HP đã gây sốc cho thế giới di động khi công bố vào ngày hôm qua (18/8) rằng, hãng sẽ chấm dứt hỗ trợ hệ điều hành di động WebOS, đang được sử dụng trên các smartphone và máy tính bảng, đồng thời có thể bán bộ phận PC.
HP đã gây sốc cho thế giới di động khi công bố vào ngày hôm qua (18/8) rằng, hãng sẽ chấm dứt hỗ trợ hệ điều hành di động WebOS, đang được sử dụng trên các smartphone và máy tính bảng, đồng thời có thể bán bộ phận PC.
Như vậy, hãng sẽ chấm dứt các dòng thiết bị webOS gồm HP Veer 4G, máy tính bảng HP TouchPad và smartphone HP Pre 3 đang trong giai đoạn “thai nghén”. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là HP sẽ bỏ rơi WebOS mà sẽ tiếp tục tìm kiếm các cách sử dụng khác và tối ưu nền tảng này.
HP đã mua lại hãng sản xuất điện thoại Palm hồi tháng 4/2010 với giá 1,2 tỷ USD. Thời điểm đó, smartphone Pre và Pixi của Palm đang gặp khó khăn nhưng các quan sát viên công nghệ đều cho rằng, HP có tiềm lực để thúc đẩy WebOS phát triển.
Ý định của HP là phát triển hơn nữa nền tảng WebOS và tiếp tục phát hành smartphone Pre cũng như mở rộng nền tảng này cho các sản phẩm khác, gồm máy tính bảng và máy in. Theo Palm, hệ điều hành này nhận được nhiều đánh giá về độ nuột của chức năng đa tác vụ và tích hợp mạng xã hội.
Lúc đó, HP đã tổ chức một cuộc họp báo lớn ở San Francisco và công bố các sản phẩm webOS đầu tiên. Các nhà phê bình đã không có cảm tình với Veer, smartphone WebOS cỡ nhỏ ra mắt hồi tháng 5 và HP vẫn chưa xuất xưởng Pre 3 sau khi công bố hồi tháng 2.
Máy tính bảng TouchPad phát hành hồi tháng 6 đã vấp phải nhiều sự chỉ trích nặng nề về lỗi, tốc độ xử lý chậm chạp, ứng dụng nghèo nàn và phần cứng bất tiện.
Vì vậy, chỉ một thời gian ngắn sau khi phát hành, HP đã liên tục giảm giá các mẫu của dòng TouchPad này.
Trong buổi họp báo, HP đã không nói rằng, WebOS đã chết mà công ty sẽ sử dụng chúng cho các kế hoạch khác, có thể mở rộng WebOS cho các ứng dụng gia đình và xe hơi.
Công ty sẽ tiếp tục bán các máy chủ và các trang thiết bị khác dành cho các khách hàng doanh nghiệp như IBM đang làm hiện nay.
Trong khi đó, bộ phận PC là đơn vị tạo ra nguồn doanh thu lớn nhất của HP nhưng lợi nhuận lại thấp. Ngành công nghiệp PC đang chịu sức ép lớn từ smartphone và máy tính bảng. Do đó nhu cầu tiêu dùng đối với PC đang giảm ở thị trường Mỹ và Châu Âu.
Công ty cũng xác nhận rằng sẽ bán tất cả hoặc một phần bộ phận kinh doanh máy tính cá nhân và mua hãng phần mềm của Anh - Autonomy với giá tới 10 tỷ USD.
Nhiều người dự đoán rằng, HP sẽ quay lại với đối tác lâu năm - Microsoft để sản xuất điện thoại và máy tính bảng dựa trên hệ điều hành Windows.
Theo VnMedia, PC World