Sự kiện hot
khoảng 1 năm trước

HSBC: Triển vọng sản xuất của Việt Nam đang bắt đầu nhìn thấy thách thức

Báo cáo đề cập đến những khó khăn trong thương mại. Tình hình sản xuất có phần ảm đạm của Việt Nam là hình ảnh phản chiếu của lĩnh vực bên ngoài đang yếu đi bởi Việt Nam đặc biệt dễ bị ảnh hưởng bởi nhu cầu dao động của các nước phương Tây.

Theo báo cáo của HSBC vừa công bố, Việt Nam nhiều khả năng dễ dàng lại lọt vào nhóm các nước tăng trưởng vượt trội của châu Á lần nữa, có thể chỉ sau Malaysia. Mặc dù vậy, Việt Nam không nên ngủ quên trên chiến thắng vì ẩn dưới con số tăng trưởng đẹp đẽ này là những rủi ro tiềm ẩn đối với tăng trưởng của năm 2023.  

Kinh tế Việt Nam trong quý IV/2022 tăng trưởng 5,9% so với cùng kỳ năm trước, kết quả này đưa tăng trưởng của cả năm 2022 lên 8%, đánh dấu mức tăng trưởng cao nhất của Việt Nam kể từ năm 1997.

Mặt khác, báo cáo còn đề cập đến những khó khăn trong thương mại. Tình hình sản xuất có phần ảm đạm của Việt Nam là hình ảnh phản chiếu của lĩnh vực bên ngoài đang yếu đi bởi Việt Nam đặc biệt dễ bị ảnh hưởng bởi nhu cầu dao động của các nước phương Tây.

Xuất khẩu sụt giảm 14% trong tháng 12/2022 so với cùng kỳ năm trước, sự suy yếu diễn ra trên diện rộng ở các ngành hàng chính, đặc biệt là điện tử.

Trong khi đó, nhập khẩu cũng giảm mạnh 8,1% so với cùng kỳ năm trước, chủ yếu là ở nhập khẩu các mặt hàng liên quan đến công nghệ.

Lý giải về vấn đề này, đơn vị phân tích HSBC nhận định bởi Việt Nam đang ở thế “đứng mũi chịu sào” bị ảnh hưởng từ chu kỳ công nghệ toàn cầu đang “hạ nhiệt” với bản chất hoạt động sản xuất hàng điện tử đòi hỏi nhập khẩu nhiều. Triển vọng sản xuất của Việt Nam đang bắt đầu nhìn thấy thách thức với bằng chứng là chỉ số PMI mới nhất tiếp tục lao dốc xuống 46,4 trong tháng 12, mức thấp nhất trong vòng 1,5 năm qua. 

Trong khi thặng dư thương mại cải thiện trong quý IV, lợi thế về cán cân thương mại nói chung của Việt Nam lại một lần nữa thu hẹp do tình hình xuất khẩu chậm lại và nhập khẩu năng lượng tăng cao trong nửa đầu năm 2022. Điều đó dẫn đến mức thặng dư thương mại thấp, chỉ đạt 4,1 tỷ USD (1% GDP) trong năm 2022.

Trong khi dữ liệu cán cân thanh toán của cả năm chưa được công bố, mức thặng dư thương mại thấp này nhiều khả năng sẽ không bù đắp được cho thâm hụt trong thu nhập chính và dịch vụ.

HSBC cũng cho biết thêm, trong khi lạm phát chính của năm đã tương đối thấp ở mức 3,2%, Việt Nam tiếp tục chứng kiến áp lực lạm phát mạnh lên.

Tháng 12 là tháng thứ ba liên tiếp lạm phát vượt mức trần 4% của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam.

"Không chỉ lạm phát cơ bản tăng lên 5% so với cùng kỳ năm trước mà Việt Nam còn chứng kiến giá nguyên liệu thô tăng lên. Điều này có nghĩa là NHNN nhiều khả năng sẽ tiếp tục chu kỳ thắt chặt", HSBC cho biết.

Là ngân hàng trung ương cuối cùng ở ASEAN có động thái điều chỉnh, NHNN đã chủ động bắt kịp xu hướng chung, tăng lãi suất 200 điểm cơ sở trong năm 2022.

Trong khi HSBC kỳ vọng NHNN thắt chặt tiền tệ chậm lại khi Fed được dự báo sẽ giảm tốc và biến động ngoại tệ được xoa dịu, chu kỳ tăng lãi suất sẽ còn tiếp tục.

Khối phân tích dự báo NHNN sẽ nâng lãi suất tái cấp vốn 50 điểm cơ sở trong quý I/2023 và quý II/2023, nâng lãi suất tái cấp vốn lên 7% vào giữa năm 2023.

Hạ Lam
Theo KTDU

Từ khóa: