Theo giới phân tích, khó khăn tài chính gây ra từ những lĩnh vực không sinh lợi nhuận khiến ngân hàng HSBC, vốn đang đối mặt với án phạt khổng lồ sau bê bối rửa tiền, nhiều khả năng phải thoái vốn khỏi Tập đoàn Bảo Việt.
Theo giới phân tích, khó khăn tài chính gây ra từ những lĩnh vực không sinh lợi nhuận khiến ngân hàng HSBC, vốn đang đối mặt với án phạt khổng lồ sau bê bối rửa tiền, nhiều khả năng phải thoái vốn khỏi Tập đoàn Bảo Việt.
Lời thừa nhận gây sốc
Ban giám đốc Ngân hàng HSBC hôm 17/7 vừa qua khiến cả thị trường tài chính rúng động khi nhận lỗi trước Quốc hội Mỹ về việc biến chi nhánh tại nước này thành nơi lưu chuyển tiền cho các trùm ma túy Mexico lẫn những thế lực ở Iran và Syria.
Lời thừa nhận gây sốc được đưa ra sau khi một Uỷ ban Điều tra của Thượng viện Mỹ cáo buộc ngân hàng toàn cầu này tạo kẽ hở để các phần tử khủng bố và các nhóm buôn bán ma túy... tiếp cận hệ thống tài chính Mỹ.
Ủy ban Điều tra của Thượng viện Mỹ phát hiện, tình trạng kiểm soát yếu kém tại HSBC đã cho phép các nhóm tội phạm tuồn hàng tỷ USD từ nhiều nước như Mexico, quần đảo Cayman, Iran, Arab Saudi... vào Mỹ qua ngân hàng này.
Đáng lo ngại hơn, bản phúc trình công bố trước cuộc điều trần của Thượng viện Mỹ còn cho rằng HSBC cũng đã giao dịch với các công ty dính dáng tới khủng bố. Đồng thời, ngân hàng có chi nhánh trên khắp thế giới này còn tránh né các biện pháp chế tài tài chính của Mỹ và nhiều nước phương Tây đối với các quốc gia bị phong tỏa tài sản như Iran.
Đồng thời, báo cáo của Thượng viện Mỹ kết luận, Ủy ban Lập pháp ngân hàng Mỹ, cơ quan kiểm định tiền tệ của nước này đã thất bại trong việc kiểm soát HSBC. Các giám đốc điều hành của HSBC và các nhà giám sát Mỹ thường phớt lờ các dấu hiệu cảnh báo và không ngăn chặn những hành vi bất hợp pháp trong khoảng thời gian từ năm 2002-2010, tạo cơ hội cho những kẻ tội phạm và khủng bố có “cánh cổng” thâm nhập hệ thống tài chính Mỹ.
HSBC nhiều khả năng thoái vốn khỏi Tập đoàn Bảo Việt.
Chủ tịch Ủy ban Điều tra thường trực của Thượng viện Mỹ, Carl Levin, hoan nghênh những nỗ lực sửa sai của lãnh đạo HSBC. Tuy nhiên, ông cho rằng sai lầm mang tính hệ thống của ngân hàng khổng lồ này có thể ảnh hưởng đến uy tín của hệ thống ngân hàng Mỹ. “Những lời xin lỗi và cam kết củng cố lại quy định giao dịch hoàn toàn được khuyến khích. Tuy nhiên, uy tín, cái quan trọng nhất, đã bị đánh mất”, ông nói.
Theo nhiều nguồn tin, ngân hàng HSBC sẽ bị Bộ Tư pháp Mỹ tiếp tục điều tra và có thể phải đối mặt với khoản tiền phạt khổng lồ. Con số này sẽ lớn hơn nhiều so với 619 triệu USD tiền phạt mà một ngân hàng Hà Lan phải trả tháng trước vì mắc phải những sai phạm tương tự. Một số chuyên gia nhận định, khoản tiền phạt mà HSBC phải gánh có thể sẽ lên tới một tỷ USD.
Chuyên gia phân tích Mike Trippitt tại hãng chứng khoán Oriel ước tính, khoản tiền phạt một tỷ USD tương đương 5% lợi nhuận trước thuế dự kiến của HSBC năm 2012 và chắc chắn sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới tình hình tài chính của công ty.
Thoái vốn để cứu mình?
Giữa lúc bê bối rửa tiền còn chưa được giải quyết ổn thỏa, hãng tin Reuters hôm nay tiếp tục đưa ra thông tin gây sốc về ngân hàng có trụ sở tại London này.
HSBC trở thành cổ đông chiến lược của Bảo Việt vào giữa tháng 9/2007, sau khi mua 10% cổ phần của tập đoàn này với giá trị khoảng 225 triệu USD. Theo thỏa thuận tại thời điểm đó, HSBC cam kết nắm giữ cổ phiếu BVH tối thiểu 5 năm. Sau khi Bảo Việt niêm yết tại sàn thành phố Hồ Chí Minh năm 2009, HSBC tiếp tục nâng tỷ lệ sở hữu lên 18%.
Theo nguồn tin này, ngân hàng HSBC vừa mới bị buộc tội rửa tiền đang tìm đối tác để bán cổ phần tại Tập đoản Bảo Việt (BVH), tập đoàn bảo hiểm lớn nhất Việt Nam với hơn 130 chi nhánh, với mức giá khoảng 400 triệu USD.
Cụ thể, HSBC đang thương thảo với hãng bảo hiểm Sumitomo Life của Nhật để bán lại toàn bộ 18% cổ phần BVH, hãng tin Reuters dẫn lời các nguồn tin trực tiếp với thương vụ cho hay.
Với mức giá 43.000 đồng/cổ phiếu hiện tại, giá trị thị trường lượng cổ phiếu BVH mà HSBC đang nắm giữ đạt khoảng 250 triệu USD. Tuy nhiên, HSBC kỳ vọng sẽ bán được với giá cao hơn nhờ vào vị thế thị trường của Tập đoàn Bảo Việt và tiềm năng nâng cổ phần nắm giữ tại tập đoàn này trong tương lai.
Tập đoàn Sumitomo Life là một trong bốn công ty bảo hiểm nhân thọ lớn nhất Nhật Bản. Ngoài tập đoàn này, còn một số tên tuổi lớn khác cũng muốn mua số cổ phần của HSBC, song hiện thông tin chưa được công bố cụ thể.
Một nguồn tin cho biết: “Một số đối tác đang quan tâm đến thương vụ này, mặc dù tỷ lệ cổ phần không lớn có thể khiến nó không quá hấp dẫn với họ”.
HSBC và Sumitomo Life đều từ chối bình luận về tin này.
Tuy nhiên, theo giới phân tích, khả năng thoái vốn của HSBC là hoàn toàn có thể xảy ra bởi ngân hàng này dường như đang quá tải với những gánh nặng tài chính. Chưa kể đến khoản tiền phạt có thể lên tới một tỷ USD sau bê bối rửa tiền, HSBC cũng đang đứng trước nguy cơ thua lỗ do nhiều lĩnh vực kinh doanh không tạo ra lợi nhuận.
Do đó, HSBC đang thu hẹp hoạt động ở các lĩnh vực kinh doanh và thị trường có mức lợi nhuận thấp nhằm thực hiện kế hoạch phục hồi kéo dài ba năm. Cho đến nay, ngân hàng này đã bán xong 28 hoạt động kinh doanh, giảm bớt 15.000 nhân viên đi kèm và xử lý được 55 tỷ USD tài sản rủi ro cao.
Cách đây bốn tháng, HSBC cũng bán mảng kinh doanh bảo hiểm toàn cầu của mình cho AXA SA và QBE Insurance Group với giá 914 triệu USD.
Theo Đất Việt