một cách dễ dàng.
Cùng với việc tạo một trang mạng xã hội, đơn vị này còn tạo thêm mục "Cộng đồng" để người dùng có thể tham gia đóng góp ý kiến, giao tiếp, viết bài bình luận về sản phẩm. Trên cơ sở đó, các nhà quản trị công ty biết ngay sản phẩm nào đang bán chạy, xu hướng tiêu dùng của giới trẻ... nhờ đó cung cấp sản phẩm, dịch vụ đúng với thị hiếu của họ, thậm chí, giúp ban quản trị sửa đổi phong cách bán hàng, trình bày sản phẩm ấn tượng hơn... Các ý kiến phản hồi liên quan cũng được ghi nhận, phân tích để làm cơ sở cho chiến lược kinh doanh. Tính tương tác cao trong mạng xã hội đã trở thành một giá trị cộng thêm để công ty thu hút khách hàng. Riêng năm 2011, kinh doanh qua mạng xã hội đã chiếm 10% trong lợi nhuận của công ty.
Ông Nguyễn Ngọc Kinh Luân, Giám đốc Đối ngoại Công ty Sữa Cô gái Hà Lan cho biết: "Khi thực hiện chương trình quảng cáo cho sản phẩm Yomost, bên cạnh phủ sóng truyền hình, công ty đã tạo một sân chơi trên mạng xã hội Zing Me.
"Vì sản phẩm dành cho giới trẻ nên chúng tôi nghĩ ra việc tổ chức cuộc thi chụp ảnh cùng với Yo. Các bức hình được bạn trẻ post lên mạng để cùng chia sẻ, tìm ra những bức hình đẹp, cách tạo ra một bức hình hấp dẫn. Thế là một cách tự nhiên, sản phẩm lan truyền nhanh, thậm chí tạo ra những nhóm cộng đồng thích sản phẩm này với phong cách trẻ trung mà không mất quá nhiều công sức, chi phí quảng cáo. Mạng xã hội đã đem lại cho chúng tôi khả năng tiếp cận giới tiêu dùng trẻ vô cùng hấp dẫn".
"Vốn" mới cho doanh nghiệp
Ngày nay, các nhà kinh doanh đã nhanh chóng nắm bắt các mối quan hệ giữa các cá nhân trong một cộng đồng mạng để tạo thành một thứ "vốn". Việc quảng cáo mặt hàng, dịch vụ hay thậm chí cả công trình nghiên cứu khoa học cũng trở nên dễ dàng hơn, nhanh hơn và rẻ hơn so với quảng cáo trên báo in hay báo điện tử. Theo nghiên cứu của công ty comScore tại Việt Nam, mạng xã hội có tỉ lệ "phủ sóng" là 66% trong năm 2011, tăng mạnh so với 35% vào năm 2009. Mạng xã hội không chỉ là phương tiện kết nối, chia sẻ và kết bạn hiệu quả mà đã và đang trở thành một xu hướng mới trong tiếp thị và kinh doanh với những ưu thế và quy mô tác động vượt trội so với những hình thức kinh doanh truyền thống.
Ông Michael Craney, Lãnh đạo toàn cầu Giải pháp Cổng thông tin WebSphere của IBM cho biết, một trong những lợi ích lớn nhất khi sử dụng các mạng xã hội cho công việc kinh doanh là "hiệu ứng lây lan" giống như kiểu virus. Một khi ai đó trở thành "fan" của bạn, họ sẽ tự động gửi đi các tin nhắn cho bạn bè trong danh sách nói về dịch vụ hoặc sản phẩm của công ty bạn. Và như vậy, mạng xã hội đã trở thành kênh tiếp cận vô cùng thuận lợi và nhanh chóng giữa doanh nghiệp và khách hàng. Đặc biệt, nếu mô hình kinh doanh của doanh nghiệp không lớn, chi phí đầu tư hạn hẹp thì mạng xã hội được xem là giải pháp marketing hữu hiệu nhất, ít tốn kém nhất, trong khi vẫn đảm bảo được hiệu quả.
Theo ông Võ Anh Tâm, Giám đốc Khối Phần mềm IBM Việt Nam, kinh doanh trên mạng xã hội không chỉ đơn thuần là việc tạo một trang Facebook hay một tài khoản Twitter. Quan trọng hơn, đó là cách thức doanh nghiệp quản lý các thông tin một cách hiệu quả nhất, phục vụ đắc lực các mục tiêu kinh doanh. Xử lý tốt nguồn dữ liệu phong phú mà mạng xã hội đem lại, doanh nghiệp có thể phân tích, truy xuất dữ liệu thành những thông tin kinh doanh chiến lược. Đó còn là cách để doanh nghiệp củng cố các mối quan hệ với khách hàng, nâng cao hiệu quả hoạt động và tối ưu hóa nguồn nhân lực.
Ông Nguyễn Ngọc Kinh Luân khẳng định, kinh doanh qua mạng xã hội ít tốn kém mà lại đo lường được hiệu quả tức thì. Qua phản hồi của người tham gia, doanh nghiệp có thể biết sản phẩm được đánh giá như thế nào để có hướng cải tiến nhằm đưa ra sản phẩm mới hoàn thiện hơn.
Mạng xã hội là dịch vụ nối kết
các thành viên cùng sở thích trên Internet với nhiều mục đích khác nhau, không phân biệt không gian và thời gian, hình thành những cộng đồng trực tuyến gắn với những nhóm nghề nghiệp và lợi ích đặc thù. Giá trị cốt lõi của một mạng xã hội bất kỳ phụ thuộc vào sự tham gia của các thành viên trong mạng. Mạng xã hội cho phép các công ty chủ động tạo dựng và phát triển profile, quảng cáo sản phẩm hay tiết lộ những thông tin có ích và xa hơn là hòa nhập và trở thành một phần của cộng đồng. Do đó các CEO phải học cách kết nối với người tiêu dùng và tạo ra ảnh hưởng trên các mạng xã hội vì sẽ mang lại thành quả cao.
|